Trả lời:
Khi mùa thay đổi, độ dài ngày kéo dài hoặc rút ngắn, nhiệt độ ngoài trời tăng hoặc giảm, ảnh hưởng đến nhịp sinh học tự nhiên của cơ thể. Nhịp sinh học là cơ chế tự nhiên điều chỉnh các chức năng sinh lý như giấc ngủ, giờ thức dậy, cảm giác tỉnh táo. Dưới đây là ba yếu tố chính ảnh hưởng đến giấc ngủ của bạn.
Thay đổi độ dài ngày đêm: Thay đổi về ánh sáng và nhịp ngày đêm khiến cơ thể khó điều chỉnh thời gian ngủ phù hợp. Trong các mùa khác nhau, nhất là mùa thu và xuân, độ dài ngày đêm ảnh hưởng đến lượng ánh sáng mà mắt tiếp nhận, từ đó tác động đến sản xuất hormone melatonin điều chỉnh giấc ngủ. Khi trời tối sớm hơn vào các mùa này, melatonin được tiết ra sớm, dẫn đến cảm giác mệt mỏi, uể oải.
Thay đổi nhiệt độ: Khi trời quá nóng vào mùa hè hoặc quá lạnh vào mùa đông, cơ thể cần thời gian điều chỉnh nhiệt độ bên trong phù hợp để tạo ra điều kiện lý tưởng cho giấc ngủ sâu. Nhiệt độ tăng cao hoặc hạ thấp đột ngột khiến cơ thể phải điều chỉnh liên tục, dễ bị trằn trọc.
Thay đổi lịch sinh hoạt: Con người thường có xu hướng điều chỉnh lối sống và thói quen hàng ngày theo mùa. Chẳng hạn mọi người có thể ra ngoài vào mùa hè nhiều hơn vào buổi tối, thay đổi thời gian nghỉ ngơi. Trong khi mùa thu đông, mọi người có xu hướng ở trong nhà nhiều hơn làm ảnh đến đồng hồ sinh học và rối loạn thời gian ngủ tự nhiên.
Để cải thiện giấc ngủ, bạn có thể áp dụng một số biện pháp như đi ngủ và thức dậy vào cùng một giờ mỗi ngày, kể cả cuối tuần. Giữ phòng thoải mái, yên tĩnh và nhiệt độ phù hợp giúp ngủ nhanh và sâu hơn.
Bạn có thể thử các loại trà ấm như trà hoa cúc, trà tâm sen hoặc trà bạc hà vào buổi tối. Trà thảo mộc góp phần làm dịu thần kinh, giảm căng thẳng và tạo cảm giác ấm áp, thoải mái, dễ đi vào giấc ngủ. Duy trì thói quen này còn hỗ trợ tiêu hóa trong những ngày thời tiết se lạnh. Bổ sung các tinh chất thiên nhiên từ blueberry (việt quất), ginkgo biloba (bạch quả) hỗ trợ tăng cường máu lên não, giảm căng thẳng thần kinh, từ đó giúp dễ ngủ, sâu giấc.
Bạn nên tắm nước ấm thay vì nước lạnh khi giao mùa. Bởi nước lạnh dễ hạ nhiệt cơ thể, khiến bạn tỉnh táo không cần thiết vào ban đêm. Hạn chế màn hình máy tính, điện thoại hay tivi phát ra ánh sáng xanh trước một giờ khi ngủ. Tập thể dục đều đặn giúp giải phóng hormone, ngủ ngon. Tránh dùng thuốc ngủ bởi dễ gặp các tác dụng phụ.
Nếu giấc ngủ kém chất lượng kéo dài, bạn nên đi khám để được bác sĩ chuyên khoa thần kinh điều trị. Có nhiều phương pháp điều trị khác nhau tùy thuộc vào tình trạng bệnh. Trong đó, kỹ thuật kích thích từ trường xuyên sọ tạo ra các sóng điện trong não, cải thiện chức năng và kết nối thần kinh, điều trị chứng mất ngủ, khó ngủ hiệu quả.
Bác sĩ Hoàng Quyết TiếnTrung tâm Thông tin Y khoa Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh thần kinh tại đây để bác sĩ giải đáp