Trình diễn giải pháp bền vững ngành lúa gạo tại Mekong Startup 2024

31/12/2024
|
0 lượt xem
Thời Sự Tin Tức Mekong Startup 2024
Trình diễn giải pháp bền vững ngành lúa gạo tại Mekong Startup 2024

Phiên trình diễn công nghệ, giới thiệu loạt sáng kiến cho nông nghiệp hiện đại là một trong những hoạt động thu hút sự chú ý của hàng trăm quan khách tại Mekong Startup 2024.

Mở đầu, bà Lê Thị Thu Ngân - Giám đốc công ty Shoes Agtech giới thiệu robot siêu nhẹ Airboots. Robot ứng dụng trong quá trình chăm sóc lúa với ba tính năng bón phân, phun thuốc, gieo hạt. Sản phẩm ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp, tăng năng suất chất lượng và giảm công sức chi phí của người nông dân, nhà sản xuất nông nghiệp.

Airboots trình diễn các tính năng. Ảnh: Thanh Tùng

Bà Ngân cho biết robot thế hệ mới vận hành như một chiếc xe nông nghiệp, giúp gieo hạt, bón phân, phun thuốc trừ sâu nhưng không làm rạp thân lúa, công suất đạt 20 ha trong 8 giờ.

Sản phẩm đạt ba bằng sáng chế độc quyền quốc tế do nhóm các chuyên gia là các giáo sư, tiến sĩ thuộc Trường Đại học Bách Khoa TP HCM kết hợp Công ty TNHH Shoes Agtech có trụ sở tại Singapore nghiên cứu phát triển. Dự án đang được ươm tạo trong chương trình Đổi mới toàn cầu thông qua khoa học và công nghệ của Bộ Ngoại giao Mỹ.

Nối tiếp, ông Thái Nguyễn Hoài Thiên - đại diện Công ty Cổ phần Rynan Technologies Vietnam giới thiệu nền tảng hệ sinh thái nông nghiệp số và các dữ liệu về phát thải khí nhà kính.

Theo đó, chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp đang trở thành xu thế tất yếu trong bối cảnh công nghệ ngày càng phát triển mạnh. Với sự bùng nổ của dữ liệu và các công nghệ tiên tiến, áp dụng chuyển đổi số giúp tối ưu hóa quy trình sản xuất, góp phần bảo vệ môi trường, thúc đẩy sự phát triển bền vững và giảm thiểu tác động tiêu cực từ phát thải khí nhà kính.

Đơn vị mang đến quy trình chuyển đổi số, gồm 4 phần chính: Số hóa dữ liệu (Digitization); Số hóa quy trình (Digitalization); Vận hành số (Digital Operation); Dữ liệu là tài sản.

Đại diện Công ty Cổ phần Rynan Technologies Vietnam giới thiệu công nghệ chuyển đổi số trong nông nghiệp. Ảnh: Thanh Tùng

Một sản phẩm tạo chú ý khác là "thịt thực vật chế biến từ mít", giới thiệu bởi bà Cao Thị Cẩm Nhung, Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Thực phẩm Sáng tạo, đồng thời là người sáng lập Lemit Foods. Trái cây là một lĩnh vực nông nghiệp nổi trội của khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Vì vậy ứng dụng công nghệ để tăng giá trị cây trái, góp phần phát triển nông nghiệp xanh và bền vững, nhiều mô hình hiệu quả đã được phát triển tại khu vực.

Sản phẩm của Lemit Foods tận dụng nguồn mít từ các vùng nông nghiệp địa phương, giúp nâng cao giá trị kinh tế cho nông dân và giảm lãng phí nông sản. Với công nghệ chế biến hiện đại, thịt thực vật từ mít được giới thiệu có hương vị và kết cấu gần giống thịt, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của người tiêu dùng hiện đại, đồng thời góp phần giảm tác động tiêu cực của ngành chăn nuôi đến môi trường.

Phần giới thiệu giải pháp IMO. Ảnh: Thanh Tùng

Giải pháp tiếp theo được giới thiệu tại sự kiện là IMO - nông nghiệp, môi trường và khởi nghiệp xanh. Sáng kiến do ông Hoàng Sơn Công - Giám đốc Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp và chuyển giao công nghệ ngành bán lẻ và ông Huỳnh Hữu Thuận - Chủ tịch Hội nông dân xã An Nhơn (Châu Thành, Đồng Tháp) trình bày.

Giải pháp giúp giảm tối đa chi phí sản xuất nông nghiệp với tài nguyên bản địa, tái chế rác hữu cơ và lục bình, rơm rạ để phục hồi đất. Sáng kiến này giúp xóa nạn ô nhiễm nhà vệ sinh trường học hiệu quả trên nhiều tỉnh, thành.

Theo ông Công, giải pháp đã được Hội nông dân tỉnh Đồng Tháp kết hợp với Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp và khởi nghiệp tỉnh Đồng Tháp ứng dụng ban đầu, có kết quả khả quan tại Châu Thành, Tháp Mười, Tân Hồng, Thanh Bình, Tam Nông, Cao Lãnh.

Ông Phí Anh Tuấn - Chủ tịch AgriTech. Ảnh: Thanh Tùng

Cuối cùng, ông Nguyễn Thế Tùng - Chủ tịch Queen Farm và ông Phí Anh Tuấn - Chủ tịch AgriTech mang đến giải pháp Quản lý Nguồn lực cho mô hình Nông nghiệp sinh thái ứng dụng công nghệ cao.

Sau phần giới thiệu công nghệ, sự kiện tiếp tục với phần trình bày top 10 chung kết "Tìm kiếm sáng kiến chuyển đổi xanh Mekong 2024". Chiều cùng ngày là chuỗi tọa đàm "Kết nối - vươn xa" chia sẻ nhiều giải pháp, sáng kiến thực tiễn. Bước sang ngày 16, chương trình diễn ra phiên toàn thể "Kinh tế xanh - Động lực mới cho phát triển"...

Diễn đàn Mekong Startup 2024 diễn ra trong hai ngày 15-16/11, tại Nhà văn hóa Lao động Đồng Tháp. Sự kiện được cố vấn nội dung bởi Ban IV thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ. Chương trình dự kiến thu hút hơn 350 đại biểu từ Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, chuyên gia lẫn doanh nghiệp. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam - Agribank là nhà tài trợ kim cương của diễn đàn Mekong Startup 2024.

Diễn đàn khởi nghiệp đồng bằng sông Cửu Long lần một tổ chức cách đây hai năm tại Đồng Tháp, thu hút hơn 1.000 đại biểu trung ương, địa phương, các chuyên gia hàng đầu, thanh niên khởi nghiệp và doanh nghiệp 13 tỉnh, thành. Sự kiện không chỉ là cơ hội chia sẻ tầm quan trọng việc phát triển bền vững, giảm tác động biến đổi khí hậu, tạo động lực mới, mà còn thúc đẩy loạt sáng kiến, giải pháp biến mục tiêu kinh tế xanh, đổi mới sáng tạo thành hiện thực. Ngay sau diễn đàn, các địa phương triển khai nhiều chương trình hành động thiết thực.

Thái Anh

Tin liên quan
Tin Nổi bật