Khi ấy, Louisa là sinh viên của Đại học Melbourne (Australia), hẹn hò với bạn trai Justin Yeo, người Singapore, được một năm. "Tôi rất lo lắng về định kiến mang thai khi còn trẻ", cô gái Indonesia 22 tuổi, nói. "Nhưng đứa trẻ là một món quà, chúng tôi nghĩ mình không việc gì phải xấu hổ".
Họ cùng nhau trở về TP Yogyakarta (Indonesia) để thông báo cho gia đình Yeo. Bố cô đã ôm Justin nói "con rể như con trai" và dặn dò anh hãy trở thành người cha tốt. Ông không quan tâm đến việc họ hàng dị nghị.
Yeo kết hôn vào cuối 2022 và tháng 4 năm ngoái, con trai cô chào đời. Justin đang làm việc trong công ty tài chính trong khi Yeo ở nhà làm mẹ toàn thời gian.
Cô không lấy được bằng luật nhưng không hối tiếc. "Tôi nghĩ công việc đó khá căng thẳng", Yeo nói. "Tôi từng không chắc chắn về tương lai nhưng giờ tôi tin mình chỉ muốn làm mẹ".
Bạn bè Yeo đã ngạc nhiên trước quyết định của cô. Bởi lẽ, nó đi ngược với xu hướng chung của Gen Z. Nhưng bà mẹ Gen Z như Yeo được xem là của hiếm trong thời đại tỷ lệ kết hôn sụt giảm.
Yeo và con trai. Ảnh: Straitstimes
Ở Singapore, làm mẹ từng được xem là cột mốc quan trọng trong quá trình trưởng thành của người phụ nữ. Nhưng nó đang trở thành con đường ít người lựa chọn, đặc biệt là người dưới 25 tuổi.
Năm 1980, tỷ lệ sinh của phụ nữ độ tuổi 20-24 là 84,9% nhưng dữ liệu năm ngoái cho thấy con số chỉ còn 10,6%.
Trong khi đó, tuổi trung bình lần đầu làm mẹ đã liên tục tăng đạt mốc 30,3 vào năm 2013 và 31,6 tuổi vào năm ngoái, theo Báo cáo xu hướng gia đình của Bộ Phát triển xã hội và gia đình Singapore.
Khairun Nisa, 24 tuổi, là giáo viên mầm non đã kết hôn ba năm. Cô được bạn bè giới thiệu chàng trai cùng tuổi Chin Ze Xiang, đang làm đầu bếp. Họ hẹn hò 8 tháng và quyết định kết hôn.
Bạn bè của Nisa đã sốc, họ không ngừng hỏi "tại sao" thay vì chúc mừng đám cưới. Nhưng Nisa tin mình đã sẵn sàng cho hôn nhân.
"Tôi khao khát tự do bởi tôi lớn lên trong gia đình nghiêm khắc", cô kể. Bố mẹ Nisa nói cô chỉ có thể độc lập khi lập gia đình riêng.
Hơn hết, cô tin mình đã gặp đúng người và tài chính ổn định. Vợ chồng trẻ chuyển vào căn hộ ở Bukit Panjang cuối năm 2022. Tháng 9/2023, con gái đầu lòng Inaya ra đời. Tuy nhiên, Nisa thừa nhận mình đơn độc và tách biệt với bạn bè. Khi bạn cô theo đuổi sự nghiệp hoặc đi hẹn hò, cô chỉ ở nhà với con.
Ở tuổi 28, Mavis Huang đã mẹ ba con. Cô nói mình muốn làm mẹ từ năm 16 tuổi. "Kết hôn sớm giúp tôi đạt được điều đó", cô kể. Huang gặp chồng là Joel Peh, lớn hơn cô 8 tuổi trong một lớp học ở nhà thờ.
Họ trở thành một đôi năm cô 18 tuổi, khi Huang đang là sinh viên Đại học Singapore Polytechnic còn chồng tốt nghiệp Đại học Công nghệ Nanyang với bằng kỹ sư.
Cô không mấy bận tâm đến khoảng cách tuổi tác. Cô kết hôn ở tuổi 22 và liên tiếp sinh ba con vào năm 2019, 2021 và 2023. Họ mua được căn hộ 5 phòng ở khu Bedok bằng tiền tiết kiệm.
Huang nói việc làm mẹ giúp cô sống có chủ đích hơn nhưng không có nghĩa phải hy sinh mọi thứ. Cô chỉ xem giấc ngủ là sự hy sinh duy nhất, Huang thức dậy ba giờ một lần để cho con bú nhưng nay rút gọn còn một lần một đêm.
Cô không hối hận bởi chọn làm mẹ. "Tôi có thể bỏ lỡ những chuyến đi nhưng bạn bè tôi đang bỏ lỡ việc chứng kiến một đứa trẻ lớn lên", cô nói. "Mọi người đều bỏ lỡ một điều gì đó, chỉ là bạn có chấp nhận điều đó hay không".
Gia đình của Huang. Ảnh: Straitstimes
Các chuyên gia xã hội học lý giải về hiện tượng Gen Z "ngược dòng" này bởi trong cuộc chiến gia đình và sự nghiệp, phụ nữ thường phải chọn một bên. Những người mẹ Gen Z này thường tập trung vào trải nghiệm làm mẹ và sắp xếp lại thứ tự cột mốc trong hành trình của mình.
"Tôi nghĩ không nhất định phải có sự nghiệp rồi có con", Nisa kể. Cô tin vẫn có thể làm điều mình thích theo cách của riêng mình.
Tiến sĩ Mathew ở Viện nghiên cứu chính sách (IPS) cho rằng mọi người thường chờ đến khi họ ổn định trong sự nghiệp để có con. Gen Z thường xuyên lo lắng về khả năng thăng tiến và muốn chứng minh năng lực.
"Mọi người thường tin vừa làm mẹ, vừa theo đuổi sự nghiệp là điều có thể làm được", bà cho biết. "Nhưng trên thực tế, nó vô cùng khó khăn". Ở tuổi dưới 30, họ phải nỗ lực để có chỗ đứng trong công ty.
Chính phủ Singapore đã đề xuất nhiều chính sách khuyến sinh, trong đó bao gồm việc cộng thêm 10 tuần nghỉ phép chăm con.
Nisa nắm bắt thông tin này và dự định sinh thêm vào tháng 4/2026, khi chính sách được áp dụng. Nhưng các chuyên gia cho rằng điều này chưa đủ thuyết phục người Singapore lập gia đình sớm hơn.
Tiến sĩ Mathews của IPS cũng không tin rằng việc nghỉ phép chăm con thêm có thể tạo ra sự thay đổi đáng kể. Thay vào đó, nó phải được kết hợp với các thay đổi chính sách khác như nhà ở nhiều hơn, sắp xếp công việc linh hoạt và các động thái khác để làm cho chi phí nuôi con trở nên hợp lý hơn.
Chuyên gia cũng cho rằng xã hội và gia đình cũng đóng vai trò quan trọng, đặc biệt là sự hỗ trợ từ bố mẹ hai bên, anh chị em và bạn bè.
Ngọc Ngân (Theo Straitstimes)