Trẻ nổi mảng sần đỏ sau gáy có phải mắc sởi không?

29/12/2024
|
0 lượt xem
Bệnh Da Liễu Các Bệnh Sức Khỏe
Trẻ nổi mảng sần đỏ sau gáy có phải mắc sởi không?

Hiện da bé nổi vài mảng sần màu đỏ phía sau tai và gáy. Đây có phải triệu chứng của sởi không? (Tú Hà, 21 tuổi, Phú Yên)

Trả lời:

Theo mô tả của bạn thì chưa thể khẳng định bé có mắc sởi hay không. Nổi mảng sần đỏ hay phát ban sau khi sốt có thể là triệu chứng của nhiều bệnh khác như sốt phát ban, rubella, tay chân miệng, sốt mò... Phát ban cũng có thể do dị ứng, viêm da tiếp xúc. Bạn nên sớm đưa bé tới cơ sở y tế để được khám và làm một số xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán, điều trị kịp thời.

Bạn cũng nên ghi nhớ biểu hiện bất thường cùng tiền sử bệnh của bé để cung cấp cho bác sĩ, giúp quá trình kiểm tra và chẩn đoán bệnh thuận lợi hơn. Dưới đây là một số điểm đặc trưng của phát ban do sởi.

Ban sởi chỉ xuất hiện từ giai đoạn bệnh toàn phát, sau khi trẻ đã sốt 38-39 độ C trong 3-4 ngày. Ban sởi là các đốm đỏ nhỏ, có thể phẳng hoặc hơi nổi lên bề mặt da nhưng không gây ngứa. Các đốm tập trung thành từng cụm, màu đỏ tía, sờ mịn, hình tròn hay bầu dục, kết thành đám tròn 3-6 mm khiến da có màu đỏ loang lổ. Xen kẽ giữa các mảng ban sởi có các mảng da lành.

Ban sởi tập trung thành từng cụm 3-6 mm trên da. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Ban thường xuất hiện theo trình tự từ trên xuống dưới, bắt đầu nổi từ mặt, sau tai, gáy lan tới trán, má và toàn bộ đầu, mặt, cổ trong ngày đầu tiên. Ngày thứ hai ban mọc đến tay, bụng, đùi. Ngày thứ ba ban mọc đến hai chi dưới, lòng bàn chân. Ở giai đoạn phát ban kéo dài khoảng 6 ngày trẻ thường sốt cao hơn, nhiệt độ có thể đến 40-41 độ C.

Sau khi ban nổi khắp thân tới lòng bàn chân, bệnh vào giai đoạn hồi phục, trẻ dần giảm sốt và dần bay ban tuần tự giống khi mọc. Nếu không bị biến chứng nặng, các triệu chứng khác cũng giảm dần và biến mất, bệnh tự khỏi. Lúc này nốt ban nhạt dần, chuyển sang màu xám, bong vảy phấn, có thể để lại vết thâm sau khi lặn (trong da liễu gọi là tăng sắc tố sau viêm). Những chỗ da thâm đen hình thành sau khi ban đỏ giảm màu sắc và chỗ da bình thường tạo nên màu da loang lổ gọi là dấu hiệu "vằn da hổ".

Ngoài ban trên da, bệnh sởi còn nổi nội ban (hạt Koplik) ở niêm mạc má (phía trong miệng, ngang răng hàm) của trẻ. Koplik là các hạt trắng, nhỏ 0,5-1 mm như đầu đinh ghim, có quầng ban đỏ xung quanh, chúng thường tồn tại 24-48 giờ. Bạn có thể kiểm tra thêm xem bé có dấu hiệu này không. Đây là dấu hiệu giúp chẩn đoán sởi sớm và chắc chắn, thường được các bác sĩ dùng để nhận diện bệnh sớm.

Trường hợp mắc sởi thể nặng (ác tính), người bệnh có thể tím tái, xuất huyết dưới da ở cuối giai đoạn khởi phát (trước khi mọc ban). Đồng thời các triệu chứng khác có thể xuất hiện như sốt cao đột ngột 39-41 độ C, mệt mỏi nhiều, vật vã, mê sảng, co giật, tụt huyết áp, khó thở, thở nhanh, nôn, tiêu chảy... Lúc này, người bệnh cần nhập viện để được điều trị ngay.

TS.BS Đặng Thị Ngọc BíchTrưởng Chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ da Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM

Độc giả gửi câu hỏi về bệnh da liễu tại đây để bác sĩ giải đáp
Tin liên quan
Tin Nổi bật