Sau hai tháng triển khai, cuộc thi thu hút 376 hồ sơ đăng ký của người tham dự từ khắp các tỉnh thành trên cả nước và dự án từ nước ngoài. Ban tổ chức cho biết đã chia 4 phân ban giám khảo để lựa chọn, sàng lọc các hồ sơ đăng ký trùng, hồ sơ thiếu dữ kiện.... Ngày 12/10, ban tổ chức sẽ công bố danh sách (30-40) hồ sơ xuất sắc vào vòng sơ khảo.
Phần mềm quản lý ra vào sử dụng thẻ căn cước công dân. Ảnh: Phòng Tham mưu - Công an tỉnh Thái Nguyên
Đại diện ban giám khảo nhận định, một số ý tưởng năm nay rất sáng tạo và có tính thực tiễn cao, đặc biệt là sự tham gia của các thí sinh ở Singapore, Australia, Hàn Quốc, Indonesia... "Điều này cho thấy sức lan tỏa của chương trình cũng như sự quan tâm, hướng về Tổ quốc của người Việt Nam ở nước ngoài. Đây là tinh thần đáng khích lệ", vị đại diện nói thêm.
Trong số các bài dự thi gửi về từ nước ngoài, nổi bật có ý tưởng "App, web quản lý phòng cháy chữa cháy" của đội thi Mai Trang Trí, xuất phát từ nhiều vụ cháy thương tâm xảy ra trong nước thời gian qua. Mục tiêu của app, website này là tạo ra môi trường mở, thuận tiện cho người dân, cơ sở sản xuất kinh doanh/ doanh nghiệp và cơ quan quản lý về phòng cháy chữa cháy; khuyến khích người dân và cơ sở sản xuất kinh doanh/ doanh nghiệp tham gia vào việc theo dõi và báo cáo về các vấn đề liên quan đến cháy nổ, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống.
Bên cạnh đó, nhiều ý tưởng khác xoay quanh việc tìm giải pháp để chuyển đổi số cũng được gửi về cuộc thi như "Sổ tay công an số"; "Bảng điều khiển dữ liệu dân số", "Ứng dụng tìm đường thông minh cho xe ưu tiên", "Chatbot hỗ trợ tư vấn giải đáp thắc mắc về pháp luật", "Mô hình dự đoán vi phạm an toàn giao thông"...
Theo đại diện ban tổ chức, điểm nổi bật của cuộc thi năm nay là nhiều ý tưởng, sản phẩm đã linh hoạt ứng dụng công nghệ AI, như "Áp dụng trí tuệ nhân tạo dựng các livestreamer bot ảo hỗ trợ livestream bán hàng trên nền tảng thương mại trực tuyến"; AI hỗ trợ tìm kiếm việc làm; Người ảo AI, giải pháp cá nhân hóa trải nghiệm dịch vụ hành chính công; Ứng dụng AI vào dịch vụ bán lẻ, ngân hàng điện tử... Ngoài ra, nhiều đội thi cũng sử dụng các công nghệ hiện đại như Java, C++, Big Data...
Cuộc thi Dữ liệu với cuộc sống (Data For Life 2024) do Trung tâm Dữ liệu và dân cư, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an); Đại học Bách khoa Hà Nội và Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) phối hợp tổ chức. Báo VnExpress là đơn vị bảo trợ truyền thông.
Chương trình nhằm tìm kiếm các ý tưởng, giải pháp, sản phẩm công nghệ thông tin từ các tài năng trẻ nhằm phục vụ phục vụ xây dựng Chính phủ số, Xã hội số và Kinh tế số. Cuộc thi sẽ trải qua ba vòng, gồm sơ loại (30-40 đội), chung khảo (10 đội), từ đó trao giải cho 5 đội xuất sắc. Các đội sẽ nộp bài thi trực tuyến đến hết 21/9 với bản mô tả ý tưởng, sản phẩm thể hiện lý do ra đời, cách thức vận hành, điểm nổi bật, kết quả đạt được khi ứng dụng vào thực tế.
Vòng chung kết dự kiến diễn ra ngày 26/11. Tổng giá trị giải thưởng dự kiến là 390 triệu đồng gồm: một giải nhất 300 triệu đồng; một giải nhì 50 triệu đồng; một giải ba 30 triệu đồng; một giải khuyến khích 10 triệu đồng. Đặc biệt, các sản phẩm đoạt giải nhất, nhì, ba sẽ được hỗ trợ hoàn thiện sản phẩm tại Trung tâm Đổi mới Sáng tạo - Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông - Đại học Bách khoa Hà Nội.
Tuệ Minh