Người mắc các bệnh hô hấp như cúm, cảm lạnh, hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)... có thể khó thở, ngủ không ngon, đôi khi bị ngáy và ngưng thở khi ngủ. Các tình trạng này kéo dài gây mệt mỏi, thiếu năng lượng vào ban ngày, làm tăng nguy cơ cao huyết áp, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, bệnh rối loạn chuyển hóa.
Thạc sĩ, bác sĩ Lã Quý Hương, khoa Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, hướng dẫn một số cách giúp người bệnh ngủ ngon, cải thiện sức khỏe tổng thể.
Thay đổi tư thế ngủ
Một trong những phương pháp hiệu quả để ngon giấc là thay đổi tư thế ngủ. Ngủ nghiêng hỗ trợ làm giảm triệu chứng tắc nghẽn đường hô hấp. Trọng lực kéo lưỡi về phía má thay vì phía sau cổ họng, giảm áp lực lên đường thở, từ đó người bệnh dễ thở, ngủ ngon.
Nâng cao đầu bằng gối cũng có thể cải thiện khả năng thở, giúp người bệnh thư giãn trong giấc ngủ. Có thể sử dụng máy lọc không khí, giữ không gian ngủ sạch sẽ, không có bụi bẩn, phấn hoa và các tác nhân gây dị ứng khác nhằm nâng cao chất lượng giấc ngủ.
Chế độ ăn khoa học
Chế độ dinh dưỡng khoa học cung cấp năng lượng cho cơ thể, tăng cường miễn dịch, thúc đẩy giấc ngủ ngon. Các loại hạt như hạnh nhân, hạt chia, hạt bí ngô, hạt hướng dương giúp an thần và dễ ngủ nhờ chứa nhiều dưỡng chất như magie, tryptophan, melatonin. Người bệnh cũng nên uống một cốc sữa ấm cách một giờ đi ngủ. Đồ uống chứa tryptophan, canxi thúc đẩy não sử dụng tryptophan để sản xuất melatonin, sâu giấc.
Người khó ngủ cũng có thể uống các loại trà thảo mộc. Trà tim sen giúp nhiều người ngon giấc nhờ chứa các hợp chất như nuciferin và nelumbin có tác dụng an thần, giảm lo âu. Người bệnh cần cần tránh thực phẩm gây dị ứng và thức uống có cồn trước khi ngủ. Chế độ ăn uống cân bằng với nhiều rau xanh, trái cây và thực phẩm giàu omega-3 cũng hỗ trợ sức khỏe hô hấp.
Tập thể dục
Tập thể dục thường xuyên góp phần cải thiện sức khỏe tổng thể, giảm triệu chứng hô hấp. Tập yoga với tư thế em bé, con bướm nằm, gác chân lên tường... thúc đẩy cơ thể thư giãn và cải thiện giấc ngủ. Người không có thời gian có thể dành ra vài phút tập thở bằng cơ hoành, thở hộp, đếm trong khi thở giúp cơ thể, tâm trí thư giãn, dễ và giấc. Tuy nhiên, không tập thể dục quá gần giờ lên giường để tránh tim đập nhanh, trằn trọc.
Bác sĩ Hương lưu ý một số trường hợp ngủ ngáy kéo dài có thể là triệu chứng của bệnh ngưng thở khi ngủ. Người bệnh cần được khám chẩn đoán bằng cách nội soi tai mũi họng, đo đa ký giấc ngủ hoặc đa ký hô hấp. Tùy vào tình trạng bệnh, bác sĩ cân nhắc các phương pháp điều trị bao gồm thay đổi lối sống, sử dụng máy thở áp lực dương liên tục (CPAP) hay phẫu thuật.
Khuê Lâm
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh hô hấp tại đây để bác sĩ giải đáp