Thượng tá Vũ Đình Dũng, Binh đoàn 12 (Bộ đội Trường Sơn), khi ấy đang ở Quảng Ninh - nơi vẫn ngổn ngang một tuần sau bão Yagi và đơn vị đang phụ trách xây dựng công trình quan trọng. Những cuộc gọi đến nửa đêm không làm anh giật mình "bởi người lính luôn sẵn sàng nhận lệnh trong mọi tình huống". Song thượng tá 24 năm quân ngũ bất ngờ vì được giao trực tiếp chỉ huy công trường tái thiết Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên sau thảm họa khiến 67 người chết và mất tích, vùi lấp 33 ngôi nhà.
Công trường xây dựng khu tái định cư Làng Nủ trên đồi cao. Ảnh: Giang Huy
Anh Dũng chỉ kịp gói ghém hai bộ quần áo, cùng đồng đội trở về Hà Nội ngay trong đêm. Binh đoàn 12 - đơn vị từng xây dựng những công trình trọng điểm quốc gia, từ thủy điện Hòa Bình mở rộng đến cao tốc đầu tiên của đồng bằng Bắc Bộ Cầu Giẽ - Ninh Bình, nay được giao trực tiếp tái thiết Làng Nủ của huyện Bảo Yên và Nậm Tông thuộc huyện Bắc Hà.
"Một nhiệm vụ cực kỳ đặc biệt trong hoàn cảnh khắc nghiệt", thượng tá Dũng nói về công trình mà đơn vị sẽ hoàn thành trong 100 ngày. Bởi thông thường mỗi ngôi nhà được dựng lên nghĩa là kinh tế, đời sống bà con có bước tiến mới. Nhưng 40 căn nhà ở Làng Nủ ngoài ý nghĩa là chốn an cư mới còn là nơi cộng đồng vừa trải qua biến cố gầy dựng lại từ đầu.
Nhóm khảo sát xây dựng của Binh đoàn 12 có mặt tại Làng Nủ một ngày sau khi nhận nhiệm vụ. Bộ đội, dân quân, chó nghiệp vụ khi ấy vẫn sục khắp suối bùn tìm người mất tích. Anh Dũng nhớ những khuôn mặt mất nhà cửa, ly tán người thân "đến ám ảnh". Trách nhiệm xây dựng vì thế có phần nặng nề hơn, bộ đội hứa với dân gắng hết sức xong nhà trước 31/12. Kinh phí tái định cư ngôi làng được xã hội hóa, lính Binh đoàn góp ngày công.
Lực lượng Binh đoàn 12 trên công trường xây dựng, tháng 10/2024. Ảnh: Giang Huy
Những ngày đầu san đất lấy mặt bằng, công trường hẹp, chỉ có một khu nhà điều hành chung. Bộ đội, công nhân xây dựng ngày lên công trường, tối về chia nhau đi ở nhờ nhà dân trong thôn, một phần dựng lều lán. Ba ngày mưa liên tục cuối tháng 9 khiến núi đồi tiếp tục sụt, chia cắt đường vào làng. Lực lượng địa phương hối hả thông đường cho xe chở vật liệu không bị gián đoạn hành trình.
Công trường vẫn không ngơi nghỉ, lính binh đoàn đào hố móng, chuẩn bị cốt pha, gia công khung định vị, làm các phần lót đợi vật liệu vào. Trời tạnh, tốc độ được đẩy nhanh để bù lại những ngày mưa gió.
Khi bản vẽ những căn nhà trao tay thượng tá Dũng cũng là lúc vật liệu đã tập kết về, quân số trên công trường được huy động gấp ba, lên 160 người. Bộ đội, công nhân chạy đua trong những ngày hanh khô để lắp dựng khung, cột nhà sàn. Các kíp chia ba ca, có hôm làm đến 2h sáng để hoàn thành những khung nhà đầu tiên trong tháng 10. Những căn ở sườn đồi, vị trí thấp hơn sẽ được dựng trước, để khi mưa gió không thuận vẫn có thể thi công các căn các nơi cao hơn.
40 căn nhà được lắp dựng cuốn chiếu, xong phần móng, dựng khung cột rồi đến vách tường, ghép mái, sơn, cửa. Để đẩy tiến độ, cột bêtông dựng khung nhà được đúc sẵn ở nơi khác rồi đem về làng lắp dựng.
Thượng tá Dũng lý giải, đổ bêtông theo phương pháp tại chỗ như các công trình dân dụng sẽ mất khoảng một tháng. Từ đổ móng tới khi nhà xây xong mất khoảng 5-6 tháng. Nhưng với khu tái định cư, các cột, dầm, sàn được đúc sẵn theo dây chuyền trong nhà máy rồi chở lên công trường lắp dựng. Tiến độ rút ngắn còn một nửa, trong ba tháng sẽ hoàn thành. Chất lượng công trình sẽ "đảm bảo hơn so với người dân tự xây trong thời gian gấp rút".
"Trời thương cho mưa thuận gió hòa, cứ thế này anh em sẽ đảm bảo đúng tiến độ", anh Dũng tính toán. Khu tái định cư phải xong trước 31/12 để bà con vào nhà mới, nhưng bộ đội lấy ngày 22/12 làm mốc phấn đấu hoàn thành. Người Làng Nủ thi thoảng từ nơi tạm cư cách đó gần một cây số lên thăm công trường, xem kết cấu, tiến độ thi công chờ ngày về nhà mới.
'Nhiệm vụ đặc biệt 100 ngày' của Binh đoàn Trường SơnThượng tá Vũ Đình Dũng, chỉ huy xây dựng công trường tái thiết Làng Nủ chia sẻ Binh đoàn 12 phấn đấu vượt mốc tiến độ vào 22/12. Video: Nhóm phóng viên
Tây Bắc sau ngày lập đông sương lạnh giăng khắp núi rừng. Đứng trên đồi cao nhìn bốn phía, chỉ huy trưởng công trường hồi hộp chờ ngày nhìn thấy ngôi làng hoàn thành. Ngoài 40 nóc nhà, làng có thêm trường học, nhà sinh hoạt cộng đồng.
Quanh năm đi xây dựng, anh Dũng vẫn tranh thủ đôi ba tháng ghé về Hà Nội thăm nhà một lần. Nhưng với khu tái thiết Làng Nủ, từ chỉ huy đến lính tráng, công nhân sẽ ở lại công trường suốt một trăm ngày, đợi bà con nhận nhà xong mới về xuôi.
Rạng sáng 10/9, thảm họa lũ quét Làng Nủ khiến 33 hộ dân bị vùi lấp, 40 gia đình bị ảnh hưởng, 60 người chết, 7 người hiện mất tích. Kết quả khảo sát hiện trường cho thấy sạt trượt phát sinh từ cao độ 744 m gần đỉnh núi Voi tạo thành dòng lũ bùn, gặp khúc co hẹp 100 m tạo "đập dâng" tạm thời, vỡ tràn rồi ụp xuống khu dân cư.
Khoảng 1,6 triệu m3 bùn đá ập xuống làng chỉ trong 5 phút. Dòng lũ bùn đá dài khoảng 3,6 km với diện tích ảnh hưởng 38 ha, chiều sâu tích tụ dòng bùn 8-15 m, sâu nhất khoảng 18 m.
Hoàng Phương