Cô gái 30 tuổi quê Tuyên Quang là con thứ hai trong một gia đình khá giả, có ba chị em gái. Cô tin rằng gia đình mình bắt đầu tan vỡ vào thời điểm cô chào đời.
"Tôi ra đời khiến cả nhà khổ sở vì không phải là con trai như kỳ vọng của bố. Ông mang toàn bộ những thất vọng, giận dữ đổ lên đầu mọi người", Linh kể. "Cách đây 7 năm, bố tôi đã có con trai riêng với người đàn bà khác nên bố mẹ đã ly thân".
Tuổi thơ của cô là chuỗi ngày chứng kiến mẹ vật vã đau khổ, đánh ghen vì người bố "thay người tình như thay áo". Cũng vì ám ảnh phải có con trai của bố, ba chị em Linh được nuôi dạy trong môi trường vô cùng khắc nghiệt. Là con gái nhưng cả ba đứa con luôn được kỳ vọng tài giỏi, nối nghiệp gia đình. Làm bất cứ việc gì, họ cũng bị so sánh với anh trai nhà bác cả.
"Câu nói gây tổn thương nhất của bố là: 'Tao có ba đứa con gái, một đứa chết cũng không sao'", cô gái Tuyên Quang kể trong nước mắt.
Khánh Linh đã phấn đấu hết mình để khẳng định bản thân. Thực tế, Linh cũng thành công trong kinh doanh mảng chăm sóc sức khỏe, song cũng vì lao vào kiếm tiền và đã đẩy mối quan hệ của cô và chồng ra xa.
"Tôi không tin có đàn ông chung thủy. Chồng lại rất đào hoa, nên tôi luôn muốn kiểm soát anh ấy, khiến cuộc hôn nhân ngột ngạt", cô chia sẻ.
Ngày 23/11, Khánh Linh đã vượt 160 km xuống Hà Nội để cùng với hơn 100 người trẻ từ các tỉnh thành khác tham gia "Ngày hội an lạc" do tiến sĩ tâm lý Lê Nguyên Phương, ĐH Bang California (Mỹ) khởi xướng.
Đây là lần thứ hai Ngày hội an lạc được tổ chức, sau sự kiện ở TP HCM hồi tháng 7, thu hút gần 100 người trẻ.
Tiến sĩ Lê Nguyên Phương đang hướng dẫn người tham gia thả lỏng, lắng nghe cơ thể, tại sự kiện Ngày hội an lạc hôm 23/11 ở Hà Nội. Ảnh: Hue Bui
Một năm trở lại đây Đức Vinh, huấn luyện viên thể hình 35 tuổi ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội bỗng trở nên "nhạy cảm quá mức". Đang nói chuyện bình thường, nhưng có gì không vừa ý, anh có thể lập tức nổi khùng, nói những lời tổn thương người khác, thậm chí đập phá.
"Rất nhiều mối hệ đã tan vỡ vì cảm xúc bất thường của tôi", Vinh nói.
Biết mình đang có vấn đề tâm lý, Vinh đã đọc sách tìm hiểu và tham gia một số khóa học. Anh nhận ra các vấn đề tuổi thơ dù đã qua mấy chục năm, vẫn khiến cuộc sống hiện tại của mình khốn khổ.
"Quá khứ cô độc khiến tôi luôn khao khát được tồn tại, quan tâm, vì thế chỉ cần một sự phật ý, đã khiến tôi lo lắng, mất kiểm soát", anh giải thích.
Cũng giống như Khánh Linh, Đức Vinh đã tham gia "Ngày hội an lạc" để được nói ra hết nhưng điều chất chứa trong lòng. Điều đặc biệt là rất nhiều người đã không kìm được cảm xúc, bật khóc ngay sau khi chia sẻ những bất ổn, những gánh nặng khiến tâm lý của mình không bình thường nhiều năm qua.
Thùy Linh (trái) bật khóc ngay từ khi bắt đầu chương trình, tại sự kiện Ngày hội an lạc, ngày 23/11. Ảnh: Phan Dương
Tiến sĩ Lê Nguyên Phương cho biết chương trình này ra đời từ thực tế nhiều người trẻ gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần nhưng không có điều kiện kinh tế, thời gian để xử lý kịp thời.
Xã hội Việt Nam cũng đang xuất hiện tràn lan các dịch vụ tâm lý, nhưng chưa có bài bản, đặc biệt về tâm lý lâm sàng và tâm lý tham vấn đang còn phôi thai nên để tìm một nguồn uy tín xử lý các khổ đau không đơn giản.
"Các nghiên cứu gần đây cho thấy tỷ lệ rối loạn lo âu, trầm cảm của người trẻ, nhất là Gen Z đang tăng cao", ông Phương nói.
Theo báo cáo của Bộ Y tế năm 2023, Việt Nam có khoảng 3,2 triệu người mắc bệnh trầm cảm, chiếm 3,1% dân số. Trong đó, nhóm tuổi từ 18 - 29 tuổi có tỷ lệ mắc bệnh cao nhất (5,4%) và phụ nữ có tỷ lệ mắc bệnh cao gấp đôi nam giới (4,2% và 2,1%).
Trong sự kiện tại TP HCM, ông đã gặp một bạn trẻ đã 28 tuổi vẫn ám ảnh vì những lời chỉ trích của bố mẹ thời nhỏ. Có du học sinh tưởng ra nước ngoài thoát khỏi kìm kẹp của bố mẹ, vẫn bị dè bỉu mỗi khi điểm thấp, thất bại.
Tại Ngày hội An lạc, tiến sĩ Phương và hơn 60 học trò là các chuyên gia tâm lý sẽ cung cấp cho người tham gia các phương pháp khoa học để nhận biết và xử lý các vấn đề của mình.
Những tư vấn, chỉ dẫn của chuyên gia sẽ là cuốn cẩm nang giúp người tham gia có thể tự áp dụng những phương pháp chữa lành tâm lý vào cuộc sống hàng ngày, cũng như có tiêu chí đánh giá trong trường hợp nào cần tìm chuyên gia tâm lý hỗ trợ. Người tham gia cũng được thực hành tại chỗ các phương pháp đơn giản như đắp khăn lạnh, ngáp sảng khoái, ăn trưa trong chánh niệm, thiền body scan hay hoạt động thả lỏng, kết nối với thân tâm.
"Mục đích của sự kiện là cung cấp kiến thức cho người trẻ trên con đường tự chữa lành cho chính mình; tức phải chuyển hóa từ nhận thức, cảm xúc, hành vi và kể cả chuyển hóa chấn thương, khổ đau, mà có thể nhiều người chưa ý thức được đó mới chính là nguồn gốc sâu xa của các cảm xúc bất an, lo âu hiện tại", chuyên gia từng giảng dạy tại các đại học lớn ở Mỹ, tác giả sách Dạy con trong hoang mang, nói.
Đức Vinh (áo đen) trong vòng tay của người tham gia, sau khi chia sẻ về những tổn thương của mình, tại sự kiện Ngày hội an lạc, ngày 23/11. Ảnh: Phan Dương
Sau sự kiện, Đức Vinh cho biết đã được lắng nghe, học thêm được nhiều bài tập chữa lành để áp dụng sau này. Quan trọng nhất, có nhiều vướng mắc trước đây anh không giải thích được, nhưng nay được khơi mở và hiểu mình hơn.
Những cái ôm, sự lắng nghe không phán xét suốt cả ngày đã giúp Khánh Linh được giải tỏa những bức bách trong lòng. Cô cho biết thích nhất phần cuối của chương trình, nơi người tham gia được thả lòng và ôm ấp chính mình.
"Đôi khi chúng ta bị cuốn theo nhịp cuộc sống nhanh. Chương trình hôm nay giúp tôi hiểu cần chậm lại để yêu thương bản thân nhiều hơn, bớt đi mong cầu và lắng nghe cảm xúc của mình", Linh nói.
Trên chuyến xe trở về quê, người phụ nữ 30 tuổi mong được về thật nhanh để ôm hai con vào lòng và nói những lời yêu thương với chồng.
Phan Dương
* Tên một số nhân vật đã thay đổi.