Trả lời:
Trong quá trình mang thai, chế độ dinh dưỡng lành mạnh đóng vai trò quan trọng để cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho thai phụ và thai nhi. Tuy nhiên, ăn nội tạng động vật như lòng, gan, tim, lá lách, dạ dày cần được cân nhắc kỹ lưỡng.
Nguồn thực phẩm này chứa nhiều dưỡng chất như sắt, vitamin B12, vitamin A và đồng. Sắt là chất thiết yếu trong giai đoạn thai kỳ, giúp ngăn ngừa tình trạng thiếu máu. Sắt từ nội tạng động vật (sắt heme) dễ hấp thu hơn so với sắt từ thực vật. Nội tạng động vật cũng có chứa một số chất dinh dưỡng cao hơn so với thực phẩm khác. Ví dụ, gan chứa nhiều vitamin A, B và folate hơn thịt bò.
Tuy nhiên, nội tạng động vật lại có chứa nhiều chất béo no (một loại chất béo không tốt) và hàm lượng cholesterol cao. Nếu ăn quá nhiều dễ dẫn đến thừa cân, béo phì, rối loạn chuyển hóa mỡ máu, tăng huyết áp, mắc bệnh tim mạch hoặc khiến bệnh tăng nặng.
Tiêu thụ quá nhiều gan hay nội tạng động vật khiến mẹ bầu có nguy cơ ngộ độc vitamin A, hấp thụ đồng quá mức, dễ khiến thai dị tật bẩm sinh và ngộ độc gan.
Nội tạng động vật có lượng cholesterol cao, chất béo không tốt, mẹ bầu nên ăn ở lượng vừa phải để không ảnh hưởng đến sức khỏe. Ảnh: Bùi Thủy
Phụ nữ mang thai chỉ nên ăn nội tạng động vật một lần mỗi tuần, với khẩu phần dưới 85 g. Nội tạng cần được nấu chín kỹ để tránh nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Bạn nên duy trì chế độ ăn đa dạng với nhiều loại thực phẩm giàu dinh dưỡng khác nhau. Một số nhóm thực phẩm bạn cần tham khảo ưu tiên bao gồm:
Thực phẩm giàu carbohydrate: Bột mì nguyên cám, khoai củ, trái cây.
Thực phẩm chứa chất béo tốt: Các loại cá béo như cá hồi, cá thu, cá basa, quả bơ, dầu ô liu.
Thực phẩm giàu protein: Thịt gà, bò, heo, chim bồ câu, trứng, cá và hải sản.
Thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất: Rau xanh và trái cây có màu sắc đậm như xanh đậm, đỏ, vàng, tím (cherry, cam, đu đủ, ớt chuông, súp lơ xanh, bắp cải tím). Đây là những thực phẩm giàu chất chống oxy hóa, tốt cho quá trình mang thai.
Để đảm bảo thai kỳ khỏe mạnh, mẹ bầu khám thai định kỳ và tham khảo tư vấn từ bác sĩ chuyên khoa sản hoặc bác sĩ dinh dưỡng về chế độ ăn uống phù hợp. Điều này giúp đảm bảo thai phụ và thai nhi đều nhận được những dưỡng chất cần thiết.
Bác sĩ Trần Thị Trà PhươngKhoa Dinh dưỡng Tiết chế Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội
Độc giả đặt câu hỏi về dinh dưỡng tại đây để bác sĩ giải đáp