Quà triệu USD từ 'trai xinh, gái đẹp'

29/12/2024
|
0 lượt xem
Đời Sống Ý Kiến
Quà triệu USD từ 'trai xinh, gái đẹp'

"Chuyện đối mặt với những kẻ lừa đảo online tôi gặp rất nhiều lần, từ thời mới có E-mail và Chat Yahoo.

Chuyện mới nhất tôi gặp năm ngoái. Tóm tắt thế này: Có người tự xưng ở nước ngoài, đề nghị chuyển cho tôi 10 triệu USD để giúp làm từ thiện, đổi lại được hưởng 3 triệu USD.

Đồng thời yêu cầu tôi cung cấp thông tin cá nhân: tên, nghề nghiệp, nơi cư trú, số CCCD, số tài khoản... để làm các thủ tục chuyển tiền.

Tôi bảo: 'Cho chị một thông tin chính xác về tôi: tôi là Cử nhân CNTT và làm trong lĩnh vực an ninh mạng hơn 20 năm rồi' (điều này là thật, chỉ khác là hiện nay tôi không làm trong lĩnh vực CNTT nữa).

Sau tin nhắn đó, đối tác ngừng liên lạc, xóa tài khoản luôn. Kết luận: Nếu không có lòng tham muốn sở hữu tài sản không do mình bỏ công sức ra thì không ai lừa đảo mình được cả. 'Từ trên trời rơi xuống chỉ có nước mưa và phân chim mà thôi'".

Độc giả Nguyễn Vũ chia sẻ như trên, rằng đã nhiều lần gặp kẻ lừa đảo qua mạng, gần đây nhất là một người tự xưng ở nước ngoài đề nghị chuyển 10 triệu USD để làm từ thiện và yêu cầu thông tin cá nhân, nhưng sau khi tiết lộ bản thân có kinh nghiệm trong an ninh mạng, họ đã ngừng liên lạc và xóa tài khoản.

Chia sẻ này được viết sau bài 'Trai đẹp' nạp 36 nghìn USD nhờ tôi cá cược. Nhiều độc giả chia sẻ bản thân từng gặp những vấn đề tương tự, cho thấy lừa đảo qua mạng ngày càng tinh vi và đa dạng.

Độc giả DucLe kể: "Tôi cũng gặp trường hợp tương đối mới lạ, có một 'người đẹp' kết bạn Zalo với tôi trong giờ làm việc. Điều tôi thấy lạ là avatar là một cô ngoại quốc mang đậm nét của người phương Tây nhưng lại sử dụng tiếng Trung để hỏi tôi có phải là hướng dẫn viên du lịch ở Việt Nam không.

Bản năng nghi ngờ do bệnh nghề nghiệp trỗi dậy nhưng tôi vẫn lịch sự đáp lại bằng tiếng Anh là nên liên hệ với các công ty lữ hành hoặc Đại Sứ quán để được hỗ trợ.

'Người đẹp' cũng nhắn lại tôi bằng tiếng Anh nhưng quên tắt 'Unikey' nên xuất hiện dấu ngã trong từ ngữ và thu hồi tin nhắn rất nhanh. Thế là tôi chặn chứ không cần biết muốn nói gì tiếp. Nếu lừa đảo thì cồng kềnh quá mức".

Độc giả Nhatkycuame: "Tôi đã nhiều tuổi, tự dưng có anh chàng 'đẹp trai' vào kết bạn, nói là làm việc ở Hong Kong, sắp tới về Việt Nam, cần tìm hiểu một số địa chỉ để du lịch. Tôi biết liền là có 'mùi thuốc súng'.

Chia sẻ hai trường hợp đã gặp phải, độc giả nickname tusachxinhxinh kể: "Hôm trước tôi cũng gặp hai trường hợp tương tự.

Một người tự dưng kết bạn với tôi qua Zalo, nói: 'Cô Lý, sắp xếp hành lý cho tôi để tôi quay về vào thứ 7". Tôi lịch sự nhắn lại: "Bạn gửi nhầm rồi, tôi không phải tên Lý'.

Sau đó anh ta bắt chuyện, cách nói chuyện rất hài hước và cuốn hút. Anh ta bảo mình là doanh nhân, đang nghiên cứu mở nhà hàng lẩu Trùng Khánh ở Việt Nam. Anh ta để ảnh đại diện cực đẹp trai, thể hiện mình là người có góc nhìn mở và thích nấu ăn.

Tôi phát sinh nghi ngờ khi anh ta nhắn tin cho mình trong giờ làm việc. Có doanh nhân nào mà rảnh dữ vậy? Tôi thử lấy ảnh của anh ta tìm trên Google thì ra ảnh của một huấn luyện viên thể hình bên Trung Quốc. Thế là tôi block ngay.

>> Mất gần 1,5 tỷ tiền tiết kiệm online do bị lừa cập nhật Căn cước

Người kia thì tiếp cận qua một app học ngoại ngữ. Anh ta nói mình đang công tác ở Singapore. Anh ta cũng thể hiện mình là người yêu động vật, thích đọc sách, cầu tiến. Rồi đột nhiên anh ta gửi ảnh cho tôi, dù tôi không hề yêu cầu (Và tất nhiên là ảnh rất đẹp trai).

Sau vài ngày, anh ta nói mình kiếm được rất nhiều tiền nhờ đầu tư tiền số USDT, nhiều hơn tiền lương hàng tháng, và bảo thời đại này không thể giàu bằng cách làm việc chăm chỉ được...

Anh ta trở nên cáu kỉnh, mất kiên nhẫn khi không giục được tôi nạp tiền để đầu tư USDT. Tôi cũng nghi ngờ từ trước (từ khi anh ta tự dưng gửi ảnh cho mình) nên tôi cũng chặn luôn".

Dù dưới hình thức nào, những kẻ lừa đảo có điểm chung vẫn là đánh vào lòng tham và sự thiếu cảnh giác của con người. Vì vậy, hãy luôn tỉnh táo, cẩn trọng khi giao tiếp trên mạng xã hội và không nên dễ dàng tin tưởng người lạ. Độc giả Nhu Chung đúc kết:

"Tôi gặp các chiêu lừa đảo thường xuyên, qua các ứng dụng: Tinder; Facebook; Zalo; Telegram; Whatsapp... Chỉ cần bạn nam nữ có lòng tham: sắc, tiền, tình thì dính bẫy ngay.

Chúng ăn cắp hình ảnh của nhiều người trên mạng xã hội, không phải là ảnh thật của chúng. Tất cả đều là hồ sơ ảo. Các bạn phải tỉnh táo và cẩn thận với những người kết bạn qua MXH nhé.

Và khi chỉ cần nhen nhóm đến tiền thì đó đều là bẫy. Các bạn thiếu kiến thức cũng như có lòng tham trong đó thì sẽ dính bẫy ngay lập tức. Nếu chúng có cơ hội kiếm tiền như thế thì sao không ưu tiên cho người thân, bà con dòng họ, làm gì có cửa đến lượt mình.

>> Xấu hổ vì bị công an giả lừa 21 triệu đồng

Chúng có tổ chức hoạt động hẳn hoi, mỗi người sẽ được phân công tìm kiếm khách hàng và quản lý từng con mồi. Chúng đều nhớ các con mồi làm nghề gì; con mồi đang thiếu thốn gì, đặc biệt là các mẹ, bố đơn thân.

Tuy nhiên, trình độ mỗi đứa sẽ khác nhau nên có đứa sẽ lộ sơ hở ngay; có đứa trình cao hơn thì mất tầm 2 tháng mới để lộ (với điều kiện con mồi này có tiềm năng chi tiền nhiều).

Khoảng thời gian chúng tiếp cận con mồi và giăng bẫy sẽ tầm 15 ngày vì chúng không muốn mất nhiều thời gian để lừa con mồi không có khả năng đáp ứng cho chúng. Người thật việc thật, quen biết rõ, làm ăn chung, kết thân tốt mà còn lừa lọc và giết nhau vì tiền tình đầy rẫy; huống hồ gì những người trên MXH chả biết chúng là ai".

>> Chia sẻ những chiêu lừa đảo online mà bạn đã gặp phải tại đây.

Hữu Nghị tổng hợp

Tin liên quan
Tin Nổi bật