"Càng mất ngủ phụ nữ sau sinh càng dễ căng thẳng, lo âu, trầm cảm và không thể thoát ra vòng luẩn quẩn đó", TS.BS Nguyễn Thị Minh Đức, Trưởng khoa Thần kinh, Trung tâm Khoa học Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết hôm 15/11.
Bác sĩ dẫn trường hợp chị Ngọc, 28 tuổi, thiếu ngủ thường xuyên sau sinh con đầu lòng. Tình trạng kéo dài hơn 7 tháng làm chị mất sữa, căng thẳng, mệt mỏi, tăng cân mất kiểm soát. Mỗi đêm chị còn đau nhức lưng nên càng khó ngủ. Gia đình động viên, đưa chị đi khám tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM.
Trường hợp khác là chị Quý, 32 tuổi, mẹ đơn thân, lần đầu sinh con nên gặp áp lực trong việc chăm sóc. Ban đêm con thức giấc, quấy khóc cộng với cơn đau sau sinh khiến chị thường xuyên mất ngủ, mệt mỏi, giảm trí nhớ, chán ăn, sức khỏe suy kiệt trên nền bệnh huyết áp thấp. Mới đây chị đang làm việc tại cơ quan thì bị ngất xỉu, được đồng nghiệp đưa đi cấp cứu.
Bác sĩ chẩn đoán chị Ngọc và chị Quý bị mất ngủ mạn tính do rối loạn lo âu, trầm cảm. Mất ngủ làm cho người bệnh suy nhược, khủng hoảng tâm lý, tăng nặng bệnh nền tim mạch, rối loạn chuyển hóa gây béo phì, đau nhức cột sống...
Bác sĩ Minh Đức cho biết tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, phụ nữ sau sinh chiếm khoảng 30% người bệnh đến khám mất ngủ, nhiều người bị mất ngủ kéo dài cho đến nay khi con đã lớn. Đa số là phụ nữ sinh con đầu lòng. Nhiều trường hợp phải sử dụng thuốc ngủ lâu ngày dẫn đến lo lắng, lâu dần bị trầm cảm.
Bác sĩ Minh Đức khám cho người bệnh mất ngủ sau sinh. Ảnh minh họa: Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến vòng luẩn quẩn mất ngủ ở phụ nữ sau sinh. Người mẹ phải thức giấc giữa đêm để chăm con, thay tã, cho bé bú, bé khóc đêm, bệnh sốt... Căng thẳng, lo âu làm tăng sinh gốc tự do và kích hoạt các chất dẫn truyền thần kinh hoạt động quá mức, dẫn đến khó ngủ, mất ngủ. Phụ nữ bị thay đổi nội tiết tố trong cơ thể, cảm giác đau sau sinh, thiếu sắt hoặc chế độ dinh dưỡng không hợp lý. Một số phụ nữ sau sinh mất ngủ do bệnh lý như tim mạch gây mệt, khó thở về đêm nên dễ thức giấc, đau nhức xương khớp, đau đầu.
Khi mất ngủ, cơ thể người mẹ không tiết đủ sữa cho con bú, bé thiếu sữa, quấy khóc càng khiến mẹ mệt mỏi thêm. Tình trạng kéo dài có thể làm suy giảm hệ miễn dịch, rối loạn chuyển hóa, dẫn đến thừa cân, béo phì, đái tháo đường. Mất ngủ còn ảnh hưởng đến não bộ, tim mạch và toàn thân, tăng nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm như rối loạn nhịp tim, suy tim, bệnh mạch vành, tăng huyết áp, đột quỵ.
Chị Ngọc và Quý đang cho con bú sữa mẹ nên cần cân nhắc dùng thuốc điều trị mất ngủ. Bác sĩ Minh Đức chỉ định kỹ thuật kích thích từ trường xuyên sọ theo liệu trình chuyên biệt, cá thể hóa. Đây là phương pháp điều trị không đau, không xâm lấn, an toàn. Bằng cách tạo ra từ trường đủ mạnh, có thể đi xuyên qua da và hộp sọ, kỹ thuật kích thích từ trường xuyên sọ giúp tạo ra những sóng điện thứ cấp trong não, làm thay đổi mạng lưới thần kinh. Từ đó, thúc đẩy quá trình phục hồi, kết nối và điều chỉnh hoạt động của các tế bào thần kinh ở vùng não cần điều trị, giúp cải thiện mất ngủ hoặc đau nửa đầu, trầm cảm.
Người bệnh được kết hợp dùng một số loại thuốc hỗ trợ phù hợp. Áp dụng các biện pháp duy trì giấc ngủ, chế độ dinh dưỡng khoa học, tăng cường vận động vừa sức. Sau hai tuần điều trị mất ngủ theo phác đồ đa mô thức, tình trạng mất ngủ của hai người bệnh cải thiện rõ rệt. Một tháng sau kết thúc liệu trình kích thích từ trường xuyên sọ, họ ngủ được 6-7 giờ mỗi đêm, có thêm giấc ngủ trưa khoảng 30 phút nên sức khỏe thể chất và tinh thần tốt hơn.
Các bác sĩ điều trị cho người bệnh mất ngủ bằng máy kích thích từ trường xuyên sọ. Ảnh minh họa: Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7
Biểu hiện mất ngủ ở phụ nữ sau sinh có thể gồm nhiều dạng khác nhau như giấc ngủ không liên tục, ngủ chập chờn không sâu giấc, thường xuyên thức giấc giữa đêm, trằn trọc khó đi vào giấc ngủ, ngủ không đủ giấc...
Bác sĩ Minh Đức khuyến cáo phụ nữ sau sinh bị mất ngủ nên đến chuyên khoa Thần kinh để được kiểm tra và điều trị kịp thời, tránh để lâu kéo dài. Tùy tình trạng mất ngủ, cơ địa, bệnh nền kèm theo và có đang cho con bú sữa mẹ hay không, bác sĩ có thể chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Người bệnh không tự ý sử dụng các loại thuốc ngủ hoặc an thần dễ khiến bệnh tăng nặng, khó điều trị. Tác dụng phụ của các loại thuốc này có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe của người mẹ và bé bú sữa mẹ, thậm chí dẫn đến nhiều trường hợp nguy hiểm.
Trường Giang
*Tên bệnh nhân đã được thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh thần kinh tại đây để bác sĩ giải đáp