Mẫu UAV tự sát giúp Triều Tiên răn đe Hàn Quốc

29/12/2024
|
0 lượt xem
Quân Sự Thế Giới
Mẫu UAV tự sát giúp Triều Tiên răn đe Hàn Quốc

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA hôm 27/8 công bố hình ảnh lãnh đạo Kim Jong-un thăm Viện Máy bay không người lái thuộc Học viện Khoa học Quốc phòng Triều Tiên, đồng thời chủ trì đợt thử nghiệm phi cơ không người lái (UAV) tự sát do nước này chế tạo.

Hình ảnh hai mẫu UAV tự sát đã bị làm mờ, nhưng giới chuyên gia quân sự phương Tây chỉ ra rằng hình dáng tổng thể của chúng rất giống các khí tài do Israel phát triển. Một trong số đó ứng dụng thiết kế cánh tam giác, kèm cánh nâng ở mũi và cánh ổn định đứng phía đuôi, tương tự dòng Harop của Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Israel (IAI).

Ông Kim Jong-un bên cạnh hai mẫu UAV tự sát trong chuyến thăm hôm 24/8. Ảnh: KCNA

Harop được tối ưu cho nhiệm vụ chế áp lưới phòng không đối phương nhờ khả năng tự động bám theo sóng radar và lao xuống nguồn phát. Nó cũng được lắp hệ thống cảm biến quang - điện tử dưới mũi để đối phó biện pháp tắt radar và tập kích các mục tiêu như tăng thiết giáp, công sự đối phương.

Mẫu UAV còn lại có thân hình trụ và được gắn hai cụm cánh hình chữ X, giống hệt dòng UVision Hero-400 của Israel và Lancet Nga.

KCNA cho biết cuộc thử nghiệm ngày 24/8 diễn ra thành công, trong đó các UAV bay theo những tuyến đường vạch sẵn, nhận diện chính xác mục tiêu chỉ định và lao xuống phá hủy chúng.

"Điều này cho thấy UAV Triền Tiên có thể tự động phát hiện và tấn công mục tiêu ở mức cơ bản, nhưng cũng không loại trừ khả năng nó chỉ đủ sức bám theo nguồn phát radar dọc đường bay vạch sẵn hoặc tìm kiếm mục tiêu bằng cảm biến quang học", cây bút Joseph Trevithick viết trên chuyên trang quân sự War Zone của Mỹ.

Triều Tiên không tiết lộ thông số kỹ chiến thuật của hai mẫu UAV tự sát mới. Chưa rõ các phi cơ được Bình Nhưỡng tự phát triển hay sao chép UAV tự sát nước ngoài. Tuy nhiên, chúng nhiều khả năng sẽ trở thành giải pháp rẻ tiền để tấn công mục tiêu dọc giới tuyến phân chia hai miền Triều Tiên, cũng như tập kích hạ tầng và khí tài nằm sâu trong lãnh thổ đối phương nếu xung đột bùng phát.

Ông Kim Jong-un kiểm tra mẫu UAV tự sát với cánh chữ X trong chuyến thăm hôm 24/8. Ảnh: KCNA

Hình ảnh do KCNA đăng tải ghi lại cảnh UAV tự sát lao xuống mục tiêu mô phỏng xe tăng chủ lực và đài radar phòng không Hàn Quốc, cho thấy một trong những nhiệm vụ chủ yếu của phi cơ này trong tác chiến.

"Cả hai loại UAV tự sát của Triều Tiên đều phù hợp với điều kiện tác chiến dọc Khu phi quân sự (DMZ) với Hàn Quốc. Mẫu cánh chữ X sẽ tập trung tấn công xe tăng và khí tài bộ binh ở tiền tuyến, trong khi UAV cánh tam giác sẽ hủy diệt những cơ sở hạ tầng và radar cảnh giới trên khắp Hàn Quốc khi bùng phát xung đột", Trevithick nhận định.

UAV tự sát được thiết kế để mang thuốc nổ lao vào tập kích mục tiêu phía sau phòng tuyến đối phương. Không giống UAV cỡ lớn truyền thống có thể phóng tên lửa, thả bom rồi quay về căn cứ sau khi tập kích, UAV tự sát chỉ tung một đòn tấn công duy nhất. Loại vũ khí này có kích thước nhỏ, khối lượng nhẹ và dễ dàng triển khai. Chúng rất khó bị các hệ thống radar, cảm biến phát hiện.

Trong chuyến thăm, ông Kim Jong-un yêu cầu tăng tốc sản xuất thiết bị tự sát, trong đó có tàu lặn không người lái, để phục vụ các đơn vị bộ binh và đặc nhiệm, cũng như phát triển những mẫu UAV tấn công đa năng và trinh sát chiến lược. Lãnh đạo Triều Tiên cũng ra lệnh tiến hành thêm thử nghiệm về ứng dụng chiến đấu của UAV, nhằm đưa chúng vào biên chế quân đội càng sớm càng tốt.

UAV tự sát Triều Tiên lao xuống mục tiêu mô phỏng xe tăng Hàn quốc trong cuộc thử nghiệm hôm 24/8. Ảnh: KCNA

Bình Nhưỡng đang đẩy mạnh xây dựng năng lực tác chiến chiến thuật, trong đó có tên lửa đạn đạo tầm ngắn và pháo hạng nặng, sau khi đạt nhiều bước tiến trong phát triển tên lửa đạn đạo tầm xa và chương trình hạt nhân.

Triều Tiên hồi tháng 1 công bố hình ảnh ông Kim Jong-un thị sát căn cứ không quân vận hành những loại UAV hiện đại nhất nước này, trong đó có phi cơ trinh sát chiến lược Saetbyol-4 (Sao Mai-4) và UAV tấn công đa năng Saetbyol-9 (Sao Mai-9). Giới chuyên gia phương Tây nhận định chúng là bản sao gần như y nguyên của dòng RQ-4 Global Hawk và MQ-9 Reaper do Mỹ phát triển.

"Các đợt UAV Triều Tiên xâm nhập không phận Hàn Quốc, cũng như loạt vụ bóng bay thả rác thải gần đây, cho thấy mối đe dọa từ những đòn tập kích sử dụng lượng lớn thiết bị bay không người lái. Chúng rất khó bị phát hiện và bám bắt, đặt ra nhiều thách thức cho lực lượng phòng thủ Hàn Quốc", chuyên gia quân sự Mỹ nêu quan điểm.

Vũ Anh (Theo KCNA, War Zone, Reuters)

Tin liên quan
Tin Nổi bật