'Tăng giá trị sản phẩm thương hiệu Việt để nâng hạng chỉ số GII'

30/12/2024
|
0 lượt xem
Khoa Học Khoa Học Trong Nước
'Tăng giá trị sản phẩm thương hiệu Việt để nâng hạng chỉ số GII'

Thông tin được ông Sacha Wunsch Vincent, Chuyên gia cao cấp của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), đồng tác giả Báo cáo GII chia sẻ tại hội thảo về Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) 2024 do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức chiều 2/10.

Năm 2024 chỉ số GII của Việt Nam xếp thứ 44/133 quốc gia, tăng 2 bậc so với vị trí 46 năm 2023. Theo Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Hoàng Minh, bộ chỉ số phản ánh đầy đủ, toàn diện mô hình phát triển kinh tế quốc gia dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Vì vậy việc WIPO công bố hàng năm có ý nghĩa với mỗi quốc gia.

"Việt Nam là quốc gia điển hình được WIPO ghi nhận nhiều năm liên tục cải thiện xếp hạng, đưa nguồn lực từ đầu vào thành kết quả đầu ra phát triển kinh tế xã hội", ông Minh nói.

Theo đó đầu vào đổi mới sáng tạo tăng 4 bậc so với năm 2023 (từ vị trí 57 lên 53), gồm 5 trụ cột: Thể chế; Nguồn nhân lực và nghiên cứu; Cơ sở hạ tầng; Trình độ phát triển thị trường; Trình độ phát triển của doanh nghiệp. Đầu ra đổi mới sáng tạo tăng 4 bậc so với 2023 (từ vị trí 40 lên 36), gồm hai trụ cột: Sản phẩm tri thức và công nghệ, Sản phẩm sáng tạo.

"Đây là kết quả đáng tự hào, là nỗ lực của cả hệ thống chính trị, chung tay xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Việt Nam", Thứ trưởng Minh nói.

Thứ trưởng Hoàng Minh phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Huy Tư

Ông Sacha Wunsch Vincent, Chuyên gia cao cấp của WIPO, đồng tác giả Báo cáo GII đánh giá cao kết quả Việt Nam đạt được những năm qua. "Đây là quốc gia tích cực nhất trong việc sử dụng chỉ số GII", ông nói.

Tuy nhiên hiện các chỉ số về công bố ấn phẩm khoa học và chi tiêu cho nghiên cứu phát triển và đầu tư mạo hiểm của Việt Nam đang giảm. Đơn xin cấp bằng đăng ký sáng chế cũng giảm mạnh, "dù đây là xu hướng toàn cầu, tuy nhiên Việt Nam cần lưu ý những điểm này", ông nói.

Theo đó có ba điểm Việt Nam cần cải thiện, gồm: chi tiêu cho giáo dục trên % GDP; Tăng số lượng đơn đăng ký sáng chế và gia tăng hơn nữa chi phí cho nghiên cứu phát triển (R&D) ở cấp độ doanh nghiệp và quốc gia. "Đây là động lực quan trọng cho hoạt động đổi mới sáng tạo trong tương lai", ông nói.

Chỉ ra những điểm mạnh, ông Sacha Wunsch Vincent nhấn mạnh năm 2024 Việt Nam có 3 chỉ số dẫn đầu thế giới gồm nhập khẩu công nghệ cao, xuất khẩu công nghệ cao, xuất khẩu hàng hóa sáng tạo. Theo ông các chỉ số cho thấy Việt Nam nỗ lực đưa hàng hóa ra thị trường quốc tế và giá trị thương hiệu gia tăng mạnh mẽ.

Ông khuyến nghị Việt Nam cần tìm hiểu về việc tiêu thụ vốn, hoạt động đầu tư đi vào cơ sở hạ tầng hay nghiên cứu phát triển. Việt Nam cần tìm cách để dịch chuyển đầu tư vào các dự án đổi mới sáng tạo. Nếu muốn trở thành một trong top 40 quốc gia đổi mới sáng tạo, Việt Nam cần có tăng giá trị thương hiệu sản phẩm sở hữu trí tuệ. "Cần có những sản phẩm đủ tinh vi, xuất khẩu mang thương hiệu của mình thay vì chỉ xuất khẩu sản phẩm lắp ráp theo đơn hàng của các tập đoàn đa quốc gia", ông Sacha Wunsch Vincent nói.

Đồng tình với các khuyến nghị, PGS.TS Vũ Văn Tích, Giám đốc Học viện Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo, cho rằng Việt Nam cần tập trung cải thiện các nhóm chỉ số đang có xu hướng giảm. Trong đó chất lượng đổi mới sáng tạo thể hiện ở các sản phẩm tri thức như bài báo quốc tế (xếp hạng 97), đơn đăng ký sáng chế PCT (xếp hạng 91), và các tài sản trí tuệ khác so với mức thu nhập còn ít và chưa được khai thác, phát triển, giao dịch nhiều trên thế giới. "Điều này một phần do chi cho nghiên cứu và phát triển của Việt Nam còn ở mức thấp và các trụ cột đầu vào khác chưa hỗ trợ tốt cho đổi mới sáng tạo", ông nói.

Kỹ sư Viettel nghiên cứu Khối vô tuyến trạm thu phát sóng 5G). Ảnh: Lê Mai

Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) là bộ công cụ đánh giá xếp hạng năng lực đổi mới sáng tạo của các quốc gia được WIPO phối hợp với nhiều đơn vị thực hiện kể từ năm 2007.

Qua 17 lần công bố, báo cáo GII giúp đánh giá năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia và sự phát triển so với các nền kinh tế trong cùng khu vực hoặc nhóm thu nhập. Qua các chỉ số, mỗi quốc gia thấy được bức tranh toàn cảnh cũng như các điểm mạnh, điểm yếu từ đó có điều chỉnh về chiến lược chính sách kinh tế và đổi mới sáng tạo. Để xếp hạng các quốc gia sẽ dựa vào 81 chỉ số, tính bằng giá trị trung bình thuộc hai bảng chỉ số phụ đầu vào và đầu ra đổi mới sáng tạo gồm 7 trụ cột: Thể chế vĩ mô; nguồn nhân lực và nghiên cứu; cơ sở hạ tầng; thị trường và môi trường kinh doanh; trình độ phát triển của thị trường; tri thức và công nghệ, sản phẩm sáng tạo.

Tại Việt Nam, Chính phủ sử dụng bộ chỉ số này như một trong các công cụ quản lý điều hành quan trọng. Sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và vào cuộc của các bộ ngành trong việc chủ động phát hiện nguyên nhân, hạn chế, từ đó có kế hoạch, giải pháp điều chỉnh chính sách góp phần cải thiện các chỉ số thành phần.

Bảo Chi

Tin liên quan
Tin Nổi bật