Trả lời:
Tim có 4 van gồm van hai lá, van ba lá, van động mạch chủ và van động mạch phổi, giúp đưa máu đi nuôi khắp cơ thể. Hở van hai lá là tình trạng hai lá van đóng không kín, làm dòng máu trào ngược từ thất trái về nhĩ trái khi tim co bóp. Máu trào ngược về nhĩ trái cộng thêm lượng máu bình thường từ các tĩnh mạch phổi đổ về làm tăng lưu lượng máu ở tim trái. Nếu tình trạng nặng, lưu lượng máu trào ngược lớn, gây giãn các buồng tim bên trái.
Lúc này thất trái đáp ứng bằng cách tăng co bóp để đảm bảo tống một lượng máu lớn đi. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài dẫn tới suy chức năng của thất trái. Hậu quả cuối cùng của hở van hai lá nặng kéo dài là suy tim, rối loạn nhịp, tăng áp động mạch phổi.
Nguyên nhân gây hở van hai lá đa dạng, từ đơn giản tới phức tạp. Tình trạng có thể do giãn vòng van ở những trường hợp có luồng thông trái phải như thông liên thất, bệnh còn ống động mạch. Người bệnh hở van hai lá đơn thuần do tổn thương bẩm sinh như thiếu dây chằng van tim, van hình dù... Tổn thương van hai lá cũng có thể phức tạp trong bệnh lý kênh nhĩ thất toàn phần (các lỗ ở vách ngăn tâm nhĩ, vách ngăn tâm thất và van nhĩ thất không được phân chia, tạo thành một van nhĩ thất chung). Phương pháp điều trị tùy theo nguyên nhân, giai đoạn của bệnh.
Bé nhà bạn hở van hai lá 3/4, tức là mức độ trung bình tới nặng. Bé cần được đánh giá kỹ lưỡng trên lâm sàng, siêu âm để biết cơ chế gây bệnh, mức độ ảnh hưởng của hở van lên các buồng tim. Bạn nên đưa bé đến bác sĩ đánh giá tình trạng bệnh, qua đó tư vấn thời điểm, phương pháp phẫu thuật thích hợp.
Trẻ được siêu âm tim để xác định nguyên nhân hở van tim, ảnh hưởng của hở van lên các buồng tim... Ảnh minh họa: Bệnh viện đa khoa Tâm Anh
Nếu chỉ hở van hai lá bẩm sinh đơn thuần (không kết hợp với những tổn thương bẩm sinh khác), bé được điều trị nội khoa tối ưu và theo dõi định kỳ. Chỉ định phẫu thuật chỉ được đặt ra khi bé không đáp ứng với điều trị nội khoa, nguy cơ gây triệu chứng nặng như khó thở, phù, loạn nhịp... hoặc diễn tiến bất lợi trên siêu âm.
Khi can thiệp ngoại khoa, phẫu thuật sửa van cho trẻ được ưu tiên lựa chọn hơn so với thay van để tránh nguy cơ phải sử dụng thuốc kháng đông kéo dài (trong trường hợp thay van cơ học). Phương pháp này cũng góp phần làm cho thất trái của trẻ hoạt động sinh lý hơn.
Hiện có hai phương pháp mổ sửa van tim là mổ tim hở và mổ nội soi ít xâm lấn. Ở kỹ thuật mổ tim hở, bác sĩ rạch đường mổ 10-15 cm dọc xương ức để tiếp cận trái tim. Trong khi đó, mổ van tim ít xâm lấn (còn gọi là phẫu thuật nội soi van tim) là phương pháp tiếp cận tim qua đường mổ nhỏ 4-5 cm ở ngực bên phải, có sự hỗ trợ của hệ thống camera nội soi.
Dù mổ sửa van tim bằng phương pháp nào, bác sĩ cũng cần làm liệt tim (làm tim ngừng đập) trong suốt quá trình mổ. Vòng tuần hoàn của người bệnh được đảm bảo bởi máy tim phổi nhân tạo ngoài cơ thể. Nếu mổ mở, hệ thống này được kết nối qua tĩnh mạch trung tâm. Trường hợp phẫu thuật van tim ít xâm lấn, bệnh nhân cần chạy tuần hoàn ngoài cơ thể ngoại biên qua đường động mạch đùi.
Trẻ dưới 15 tuổi được mổ nội soi thì nguy cơ tổn thương mạch máu ngoại biên lớn. Những trường hợp tổn thương phức tạp cần dự phòng đường mổ lớn để đảm bảo sửa chữa tối ưu. Do đó, hầu hết các ca sửa, thay van tim cho trẻ em đều áp dụng phương pháp mổ mở truyền thống.
BS.CKII Phạm Thị Lan AnhTrưởng đơn vị Tim mạch Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7 TP HCM
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh tim mạch tại đây để bác sĩ giải đáp