Văn hóa đi bảo tàng

04/01/2025
|
0 lượt xem
Góc Nhìn Văn Hóa & Lối Sống
Văn hóa đi bảo tàng

Câu biểu ngữ, mà tôi nhìn thấy khi tham quan Bảo tàng Đôn Hoàng tại tỉnh Cam Túc, Trung Quốc vào tháng 9 năm 2023, ngay lập tức làm tôi thay đổi cách nhìn với các hiện vật trong bảo tàng. Rõ ràng, đây là những sinh mệnh đã tồn tại qua hàng nghìn năm lịch sử, mang trên mình những câu chuyện vượt thời gian, gợi mở nhiều thông điệp về quá khứ.

Tại các nước phát triển, đặc biệt là ở châu Âu và Bắc Mỹ, việc đi bảo tàng là một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa. Ở Pháp, Bảo tàng Louvre nổi tiếng là điểm đến hấp dẫn với hàng triệu khách du lịch mỗi năm. Người dân địa phương cũng có thói quen đi bảo tàng để khám phá các giá trị văn hóa và lịch sử quốc gia. Theo Báo cáo của UNESCO, khoảng 70% người dân Pháp đến bảo tàng ít nhất một lần mỗi năm, một số bảo tàng lớn còn mở cửa miễn phí vào chủ nhật để khuyến khích người dân tiếp cận nghệ thuật.

Tại Việt Nam, nhiều bảo tàng đang chuyển mình để thu hút nhiều hơn khách tham quan. Không chỉ chú trọng về mặt truyền thông mà thay đổi nội dung trưng bày, cách thức tương tác, không gian trải nghiệm... cũng được các bảo tàng áp dụng. Trong số hơn 160 bảo tàng trên cả nước, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam luôn nằm trong tốp đông khách nhất, với bình quân 33.000 lượt khách tham quan/tháng trong năm 2023. Gần đây, mặc dù mới khai trương, ngày cao điểm, Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam đã đón hơn 40.000 lượt khách.

Bảo tàng đang dần trở thành một thực thể sống động trong sự chuyển động của thị trường văn hóa du lịch trong nước. Việt Nam đặt mục tiêu doanh thu ngành du lịch văn hóa đạt 8 tỷ USD vào năm 2030. Để làm được nhiệm vụ đó, bảo tàng là một trong những kênh quan trọng.

Ở nhiều quốc gia, bảo tàng vốn đã trở thành một điểm sáng mới của ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo. Từ lợi thế là nơi lưu giữ văn vật, các bảo tàng đã phát triển bộ phận khai thác bản quyền từ các văn vật này thông qua việc số hóa di sản, chuyển hóa thành các tài sản trí tuệ (Intellectual Property - IP). Doanh thu từ các tài sản trí tuệ IP này đang có xu thế vượt qua doanh thu vé vào cửa.

Năm 2017, doanh thu từ tài sản IP của Bảo tàng Cố Cung (Trung Quốc) đạt 1,5 tỷ NDT (tương đương 5.400 tỷ đồng), gấp đôi doanh thu vé vào cửa (800 triệu NDT). Người tiêu dùng các sản phẩm này chủ yếu đến từ thế hệ 9X và 10X -chiếm 79,2%. Điều đó cho thấy các sản phẩm văn hóa sáng tạo từ bảo tàng đang bắt kịp với nhịp sống của thế hệ mới. Các văn vật theo cách nào đó cũng đến gần hơn với hơi thở đương đại.

Năm 2019, Bảo tàng Hà Nam (Trung Quốc) tạo nên cơn sốt tiêu dùng văn hóa khi đưa ra sản phẩm "hộp mù khảo cổ". Điểm hấp dẫn của hộp mù khảo cổ là người mua hoàn toàn không biết bên trong là hiện vật được mô phỏng nào cho đến khi họ đào thành công chiếc hộp. Ngày nay, các sản phẩm văn hóa sáng tạo từ bảo tàng đa dạng hơn về chủng loại, từ mỹ phẩm, thực phẩm đến đồ lưu niệm, vật dụng trang trí. Người dân đến bảo tàng không chỉ tìm về với quá khứ mà còn để tiêu dùng những sản phẩm gắn liền với phong vị văn hóa của dân tộc.

Cách tiếp cận về bảo tàng của chính người trong cuộc và người thụ hưởng đã có những chuyển biến lớn. Đây vừa là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại cho những người đam mê tìm lại nguồn cội, cũng sẽ là nơi dẫn dắt xu hướng cho những người muốn tạo dấu ấn riêng về cá tính tiêu dùng. Bảo tàng hoàn toàn có thể chiếm vị trí xứng đáng hơn trong đời sống tinh thần và chiến lược phát triển thị trường du lịch văn hóa ở Việt Nam.

Tuy nhiên, để bắt kịp với xu thế đó, một vấn đề đáng được đặt ra, là thái độ của người dân khi đến với bảo tàng. Không phải ai cũng hiểu được rằng, tham quan bảo tàng là con đường ngắn nhất để tìm hiểu văn hóa, lịch sử của một vùng đất hay một quốc gia, dân tộc. Có người đến bảo tàng trong tâm thế hời hợt, chạy theo tâm lý đám đông, đến để check-in, khoe bài trên mạng xã hội. Một số khác lại thiếu đi ý thức tôn trọng hiện vật, không giữ gìn tài sản chung, vô tư cầm nắm, dẫm đạp lên hiện vật. Những điều này vô hình trung làm giảm đi giá trị văn hóa lịch sử của các bảo tàng.

Vì vậy, để bảo tàng phát huy tốt hơn vai trò, vị thế vốn có trong đời sống tinh thần của người dân, khách tham quan cần có tâm thế đúng khi đến tham quan. Bảo tàng sẽ thật khô khan, buồn tẻ nếu chúng ta không mang theo tâm thế học hỏi, hiếu kỳ về quá khứ khi đến với nơi đây. Ngày nay, những thông điệp từ quá khứ thông qua các văn vật đã được các bảo tàng thể hiện qua hệ thống bảng biểu thuyết minh, đội ngũ hướng dẫn viên, các phòng chuyên đề... Người tham quan có thể từ các kênh này để tìm hiểu giá trị lịch sử văn hóa của các hiện vật. Chỉ khi hiểu rõ giá trị của bảo tàng thì người xem mới có thể thu nhận ý nghĩa sâu xa của việc đi bảo tàng.

Đi bảo tàng, cơ bản nhất, là để ngắm nghía và tìm hiểu vì sao một hiện vật "đã sống" hàng nghìn năm vẫn còn có giá trị, chứ không phải chỉ để sờ, nắn hoặc chụp một bức ảnh hiếu kỳ với những hiện vật "đã chết".

Trần Thị Thủy

Tin liên quan
Tin Nổi bật