Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Thị Hồng, khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết thông tin trên, giải thích thêm rằng mãn kinh là tình trạng buồng trứng ngừng hoạt động do suy giảm tế bào trứng tự nhiên. Nếu tình trạng này xảy ra trước tuổi 40-45 gọi là mãn kinh sớm.
Nguyên nhân có thể do rối loạn di truyền, mắc hội chứng mệt mỏi mạn tính, các bệnh tự miễn, HIV/AIDS, nghiện thuốc lá, tiền sử gia đình có mẹ, dì hoặc chị em gái ruột bị mãn kinh sớm. Tỷ lệ có thể cao hơn nếu phụ nữ từng trải qua phẫu thuật cắt bỏ hai buồng trứng, tử cung hoặc sử dụng hóa trị, xạ trị vùng chậu trong điều trị ung thư.
Mắc bệnh đái tháo đường khi còn trẻ cũng có thể dẫn đến tình trạng này. Nghiên cứu của trường Đại học York (Canada) đăng trên Thư viện Y khoa Mỹ năm 2023 trên khoảng 11.400 phụ nữ cho thấy nữ giới dưới 30 tuổi mắc đái tháo đường type 1 và tuổi 30-39 bị đái tháo đường type 2 có nguy cơ mãn kinh sớm hơn so với những người không mắc bệnh.
Bác sĩ Hồng lý giải phụ nữ mắc bệnh cũng gặp tác động tiêu cực của stress oxy hóa lên hệ thống sinh sản. Điều này có thể dẫn đến rối loạn chức năng buồng trứng, ảnh hưởng đến sự trưởng thành của buồng trứng, vô sinh. Tình trạng tăng đường huyết có thể gây ngộ độc glucose ở buồng trứng, dẫn đến sự hình thành nang trứng bất thường, rối loạn chức năng rụng trứng, mãn kinh sớm.
Thể tích buồng trứng ở bé gái mắc đái tháo đường type 1 thường cao hơn, trong khi nồng độ AMH (chỉ số dự trữ buồng trứng) thấp hơn so với người không bị bệnh. Tuyến tụy không sản xuất được hoặc sản xuất với lượng ít nên người bệnh cần sử dụng insulin ngoại sinh. Điều này có thể kích thích phát triển số lượng nang trứng quá mức ngay từ đầu đời. Nhóm nang trứng nội sinh có thể cạn kiệt, gây suy buồng trứng sớm.
Bệnh đái tháo đường type 2 tác động lên chức năng sinh sản và lão hóa phức tạp hơn. Theo bác sĩ Hồng, bệnh có thể phá vỡ chức năng vùng dưới đồi, tuyến yên và buồng trứng. Những tổn thương vi mạch có thể lan đến các cơ quan nội tiết, ảnh hưởng sự phát triển của các nang trứng. "Nữ giới bị đái tháo đường sớm có nghĩa là đã tiếp xúc với tình trạng viêm và lượng glucose cao trong thời gian dài có thể dẫn đến lão hóa buồng trứng nhanh", bác sĩ Hồng nói.
Chế độ ăn nhiều đường, thực phẩm chiên rán nhiều dầu mỡ ở trẻ gái tăng nguy cơ thừa cân, béo phì, đái tháo đường type 2. Điều này có thể làm thay đổi độ nhạy và lượng hormone tiết ra, ảnh hưởng đến chức năng của trục hạ đồi - tuyến yên - tuyến sinh dục, gây dậy thì sớm. Dậy thì sớm còn liên quan đến chức năng sinh sản kém, gồm kinh nguyệt không đều, hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS).
Chế độ ăn nhiều đường tăng nguy cơ tiểu đường type 2, ảnh hưởng chức năng trục nội tiết - sinh dục gây mãn kinh sớm. Ảnh: Hải Âu
Theo bác sĩ Hồng, thời kỳ mãn kinh cũng tăng các nguy cơ phát triển đái tháo đường. Ở thời điểm này, nồng độ estrogen và progesterone tự nhiên suy giảm, ảnh hưởng sự điều hòa chất béo, dẫn đến tích tụ mỡ thừa, nhất ở vùng bụng. Ngoài ra, các triệu chứng mãn kinh như bốc hỏa, vã mồ hôi về đêm, rối loạn giấc ngủ có thể ảnh hưởng đến tâm trạng và khiến phụ nữ ít vận động hơn, dẫn đến tăng cân, thừa cân. Đây là yếu tố nguy cơ tiềm ẩn của bệnh đái tháo đường type 2.
Sự thay đổi nội tiết tố ở thời kỳ mãn kinh cũng làm giảm độ nhạy cảm của tế bào với insulin, dẫn đến kháng insulin. Cơ thể cần nhiều insulin nhưng không đáp ứng đủ khiến glucose tích tụ trong máu làm tăng đường huyết. Sự tăng sản xuất glucose trong gan, giảm hoạt động của một số enzyme liên quan đến chuyển hóa glucose khiến nguy cơ phát triển bệnh đái tháo đường cao hơn.
Đái tháo đường cũng làm trầm trọng thêm các triệu chứng mãn kinh và ngược lại. Chẳng hạn bốc hỏa ở tuổi mãn kinh gây khó ngủ, ảnh hưởng đến khả năng kiểm soát lượng đường trong máu. Đái tháo đường làm tổn thương các dây thần kinh ở âm đạo, làm giảm ham muốn tình dục trong độ tuổi này.
Theo bác sĩ Hồng, mãn kinh sớm có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe. Hậu quả ngắn hạn gồm bốc hỏa, vã mồ hôi ban đêm, đau đầu, đánh trống ngực, khó thở, tăng cân, khô âm đạo, khó kiểm soát cảm xúc, mất ngủ, hay quên, kém tập trung... Về lâu dài, nữ giới có thể gặp các biến chứng loãng xương, gãy xương, tăng nguy cơ tử vong do tim mạch, xơ vữa động mạch, đột quỵ.
Để có sức khỏe tốt, bác sĩ Hồng khuyến cáo phụ nữ mắc bệnh đái tháo đường cần kiểm soát tốt đường huyết bằng cách duy trì kiểm tra đường máu hàng ngày, tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, cải thiện lối sống, chế độ ăn uống, vận động. Chế độ ăn nên tăng cường axit béo omega-3 từ cá hoặc các loại hạt, ăn thực phẩm chứa nhiều vitamin và chất xơ như rau xanh, trái cây tươi. Hạn chế đường, chất béo, bia, rượu, đảm bảo bổ sung đủ canxi, vitamin D để phòng ngừa nguy cơ loãng xương.
Trịnh Mai
Độc giả đặt câu hỏi về sản phụ khoa tại đây để bác sĩ giải đáp