Phát biểu tại tổ thảo luận ở Quốc hội về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế chiều 24/10, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Tri Thức cho biết hiện các bệnh viện được phân chia thành ba cấp, dựa theo chuyên môn kỹ thuật. Cấp ban đầu gồm các trạm y tế xã; cấp cơ bản là một số bệnh viện huyện, tỉnh; cấp chuyên sâu là bệnh viện trung ương, đa khoa, chuyên sâu và một số bệnh viện tỉnh đủ kỹ thuật.
Về đề xuất bỏ giấy chuyển tuyến trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, ông Thức cho rằng có thể bỏ giấy này khi chuyển tuyến giữa cấp ban đầu và cấp cơ bản. Nhưng khi bệnh nhân chuyển từ cấp ban đầu lên cấp chuyên sâu thì "nên có giấy chuyển viện". Nếu bỏ giấy chuyển tuyến giữa hai cấp bệnh viện này thì đa số bệnh nhân sẽ không khám ở trạm y tế hoặc bệnh viện tuyến huyện, tỉnh nữa mà đổ dồn về bệnh viện trung ương như Bạch Mai, Chợ Rẫy.
"Như vậy chỉ trong một hai năm thôi sẽ triệt tiêu hệ thống y tế cơ sở, đi ngược lại chủ trương đầu tư phát triển hệ thống y tế này, rất nguy hiểm", ông Thức nói.
Theo ông, để đảm bảo an toàn, hiện mỗi bác sĩ giỏi tại bệnh viện trung ương chỉ được thực hiện một ca mổ đặc biệt mỗi ngày. Tuy nhiên, việc bỏ giấy chuyển viện sẽ tạo ra một tình huống trái ngược: các bác sĩ phải đối mặt với áp lực khám chữa bệnh quá tải, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sai sót. Bỏ giấy chuyển tuyến ngoài triệt tiêu hệ thống y tế cơ sở còn làm quá tải các bệnh viện chuyên sâu, trung ương.
Thứ trưởng Nguyễn Tri Thức. Ảnh: Media Quốc hội
Khi có giấy chuyển tuyến từ ban đầu lên chuyên sâu, bác sĩ sẽ nắm rõ tình trạng, triệu chứng của bệnh nhân để đưa ra chẩn đoán phù hợp. "Vì vậy, giấy chuyển tuyến mang lại lợi ích cho bệnh nhân", ông Thức nói và cho biết với sự phát triển của công nghệ thông tin, việc cấp giấy chuyển viện hiện nay rất thuận lợi.
Ông Thức cũng đồng tình với chủ trương xóa bỏ địa giới hành chính trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế vì đang gây bất cập. Đơn cử như một sinh viên quê Thanh Hóa, ra Hà Nội học, đăng ký khám chữa bệnh tại Hà Nội, nhưng dịp hè về quê bị ốm, phải vào bệnh viện ở Thanh Hóa khám thì bị coi trái tuyến. Vì vậy, ông đề xuất sớm xóa bỏ địa giới hành chính trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.
PGS Trần Hoàng Ngân (Trợ lý Bí thư Thành ủy TP HCM) cho rằng về chuyên môn ông đồng tình với ông Thức. Tuy nhiên thực tiễn giấy chuyển viện khiến người bệnh gặp nhiều bất cập, như người bệnh hiểm nghèo mà không được lên thẳng tuyến trên thì sẽ không kịp cứu chữa, nhưng nếu bỏ giấy chuyển viện thì sẽ dồn người bệnh lên tuyến trên gây quá tải.
"Cần có độ trễ để bỏ giấy chuyển viện. Trong thời gian này, các cơ quan tăng cường đầu tư nâng cao năng lực của hệ thống y tế cơ sở, tiến tới bỏ giấy chuyển viện", ông Ngân đề xuất.
GS Nguyễn Anh Trí (nguyên Viện trưởng Huyết học Truyền máu Trung ương) cho rằng việc sử dụng Bảo hiểm y tế như barie chống quá tải có hiệu quả không cao. "Điều này chỉ ngăn cản những người quen biết ít mà thôi. Còn hậu quả không nhỏ và quan trọng nhất là bất bình đẳng trong thụ hưởng Bảo hiểm y tế", ông nói.
Ông cho rằng phải chống quá tải bằng việc tổ chức lại hệ thống y tế để người dân tiếp cận với khám chữa nhanh nhất, đầy đủ nhất, tốt nhất có thể. Nhà nước cần đảm bảo thầy giỏi, thuốc tốt và công bằng, bình đẳng trong thụ hưởng.
Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm cũng chỉ ra hạn chế của quy định đăng ký cơ sở khám chữa bệnh theo địa giới hành chính, chưa đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân, đặc biệt đối với các bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo. Ngoài ra, việc bắt buộc có giấy chuyển tuyến cũng làm hạn chế quyền tự chủ của người bệnh. Hòa thượng kiến nghị sửa đổi quy định, để người dân có thể tự do lựa chọn cơ sở y tế phù hợp và đơn giản hóa thủ tục khám chữa bệnh.
Tranh luận về giữ hay bỏ giấy chuyển viện nổi lên tại kỳ họp Quốc hội tháng 11/2023. Khi đó, GS Nguyễn Anh Trí đề nghị sớm bãi bỏ giấy chuyển viện và đẩy mạnh tiến trình thông tuyến bệnh viện khi 93% dân số Việt Nam đã tham gia bảo hiểm y tế. Nguyên nhân là nhiều cử tri phản ánh xin giấy chuyển viện rất phiền toái, mất thời gian, mệt mỏi. Giấy chuyển viện trở thành barie (hàng rào) với bệnh nhân trong khi công nghệ thông tin phát triển, liên thông kết quả xét nghiệm, thăm dò chức năng, chẩn đoán hình ảnh đã trở nên dễ dàng.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho rằng giấy chuyển viện nhằm đảm bảo hệ thống y tế bền vững, tránh quá tải một tuyến. Từ năm 2014, người bệnh phải chuyển tuyến theo tuần tự từ dưới lên trên. Đến năm 2016, các bệnh viện tuyến huyện đã được thông tuyến và năm 2021 thông tuyến bảo hiểm y tế nội trú bệnh viện tỉnh toàn quốc (người có thẻ bảo hiểm y tế điều trị nội trú trái tuyến ở các bệnh viện tuyến tỉnh vẫn được hưởng quyền lợi như đúng tuyến đăng ký). Từ 1/7, cơ quan Bảo hiểm xã hội cùng các bệnh viện trên toàn quốc đã triển khai giấy chuyển viện điện tử.
Theo dự thảo luật Chính phủ trình Quốc hội sáng nay, Bộ Y tế đề xuất các trường hợp người tham gia bảo hiểm y tế được thanh toán khi đến bệnh viện không phải nơi đăng ký ban đầu hoặc không phải làm thủ tục chuyển viện lên tuyến trên. Người bệnh cấp cứu tại tất cả các bệnh viện trên toàn quốc được thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh nội và ngoại trú theo tỷ lệ được hưởng. Người bệnh được tự đến bệnh viện thuộc cấp chuyên môn kỹ thuật cơ bản hoặc chuyên sâu trong trường hợp chẩn đoán xác định, điều trị một số bệnh hiểm, hiểm nghèo, bệnh cần phẫu thuật hoặc sử dụng kỹ thuật cao...
Viết Tuân - Sơn Hà