Ngày 7/10, Giám đốc Sở Y tế TP HCM Tăng Chí Thượng, cho biết đã tổng hợp nhu cầu, thực hiện Gói thầu thuốc generic và Gói thầu thuốc dược liệu, thuốc có kết hợp dược chất với các dược liệu, thuốc cổ truyền để mua sắm thuốc tập trung cho các trạm y tế giai đoạn 2024-2025. Việc này được tiến hành sau khi Bộ Y tế ban hành Thông tư số 07 ngày 17/5, quy định về đấu thầu thuốc tại cơ sở y tế công lập theo Luật Đấu thầu năm 2023.
Hãng sản xuất giữ bản quyền sáng chế (patent) trong thời hạn bảo hộ (10-20 năm). Khi hết patent, các hãng dược khác có quyền mua nguyên liệu và sản xuất các thuốc tương tự biệt dược gốc, được gọi là thuốc generic.
Gói thầu thuốc generic được giao cho Bệnh viện Hùng Vương triển khai với giá kế hoạch hơn 81 tỷ đồng, thu hút 80 nhà thầu, 482 sản phẩm. Gói thầu thuốc dược liệu, thuốc có kết hợp dược chất với các dược liệu, thuốc cổ truyền được giao Bệnh viện Y học cổ truyền TP HCM triển khai với giá trị hơn 16 tỷ, thu hút 28 nhà thầu với 104 sản phẩm tham dự.
Đến nay, gói thầu thuốc dược liệu đã có kết quả lựa chọn nhà thầu, với 50 thuốc trúng thầu. Gói thầu thuốc generic quy mô lớn hơn, nay đã xong giai đoạn đánh giá hồ sơ và tổng hợp kết quả, dự kiến phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu trong tuần này với khoảng 240 thuốc trúng thầu.
"Danh mục thuốc tại trạm y tế có thể tăng lên đến khoảng 300 mặt hàng, giúp giải quyết một trong những nguyên nhân cơ bản là trạm y tế thiếu thuốc làm cho người dân chưa đến khám chữa bệnh ban đầu", ông Thượng nói. Quá trình thực hiện, thuốc trúng thầu của các gói thầu này còn có thể được điều chuyển số lượng phân bổ tùy theo nhu cầu và tình hình sử dụng thực tế.
Bệnh nhân được điều trị theo phương pháp y học cổ truyền tại Trạm y tế phường 21, quận Bình Thạnh, TP HCM. Ảnh: Mỹ Ý
Những năm qua, các trung tâm y tế quận huyện triển khai đấu thầu thuốc cho trạm y tế, gặp nhiều vướng mắc, khiến kết quả cung ứng thuốc còn rất hạn chế. Hiện, chỉ một số trạm y tế thuộc số ít các trung tâm y tế như Bình Thạnh, Gò Vấp, Tân Phú và Cần Giờ có danh mục thuốc tương đối đa dạng và cơ bản đáp ứng nhu cầu của người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế. Còn lại, đa số trạm khác chỉ có trung bình từ 10 đến 15 loại thuốc. Nhiều trạm chưa đảm bảo đủ cơ số thuốc tối thiểu điều trị các bệnh lý mạn tính theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới.
Thực tế này khiến nhiều người bệnh khi đã điều trị ổn định tại bệnh viện quận huyện, có nhu cầu được tiếp tục theo dõi và điều trị tại các trạm y tế, song không có đủ thuốc đáp ứng theo chỉ định của bệnh viện. Họ buộc phải quay lại khám và điều trị tại các cơ sở tuyến trên, khiến trạm y tế càng khó "giữ chân" người bệnh.
Năm ngoái, TP HCM kiến nghị Bộ Y tế mở rộng danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp địa phương, bổ sung 302 thuốc cho trạm y tế chữa các bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, hen phế quản.
Lê Phương