"Thuốc sinh học là liệu pháp điều trị vảy nến được đánh giá hiệu quả hiện nay", ThS.BS.CKI Phạm Trường An, Đơn vị Da liễu - Thẩm mỹ da, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, nói và giải thích thêm những thắc mắc thường gặp về loại thuốc này dưới đây.
Không chữa khỏi hoàn toàn vảy nến
Vảy nến là bệnh hệ thống mạn tính, giống như đái tháo đường, cao huyết áp..., cần điều trị lâu dài. Theo bác sĩ An, thuốc sinh học là bước tiến trong điều trị vảy nến vì kiểm soát bệnh tốt hơn các phương pháp khác nhưng không thể điều trị dứt điểm bệnh. Thuốc sinh học đem lại hiệu quả cao, có khả năng làm giảm bệnh nhanh, tác dụng lâu hơn so với các phương pháp cổ điển như thuốc uống, thuốc thoa hay quang trị liệu. Thuốc tương đối ít tác dụng phụ và nếu có thì phần lớn là nhẹ, có thể kiểm soát tốt mà không cần ngưng sử dụng.
Tiêm thuốc sinh học điều trị vảy nến tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Có nhiều loại thuốc khác nhau
Có hàng chục sản phẩm trong nhóm thuốc sinh học điều trị vảy nến với cơ chế tác động, thành phần hoạt chất khác nhau nên phù hợp với các thể bệnh vảy nến khác nhau.
Mỗi người bệnh vảy nến có tình trạng tổn thương, mức độ bệnh, thể bệnh, diện tích cơ thể bị ảnh hưởng, các bệnh kèm theo, mức độ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và khả năng kinh tế riêng. Do đó, để quyết định sử dụng loại thuốc sinh học nào, người bệnh cần được bác sĩ khám trực tiếp, làm các xét nghiệm và tư vấn thuốc phù hợp. Người bệnh cũng có thể thay đổi loại thuốc sinh học khác trong trường hợp đáp ứng điều trị thấp.
Những người có thể dùng thuốc sinh học
Người bệnh được chỉ định dùng thuốc sinh học thường mắc vảy nến ở mức độ trung bình đến nặng (bệnh ảnh hưởng hơn 10% diện tích cơ thể). Người bệnh mức độ nhẹ nhưng thất bại với điều trị cổ điển, gặp tác dụng phụ nguy hiểm hay giảm chất lượng cuộc sống nhiều cũng có thể dùng thuốc sinh học theo tư vấn của bác sĩ.
Các trường hợp có chống chỉ định sử dụng thuốc sinh học điều trị vảy nến là người dị ứng với bất cứ thành phần nào của thuốc, đang mắc các bệnh nhiễm trùng như viêm gan B đang trong giai đoạn hoạt động, bệnh lao..., phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú.
Bác sĩ An giải thích thuốc sinh học ức chế phản ứng viêm nên khiến cơ thể chống lại các tác nhân gây viêm nhiễm. Trong thời gian dùng thuốc có thể làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn và tái kích hoạt các bệnh nhiễm khuẩn tiềm ẩn. Người bệnh được bác sĩ chỉ định các xét nghiệm để tầm soát, sàng lọc các bệnh lý nhiễm trùng như lao, viêm gan siêu vi... và một số xét nghiệm khác để đánh giá khả năng sử dụng thuốc.
Hầu hết tác dụng phụ của thuốc sinh học điều trị vảy nến là nhẹ, thường gặp là nhiễm trùng đường hô hấp trên, phản ứng da tại chỗ, triệu chứng giống cúm, nhiễm trùng đường tiểu, đau đầu... nên người bệnh không cần ngưng sử dụng thuốc. Trong thời gian dùng thuốc sinh học, người bệnh cần thực hiện các xét nghiệm định kỳ để theo dõi đáp ứng điều trị và theo dõi các tác dụng phụ nếu có.
Cần duy trì lâu dài
Dù có thể kiểm soát tốt bệnh vảy nến trong thời gian dài, làm giảm đáng kể sang thương trên da, việc tiêm thuốc sinh học cần duy trì đều đặn và kéo dài. Tự ý bỏ thuốc có thể làm cho vảy nến tái phát sau một khoảng thời gian. Gián đoạn điều trị nhiều lần có thể giảm khả năng đáp ứng với thuốc ở một số bệnh nhân, do hiện tượng tự tạo ra kháng thể, bác sĩ An cho biết. Nếu muốn dừng điều trị bằng thuốc sinh học, người bệnh cần thông báo với bác sĩ để điều chỉnh liều lượng, thay thế thuốc theo lộ trình.
Hầu hết thuốc sinh học đều có hai giai đoạn điều trị. Ở giai đoạn tấn công, thuốc được tiêm cách nhau mỗi 1-4 tuần, giúp cải thiện nhanh thương tổn. Giai đoạn duy trì mỗi lần tiêm cách nhau 1-2 tháng tùy loại.
Vùng da bị bệnh vảy nến trước (bên trái) và sau một tháng điều trị bằng tiêm thuốc sinh học. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Phải tiêm thuốc ở cơ sở y tế
Theo bác sĩ An, các thuốc sinh học hiện có tại Việt Nam thường ở dạng tiêm dưới da. Thuốc có cấu trúc đặc biệt nên phải được bảo quản trong điều kiện thích hợp và thực hiện tiêm, truyền tại cơ sở y tế. Sau tiêm, người bệnh cũng cần theo dõi tại cơ sở y tế ít nhất trong 30 phút.
Anh Thư
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh da liễu tại đây để bác sĩ giải đáp