"Đây là trường hợp đầu tiên có tới hai đoạn hẹp trên niệu đạo mà chúng tôi phẫu thuật xử lý", ThS.BS Nguyễn Trường Hoan, Trung tâm Tiết niệu - Thận học - Nam khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết hôm 28/10, thêm rằng hầu hết trường hợp được phẫu thuật tạo hình chỉ có một đoạn hẹp. Ông Giang bị hẹp niệu đạo do hai nhóm nguyên nhân khác nhau là viêm bao quy đầu khô tắc nghẽn và vô căn (không rõ nguyên nhân).
Trước đó ông Giang bí tiểu hoàn toàn, cấp cứu tại một bệnh viện ghi nhận niệu đạo hẹp 12 cm trong khi bình thường dài 16 cm. Bác sĩ chỉ định phẫu thuật đưa niệu đạo ra tầng sinh môn (vùng nằm giữa bìu và hậu môn), như vậy về sau bệnh nhân phải đi tiểu theo tư thế ngồi (giống phụ nữ).
Ông Giang đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM khám lại, ảnh chụp X-quang niệu đạo ngược dòng cho thấy đoạn hẹp trên niệu đạo người bệnh không dài nhưng có tới hai vị trí hẹp. Đoạn thứ nhất nằm ở đầu lỗ tiểu do bệnh viêm bao quy đầu khô tắc nghẽn bít kín. Bác sĩ xử lý bằng cách xẻ rộng và tạo hình da quy đầu.
Đoạn thứ hai nằm tại vùng niệu đạo sau (gần tuyến tiền liệt), dài khoảng 2 cm, được xử lý bằng phương pháp tạo hình niệu đạo cắt nối tận - tận. Bác sĩ Hoan tạo một đường mổ khoảng 8 cm tại tầng sinh môn, bóc tách tiếp cận phần niệu đạo sau, cắt bỏ đoạn hẹp, rồi khâu nối hai phần niệu đạo bình thường lại với nhau. Bằng cách này, bệnh nhân không phải tiểu ngồi như tiên lượng.
Bác sĩ Trường Hoan (ở giữa) phẫu thuật cho người bệnh. Ảnh minh họa: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Ba ngày sau mổ, ông phục hồi tốt, có thể ăn uống, đi lại bình thường, được xuất viện. Ông cần mang ống thông tiểu 3-4 tuần để chờ vết thương lành hẳn, sau đó có thể tiểu đứng bình thường. Một tháng sau phẫu thuật, ông tái khám. Bác sĩ Hoan cho ông kiểm tra niệu dòng đồ ở tư thế đứng, ghi nhận tốc độ dòng tiểu đạt 40 ml/s, tốt hơn mức bình thường (20 ml/s).
Theo bác sĩ Hoan, hẹp niệu đạo thường phát triển chậm, triệu chứng nặng dần theo thời gian. Ban đầu, người bệnh chỉ cảm nhận dòng nước tiểu yếu hơn bình thường, sau đó dần chuyển sang tiểu khó, tiểu không hết, tiểu nhiều lần, lắt nhắt. Cuối cùng, người bệnh bị bí tiểu hoàn toàn, phải cấp cứu.
Niệu đạo bị hẹp cản trở đường thoát nước tiểu, khó làm rỗng hoàn toàn bàng quang. Theo thời gian, nước tiểu ứ đọng dồn ngược, gây ứ nước trên thận, khiến chức năng thận suy giảm âm thầm. Bệnh không phát hiện và điều trị sớm, hoàn toàn có khả năng dẫn đến suy thận. Hẹp niệu đạo còn gây nguy cơ hình thành sỏi tiết niệu, nhiễm trùng tiểu và tái phát bệnh nhiều lần, khó hoặc không thể xuất tinh...
Bác sĩ Trường Hoan khuyến cáo người gặp các vấn đề tiểu tiện mà không rõ nguyên nhân trong thời gian dài, nhất là người từng chấn thương dương vật hay vùng tầng sinh môn, cần sớm đến bác sĩ chuyên khoa Tiết niệu để khám, xác định nguyên nhân, điều trị kịp thời.
Thắng Vũ
*Tên người bệnh đã được thay đổi
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh tiết niệu tại đây để bác sĩ giải đáp