VFF: 'Việt Nam vẫn bám sát lộ trình dự World Cup 2030'

30/12/2024
|
0 lượt xem
Bóng Đá Khoa Học Trong Nước Thể Thao
VFF: 'Việt Nam vẫn bám sát lộ trình dự World Cup 2030'

Đội tuyển Việt Nam ăn mừng sau khi ghi bàn trong trận thua Nhật Bản 2-4 ở vòng bảng Asian Cup 2023. Ảnh: AFC.

- Đội tuyển được kỳ vọng sẽ tìm lại thời hoàng kim cùng Kim Sang-sik, một đồng hương nổi tiếng của cựu HLV Park Hang-seo. Tuy nhiên, sau năm tháng, kết quả, lối chơi và con người dường như chưa có nhiều khác biệt. Ông nghĩ sao về điều này?

- Kim Sang-sik đến vào tháng 5, để tiếp quản đội tuyển từ người tiền nhiệm Troussier. Ông chỉ có một tháng chuẩn bị cho hai trận cuối cùng ở vòng loại thứ hai World Cup 2026, với kết quả thắng Philippines 3-2 trên sân nhà và thua Iraq 1-3 ở sân khách. Dù không thể tạo đột biến, những gì diễn ra phần nào ghi nhận nỗ lực của ban huấn luyện và các cầu thủ, trong bối cảnh ông Kim mới vào việc và đang xây dựng lực lượng, lối chơi.

Sau đợt FIFA Days tháng 6, V-League 2023-2024 kết thúc nên HLV Kim không có điều kiện theo dõi và tuyển chọn nhân sự thông qua các trận đấu chính thức. Vì vậy, lực lượng trong tháng 9 đa số là những cầu thủ đã có kinh nghiệm thi đấu cùng nhau ở đội tuyển những năm qua. Tuy nhiên, chúng tôi đã có định hướng chủ động tạo nguồn lực kế cận nên đội tuyển cần có những gương mặt trẻ như hậu vệ Nguyễn Thanh Bình, Phan Tuấn Tài, tiền vệ Nguyễn Văn Trường, Nguyễn Hai Long, tiền đạo Nguyễn Văn Tùng, Bùi Vĩ Hào.

V-League 2024-2025 đã khởi tranh từ 14/9. Đây là điều kiện thuận lợi để HLV Kim quan sát, tuyển chọn và có sự bổ sung chất lượng.

- Việt Nam không còn cơ hội cạnh tranh ở vòng loại World Cup 2026, vậy tầm nhìn đến World Cup 2030 là gì?

- Căn cứ mục tiêu, nhiệm vụ thông qua Đại hội VFF khoá 9 nhiệm kỳ 2022-2026, đội tuyển nam phấn đấu đến năm 2030 lọt vào top 10 châu Á và cạnh tranh cơ hội dự World Cup ở Arab Saudi. Còn từ nay đến 2026, chúng ta đặt mục tiêu giành quyền dự Asian Cup 2027 và ít nhất một lần vô địch Đông Nam Á.

Dù bối cảnh hiện tại không thuận lợi, VFF vẫn tiếp tục bám sát và triển khai các nhiệm vụ theo lộ trình đã đặt ra từ trước, trong đó có đề án phát triển nguồn lực tham gia World Cup 2030, Asian Games 2027, 2031 và Olympic 2028, 2032 mà Ban chiến lược VFF đã vạch ra.

- VFF có chiến thuật cụ thể nào cho kế hoạch này không?

- Trước đây, Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Philippines là năm đội tuyển có sức cạnh tranh mạnh mẽ nhất Đông Nam Á. Hiện giờ, chỉ còn lại ba cái tên đầu tiên. Trong đó, Thái Lan được đánh giá nhỉnh hơn dựa trên kết quả thi đấu và thành tích đã đạt được. Còn Indonesia, với chính sách nhập tịch cởi mở đã huy động được nguồn lực rất mạnh từ cầu thủ đang thi đấu tại châu Âu. Đội hình xuất phát mỗi trận hiện chỉ có một đến hai cầu thủ thuần Indonesia, còn lại là mang dòng máu lai gốc Hà Lan.

Chính sách nhập tịch cầu thủ phát huy hiệu quả khi giúp Indonesia lần đầu góp mặt ở vòng loại ba World Cup 2026, và vừa gây ấn tượng khi hoà Australia và Arab Saudi. Rõ ràng đội hình nhập tịch chất lượng của Indonesia đã làm thay đổi tương quan lực lượng so với các đội khác trong khu vực. Không chỉ Việt Nam mà kể cả Thái Lan khi gặp Indonesia lúc này cũng đối diện rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, mỗi quốc gia có một đặc thù khác nhau, chúng ta không thể rập khuôn cách làm của nước khác về Việt Nam.

Phó chủ tịch phụ trách chuyên môn Liên đoàn bóng đá Việt Nam Trần Anh Tú. Ảnh: VFF.

- Vậy khó khăn đến từ đâu?

- Đến từ hai phía. Thứ nhất, bản thân Việt kiều có mong muốn thi đấu tại giải quốc nội Việt Nam hay không. Thứ hai, chất lượng giải có đủ để tạo ra sức hút với những Việt kiều đang thi đấu ở các nền bóng đá phát triển hơn chúng ta hay không. Điều cốt lõi ở đây vẫn là phải nâng cao chất lượng V-League.

Còn đứng trên phương diện VFF, chúng tôi luôn đánh giá cầu thủ Việt kiều, tức là những cầu thủ có một phần dòng máu Việt Nam, là nguồn tài nguyên quý giá có thể bổ sung cho bóng đá và các đội tuyển.

- Theo ông, số lượng cầu thủ Việt kiều trên thế giới có thật sự dồi dào không?

- Chưa có số liệu thống kê cụ thể, nhưng khi áp dụng quy định về việc dùng cầu thủ gốc Việt chưa có quốc tịch ở giải quốc nội thì nhiều người đã về Việt Nam thi đấu.

V-League 2024-2025 có khoảng 10 cầu thủ, bao gồm đã có quốc tịch như Đặng Văn Lâm, Nguyễn Filip, hay chưa có quốc tịch nổi bật như Kyle Colonna (Hà Nội FC), Jason Quang Vinh Pendant (Công an Hà Nội), Patrik Lê Giang (CLB TP HCM), Adou Minh Leygley (Hà Tĩnh). Ngoài ra, khá nhiều Việt kiều đang thi đấu ở các giải châu Âu, châu Mỹ.

- LĐBĐ thế giới (FIFA) hay LĐBĐ châu Á (AFC) luôn muốn các nước tập trung nhiều nhất vào đào tạo trẻ nhằm phát triển bền vững. Thực trạng các đội tuyển trẻ Việt Nam thế nào?

- Đào tạo trẻ và đầu tư phát triển các đội tuyển trẻ là kim chỉ nam xuyên suốt trong hoạt động VFF qua các nhiệm kỳ. Nhờ vậy, kết quả những năm gần đây tích cực khi Việt Nam đều giành quyền dự vòng chung kết châu Á các cấp tuyển trẻ, từ đó cầu thủ có cơ hội cọ xát, nâng cao trình độ và bản lĩnh thi đấu. Các cầu thủ xuất sắc trong đội hình ĐTQG hiện nay đều là những người trưởng thành từ các lứa trẻ, từ U16/U17, U19/U20 đến U22/U23.

Với lứa U22 - sinh từ 2003 trở về sau chuẩn bị cho SEA Games 2025, các cầu thủ ngoài tiếp nối phát triển từ lứa U16 còn được VFF đầu tư mạnh, bằng cách đợt tập huấn tại các quốc gia có nền bóng đá phát triển như Nhật Bản, UAE, Qatar... Một số cầu thủ thậm chí đã dự U23 châu Á 2024, như Khuất Văn Khang, Đình Bắc, Bùi Vĩ Hào, Lê Nguyên Hoàng, Thái Sơn, Quốc Việt, Văn Trường, Đức Việt, Văn Cường... Một số khác sinh năm 2005, 2006 là chủ lực lứa U20 như Bảo Long, Lê Phát, Công Phương, Hoàng Minh Tiến...

Trung vệ Adou Minh Leygley (phải) mang hai dòng máu Việt Nam và Pháp, đang thi đấu cho Hà Tĩnh ở mùa giải 2024-2025. Ảnh: CLB Hà Tĩnh

- Có một thực trạng ở Việt Nam là độ vênh giữa VFF với CLB trong công tác đào tạo trẻ. Vấn đề này hiện nay ra sao?

- Còn nhiều vấn đề cần cải thiện trong công tác đào tạo trẻ, đặc biệt với các CLB chuyên nghiệp hạng Nhất, V-League. Ba vấn đề quan trọng, gồm phải có đầy đủ các lứa tuổi đào tạo từ U9 đến U21, cơ sở vật chất và chất lượng HLV đào tạo bóng đá trẻ.

VFF có hệ thống giải trẻ từ U9 đến U21. Nhưng một số CLB còn gặp khó khăn về tài chính, kinh phí hoạt động hoặc thiếu chiến lược phát triển bóng đá trẻ nên chưa tham gia đủ tất cả các giải. Ngoài nâng cao quy mô và chất lượng hệ thống thi đấu trẻ, VFF sẽ tiếp tục hỗ trợ CLB tháo gỡ khó khăn trong thực hiện Quy chế cấp phép CLB. Chúng tôi cũng rất mong các cơ quan quản lý Nhà nước tại các địa phương quan tâm, chỉ đạo và hỗ trợ CLB trong công tác này, đặc biệt là cơ sở vật chất dành cho phát triển bóng đá trẻ.

- Muốn có cầu thủ tốt cũng cần lực lượng HLV chất lượng. Nhật Bản có khoảng 40.000 HLV từ bằng C của AFC trở lên, Indonesia là 4.000. Con số này ở Việt Nam là bao nhiêu?

- Lực lượng HLV từ bằng C – AFC trở lên của Việt Nam khoảng 1.100 người. VFF đã hỗ trợ các CLB thông qua tổ chức rất nhiều khóa đào tạo HLV chứng chỉ C, B, A của AFC ở trong nước. Muốn tăng nguồn lực này, giải pháp vẫn là tăng số lượng và chất lượng khoá đào tạo, đồng thời quyết liệt áp dụng Quy chế cấp phép CLB để các HLV phải có đủ chứng chỉ mới được làm việc tại CLB hay địa phương.

- Một vấn đề khác là không còn cầu thủ Việt Nam được đào tạo trong nước thi đấu ở nước ngoài. Theo ông, nguyên nhân do đâu?

- Cầu thủ Việt Nam vẫn cần nỗ lực để đáp ứng được trình độ ở các nền bóng đá phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc. Thứ hai, rào cản ngôn ngữ và văn hoá cũng ảnh hưởng đến giao tiếp và sự hoà nhập của họ với đội bóng mới.

Từ việc xuất ngoại của cầu thủ Thái Lan, chúng tôi nhận ra một số kinh nghiệm, như cầu thủ nên lựa chọn giải đấu phù hợp với khả năng và phong cách chơi bóng, để giúp họ hoà nhập nhanh hơn. Cầu thủ cần chuẩn bị kỹ lưỡng hơn trước khi ra nước ngoài, gồm chuyên môn, tăng cường ngoại ngữ và kiến thức văn hoá bản địa. Thứ ba là tìm kiếm bến đỗ phù hợp năng lực để có cơ hội thi đấu thực tế. Cuối cùng, các CLB Việt Nam cần tăng cường hợp tác, liên kết đào tạo với CLB nước ngoài, từ đó mới tạo cơ hội cho cầu thủ được tập huấn, đào tạo, giao lưu và thi đấu nước ngoài từ sớm.

Cầu thủ nhập tịch không mang dòng máu Việt Nam có được lên ĐTQG? Đội tuyển từng triệu tập nhiều cầu thủ không mang dòng máu Việt Nam giai đoạn 2008-2009, như Phan Văn Santos, Đinh Hoàng La, Đình Hoàng Max, Huỳnh Kesley Alves. Tuy nhiên, nhóm cầu thủ này có thời gian gắn bó ngắn, sau đó chuyện sử dụng họ trên các đội tuyển cũng không còn được nhắc đến.

Năm 2022, trang Facebook Thông tin Chính phủ từng đăng bài viết "Quan điểm của Đảng, Chính phủ và Nhà nước là không triệu tập vận động viên không mang dòng máu Việt Nam lên các đội tuyển". Đến SEA Games 32 tại Campuchia, Cục trưởng Cục Thể dục Thể thao Đặng Hà Việt nhắc lại vấn đề này. Riêng các VĐV Việt kiều, nếu mong muốn được đóng góp cho quê hương thì thể thao Việt Nam sẵn sàng chào đón. Khi phụ thuộc vào chủ trương chung, ngành thể thao hay các liên đoàn thể thao không phải đơn vị có thể tự quyết định.

Hiện, Việt Nam có những cầu thủ nhập tịch đang thi đấu như tiền đạo gốc Nigeria Hoàng Vũ Samson (Quảng Nam), tiền đạo gốc Brazil Nguyễn Xuân Son (Nam Định) hay tiền vệ gốc Uganda Trần Trung Hiếu (Bình Dương). Những cầu thủ này được nhập tịch khi đáp ứng quy định cơ bản là sinh sống 5 năm liên tục tại Việt Nam, có khả năng đảm bảo cuộc sống tại Việt Nam và có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật Việt Nam. Quy định của VFF là các CLB V-League và hạng Nhất sẽ được sử dụng một cầu thủ nhập tịch không mang dòng máu Việt Nam.

Hiếu Lương

Tin liên quan
Tin Nổi bật