Trả lời:
Vi khuẩn não mô cầu lây lan qua đường hô hấp, thông qua dịch tiết và giọt bắn khi ho, hắt hơi, nói chuyện. Nguồn lây bệnh có thể từ người bệnh và người mang vi khuẩn ở vùng hầu họng nhưng không biểu hiện triệu chứng, tức người lành mang trùng.
Tỷ lệ người lành mang trùng trong cộng đồng 5-25%, theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cao hơn trong vụ dịch và là nguồn lây khó kiểm soát. Hội Y học dự phòng Việt Nam cho biết thanh thiếu niên và thanh niên là nhóm trung gian lây truyền vi khuẩn cao nhất, lên đến 10%.
Bên cạnh đó, vi khuẩn não mô cầu có thể tồn tại khi ra khỏi cơ thể trong vài giờ, có nghiên cứu cho thấy có thể tồn tại bề mặt nhựa, thủy tinh hoặc kim loại trong tối đa 72 giờ nên cũng có thể là nguồn lây bệnh.
Trẻ em thuộc nhóm dễ mắc não mô cầu khuẩn. Ảnh: Vecteezy
Với tình trạng khó kiểm soát nguồn lây bệnh như trên, cách phòng bệnh do não mô cầu hiệu quả nhất là tiêm chủng vaccine. Hiện Việt Nam có ba loại vaccine phòng ngừa đầy đủ 5 nhóm vi khuẩn não mô cầu nguy cơ cao gây bệnh gồm vaccine nhóm B thế hệ mới (Bexsero) của Italy, nhóm BC (VA-Mengoc BC) của Cuba và nhóm A, C, Y, W135 (Menactra) của Mỹ, tiêm cho người từ 2 tháng đến 55 tuổi.
Mỗi loại vaccine có công nghệ sản xuất, lịch tiêm và độ tuổi tiêm chủng khác nhau. Vaccine không có miễn dịch chéo nên mỗi người cần chủng ngừa các loại vaccine phòng 5 nhóm huyết thanh gây bệnh não mô cầu A, B, C, Y, W-135.
Não mô cầu là một trong 6 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có tỷ lệ tử vong cao nhất ở Việt Nam. Thời gian ủ bệnh trung bình từ 2-10 ngày, với những biểu hiện như sốt, đau đầu, buồn nôn và nôn, cứng cổ, dễ nhầm lẫn với cảm lạnh, viêm đường hô hấp thông thường.
Não mô cầu gây ra hai thể bệnh phổ biến là viêm màng não và nhiễm trùng huyết hoặc kết hợp cả hai, có thể gây tử vong chỉ trong 24 giờ. Nếu sống sót, 10-20% người gặp các di chứng nặng như cắt cụt chi, điếc, liệt, chậm phát triển tinh thần...
Ngoài vaccine, bạn cũng nên áp dụng thêm các biện pháp khác như đeo khẩu trang khi đến nơi đông người, súc miệng, họng bằng dung dịch sát khuẩn thông thường, rửa tay thường xuyên, hạn chế sử dụng chung dụng cụ ăn uống, vệ sinh nhà cửa thông thoáng... để phòng bệnh hiệu quả.
Bác sĩ Đoàn Thị Khánh ChâmQuản lý Y khoa Vùng 2 - miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC
Độc giả đặt câu hỏi tư vấn vaccine để bác sĩ trả lời tại đây.