"Trong khoảng sáu tháng gần đây. Tôi phỏng vấn khoảng 30 ứng viên, cho ba vị trí nhân viên và hai vị trí quản lý bán hàng, với mức lương dao động 10-20 triệu đồng một tháng. Và tôi không chọn được bất cứ ứng viên nào trong số này vì đa phần là Gen Z. Một số điều tôi nhận ra với thế hệ Z qua lần phỏng vấn này là:
Thứ nhất, các bạn bị ảo tưởng sức mạnh, không biết mình là ai, không rõ năng lực của bản thân, không tìm hiểu vị trí sắp ứng tuyển.
Thứ hai, các bạn xem mạng xã hội quá nhiều, dẫn đến không có cái nhìn thực tế, sống mà không có cố gắng và luôn 'đứng núi này trông núi nọ'.
Thứ ba, giao tiếp và kinh nghiệm va chạm xã hội của các bạn khá kém, gần như không có kỹ năng giao tiếp và thu hút cơ bản.
Thứ tư, tác phong, thái độ làm việc của các bạn vô cùng đáng quan ngại. Có người đi phỏng vấn mang dép lê, có người đi trễ từ năm phút đến hẳn 30 phút và cũng không thèm giải thích lý do. Có người mặc áo sơ mi phanh ngực ra vẻ rất cool ngầu.
Thứ năm, các bạn không thể thiện được khả năng chịu áp lực, chịu thương chịu khó trong công việc.
Và cuối cùng, nhiều bạn chỉ giỏi 'chém gió'. Với mức lương của một bạn mới ra trường, hoặc chỉ có loanh quanh một năm kinh nghiệm, mà các bạn toàn đòi hỏi được trả lương 20-30 triệu đồng mới chịu đi làm.
Bản thân tôi đi làm với hơn 20 năm kinh nghiệm, thấy rằng không có cơ hội nào cho những bạn Gen Z có suy nghĩ như vậy".
Đó là chia sẻ của độc giả Tuan Bui Quoc cho câu hỏi "Vì sao Gen Z thất nghiệp ngày càng nhiều?". Theo số liệu của Tổng cục thống kê, tại Việt Nam, cuối năm 2020, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 2,48%, mức cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Bình quân cứ 10 thanh niên thì có một người bị thất nghiệp. Nguy cơ mất việc làm của lao động trẻ cũng cao hơn gấp ba lần so với các thế hệ trước.
>> Đồng nghiệp Gen Z nghỉ phép vì 'có hẹn với thợ làm tóc'
Nói về lý do khiến tỷ lệ Gen Z thất nghiệp gia tăng, bạn đọc Duc Nguyen cho rằng: "Tôi thuộc thế hệ cuối 8X, ra trường ở những năm kinh tế khó khăn 2011-2012. Tôi còn nhớ cái cảnh loanh quanh chạy nộp đơn xin việc khắp Sài Gòn. Thời đó, chúng tôi chỉ mong có việc rồi làm thật tốt để kiếm tiền, cực mấy cũng chịu được.
Ngày nay, ngồi với mấy bạn Gen Z, chia sẻ về cuộc sống, tôi thấy các bạn đi làm và lựa chọn việc làm hoàn toàn khác biệt. Đúng là các bạn có quyền, có tư duy và suy nghĩ theo lối sống của bản thân mình. Nhưng quy luật cuộc sống vận hành cả ngàn năm rồi, cái gì là cốt lõi, chân lý thì vẫn luôn đúng cho bất kỳ tổ chức, công ty, hay quốc gia nào.
Không người nào lên có thể lên trưởng nhóm, quản lý cấp trung, quản lý cấp cao... mà tuổi trẻ của họ không phải 'cày cuốc' làm việc 10-12 tiếng một ngày, sẵn sàng lao vào những nơi khó khăn nhất mà tập thể cần, cống hiến và cháy hết mình cho công việc... Theo tôi, nó đúng với quy luật tự nhiên: cho đi rồi nhận lại.
Tôi luôn khuyên các bạn trẻ rằng hãy sống và cháy hết mình ở tuổi trẻ trong 5 năm đầu tiên ra trường, đừng so đo, đừng sợ cực, hãy làm việc hết mình và tích lũy kinh nghiệm, kỹ năng nhiều nhất có thể... Các bước này là bắt buộc nếu các bạn muốn lên một chức vụ nào trong bất kỳ tập thể nào. Lúc đó, tiền bạc sẽ tới với các bạn. Nhiều lúc ngồi vu vơ, thế hệ chúng tôi hay nói: 'Sẽ ra sao nếu đất nước không có các thế hệ trẻ chịu cày cuốc?'. Thật đáng quan ngại".
Trong khi đó, với cái nhìn cảm thông hơn với suy nghĩ khác biệt của Gen Z, độc giả Giang Trung Nguyen nhận định: "Tôi thấy Gen Z giỏi hơn thế hệ trước rất nhiều. Họ độc lập, tự tin, dám nghĩ dám làm, chứ không như các thế hệ khác (hầu như không có khả năng cạnh tranh ở tầm khu vực hay thế giới). Thế hệ trước luôn nghĩ rằng mình giỏi hơn thế hệ trẻ. Thực ra, khi còn trẻ ai cũng non nớt như nhau mà thôi.
Lấy một ví dụ cụ thể, thế hệ 5X, 6X vẫn hay chê 7X, 8X là không biết may vá, thêu thùa... Nhưng thực ra thời của họ phải tự may đồ mà mặc, chứ sau này người ta mua quần áo trong siêu thị đâu có khó khăn gì mà phải tự may? Giờ đến Gen Z mua hàng hiệu cũng đang bị chỉ trích tương tự.
Cá nhân tôi không đánh giá thấp hay chê bai Gen Z. Tôi nghĩ rằng, nếu họ có kinh nghiệm sống dày dặn như các thế hệ trước thì chắc gì đã chọn làm việc, cống hiến cho doanh nghiệp của bạn".
Đồng quan điểm, bạn đọc Tưởng Vân kết lại: "Gen Z bị chê thái độ; Gen X, Gen Y bị chê lớn tuổi (dù đầy người bắt kịp xu thế, vẫn làm được việc). Nói chung, nhà tuyển dụng cái gì cũng muốn thì lấy đâu ra người đáp ứng được? Tuyển một nhân viên là xác định ai cũng sẽ có điểm mạnh, điểm yếu. Một nhà tuyển dụng giỏi sẽ biết ứng viên nào phù hợp cho thứ mà công ty cần.
Còn đòi ứng viên đáp ứng tất cả yêu cầu của công ty thì nhà tuyển dụng cũng nên chuẩn bị sẵn tinh thần đáp ứng những yêu sách của họ. Trong khi đó, không phải công ty nào cũng chuyên nghiệp, cũng mạnh. Số công ty mở ra rồi phá sản cũng chẳng thiếu. Thế nên, vẫn quay về câu chuyện tuyển dụng và đánh giá nhân sự, đúng - sai là một chuyện, còn chủ yếu vẫn là hai bên có phù hợp với nhau hay không mà thôi".
Những nhân viên Gen Z 'vui thì làm, buồn là nghỉ' Tuổi 30 'khó xin việc vì Gen Z' '8X như tôi thèm khát cơ hội làm giàu của Gen Z' 'Gen Z khó làm giàu hơn các thế hệ trước' Gen Z sinh viên trường Y nhuộm tóc, sơn móng tay 'Gen Z chê việc, 8X thất nghiệp' Những nhân viên Gen Z 'vui thì làm, buồn là nghỉ' Tuổi 30 'khó xin việc vì Gen Z' '8X như tôi thèm khát cơ hội làm giàu của Gen Z' 'Gen Z khó làm giàu hơn các thế hệ trước' Gen Z sinh viên trường Y nhuộm tóc, sơn móng tay 'Gen Z chê việc, 8X thất nghiệp'