Kết quả đo điện tim, siêu âm tim tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM ghi nhận bà Hai bị nhồi máu cơ tim cấp ST chênh lên (tình trạng tắc mạch vành cần can thiệp khẩn cấp), nguy cơ gây ra rối loạn nhịp tim.
Trước đó một tuần, bác sĩ ở một bệnh viện nội soi dạ dày cho bà ghi nhận viêm xung huyết niêm mạc hang vị mức độ nhẹ, theo dõi thoát vị khe hoành. Bà uống thuốc, theo dõi tại nhà, tình trạng không cải thiện.
Ngày 10/9, BS.CKI Huỳnh Văn Mười Một, Phó khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho hay đây là trường hợp nhồi máu cơ tim có biểu hiện triệu chứng bệnh tiêu hóa. Trùng hợp kết quả nội soi dạ dày của người bệnh cũng phát hiện bất thường, dễ khiến bác sĩ bỏ qua dấu hiệu gợi ý nhồi máu cơ tim.
Trong khi êkíp hội chẩn tìm phương án điều trị tối ưu, bệnh nhân bất ngờ ngưng tim. Đây là tình trạng tim ngừng cung cấp máu cho cơ thể, nhất là các cơ quan quan trọng như não, tuần hoàn mạch vành, phổi... Ngưng tim kéo dài trên 5 phút có nguy cơ tổn thương não, thậm chí tử vong. Êkíp nhanh chóng ép tim ngoài lồng ngực, sốc điện và đặt máy tạo nhịp tạm thời qua da. Ba phút sau, tim đập trở lại, người bệnh tỉnh táo, được hỗ trợ thở oxy. "Cấp cứu kịp thời giúp hạn chế thấp nhất nguy cơ tổn thương não cho người bệnh", bác sĩ Mười Một cho biết.
Theo ThS.BS.CKII Võ Anh Minh, Phó khoa Tim mạch Can thiệp, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, động mạch vành phải của người bệnh tắc hoàn toàn là nguyên nhân gây loạn nhịp tim, ngưng tim. Nếu không kịp thời can thiệp nong nhánh mạch vành tắc, người bệnh sẽ đối diện nguy cơ ngưng tim tiếp, dẫn tới sốc tim, đe dọa tính mạng.
Dòng máu qua mạch vành phải bị chặt đứt hoàn toàn (hình A) và sau khi được can thiệp tái thông (hình B). Ảnh: Bệnh viện Tâm Anh
Êkíp luồn dây dẫn qua đoạn mạch tắc, đưa bóng vào nong để mở thông dòng chảy. Khi thao tác trên mạch vành rất dễ gây biến chứng loạn nhịp, bệnh nhân có thể ngưng tim. Để ngăn ngừa rủi ro, bác sĩ dự phòng các dụng cụ hỗ trợ tim, dán điện cực trên ngực bệnh nhân giúp sốc điện ngay nếu tình trạng ngưng tim xảy ra. Êkíp sẵn sàng hồi sức tim phổi cho người bệnh trong tình huống xấu nhất.
Nhờ hệ thống siêu âm trong lòng mạch vành (IVUS), bác sĩ đánh giá chính xác kích thước lòng mạch cũng như vị trí tắc, đặt được stent đường kính 3 mm tái thông dòng chảy. Cuối cùng, bác sĩ nong bóng lại để stent nở đều áp sát thành mạch, ngăn nguy cơ tái hẹp về sau.
Sau can thiệp, bà Hai không còn rối loạn nhịp tim, tim đập ổn định, não không bị tổn thương. Bà hết đau ngực, không còn khó thở, xuất viện sau 5 ngày.
Bà Hai không đến bệnh viện trong khoảng "thời gian vàng" (hai giờ kể từ khi khởi phát triệu chứng nhồi máu cơ tim) nhưng nhờ cấp cứu nhanh đã hồi sinh trái tim. Tổng thời gian từ lúc vào viện cho đến khi can thiệp xong khoảng 100 phút.
Các bác sĩ can thiệp đặt stent cấp cứu cho bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện Tâm Anh
Thời gian chuyển biến từ dấu hiệu đau ngực cho tới nhồi máu cơ tim, ngưng tim diễn ra rất nhanh. Nếu không có biện pháp cấp cứu kịp thời, đúng cách, người bệnh dễ đột tử. Bác sĩ Minh khuyến cáo người có dấu hiệu đau tức ngực sau xương ức, đau ngực bên trái hoặc đau vùng thượng vị kèm nôn ói nên tới bệnh viện khám.
Thu Hà - Nguyễn Minh
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh tim mạch tại đây để bác sĩ giải đáp