Bà Hoàng Thị Gái, 53 tuổi, sinh ra trong gia đình thuần nông ở làng Mân, xã An Hòa, huyện Vĩnh Bảo. Không có điều kiện học lên cao, bà sớm lấy chồng rồi làm nghề cấy thuê mưu sinh.
Năm 1997, mong muốn có thu nhập tốt hơn để lo cho con cái, bà Gái bàn với chồng mở đại lý thu mua thóc gạo. "Công việc khá thuận lợi, tôi có nhiều mối làm ăn khắp cả nước, thu nhập tốt lắm", bà Gái nhớ lại.
Khi việc kinh doanh của gia đình đã ổn định, ông Hoàng Quân, chồng bà Gái, tâm sự muốn khôi phục nghề nấu rượu của gia đình. Vì nhà luôn sẵn gạo, vợ chồng bà Gái quyết định trở lại với nghề gia truyền.
Để chủ động nguồn nguyên liệu chất lượng cao, ổn định cho xưởng nấu rượu, bà Gái thuê lại đất của người, tự trồng lúa nếp. "Đây là bước ngoặt thay đổi cuộc đời tôi", bà Gái đánh giá.
Thời điểm đó, làng Mân bắt đầu xuất hiện tình trạng người dân bỏ ruộng không cấy. Tiếc đất đai đang ngày càng hoang hóa, bà Gái vận động người dân cho mình thuê lại, rồi dồn điền, đổi thửa để thành cánh đồng mẫu lớn. Những kinh nghiệm này bà học được khi mở đại lý thu mua thóc gạo.
Muốn cơ giới hóa việc trồng lúa, bà Gái vận động những người có máy cày, máy tuốt lúa loại cũ, nhỏ bán đi lấy tiền tiêu rồi vào tổ dịch vụ do mình thành lập. Bà bỏ tiền, vay thêm vốn mua máy móc hiện đại, tìm kiếm khách hàng, còn thợ máy vận hành, lợi nhuận chia đều.
Bà Gái giới thiệu mô hình trồng lúa chất lượng cao với Bí thư Huyện ủy Vĩnh Bảo. Ảnh: Minh Hương
Để người dân hợp tác, thay đổi tư duy làm nông nghiệp hiện đại, bà Gái nói "khó vô cùng", đặc biệt khi bà cho 187 hộ cấy duy nhất hai giống lúa BC15 và nếp 97 trên diện tích 30 ha vào năm 2014.
"Buổi sáng, người ta đồng ý làm theo tôi, tối lại đi cấy giống khác. Sáng hôm sau, tôi phải thuyết phục, bỏ 2 triệu đồng đưa cho họ trả tiền công cấy, tiền mua mạ, hứa bao tiêu toàn bộ đầu ra để cấy lại giống lúa của mình", bà nhớ lại.
Sau khi tổ dịch vụ hoạt động ổn định, năm 2018 bà Gái thành lập HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ tổng hợp nông nghiệp xã An Hòa (HTX An Hòa) với 9 thành viên, vốn điều lệ một tỷ đồng và có hàng nghìn hộ dân tham gia hợp tác.
Theo bà Gái, làm việc với nông dân, điều quan trọng là được họ tin tưởng, yêu quý như người thân trong nhà, đừng nói nhiều đến tiền. Bà chăm lo đến đời sống gia đình người hợp tác. Con cái họ ốm đau, nếu họ cần, nửa đêm bà cũng đến đưa đi bệnh viện. Nhà ai có hiếu hỉ gì, bà có mặt như người nhà.
Đến nay, diện tích canh tác trồng lúa chất lượng cao, áp dụng cơ giới hóa của HTX An Hòa đã lên đến 100 ha, sản lượng 800 tấn/vụ, mang về khoảng 70 triệu đồng mỗi ha một vụ, cao gấp 3-5 lần so với trồng lúa thông thường.
HTX An Hòa còn liên kết với doanh nghiệp tổ chức trồng giống đậu tương rau xuất khẩu sang sang Nhật Bản và Anh. "Chúng tôi tích tụ được gần 100 ha diện tích trồng đậu tương rau, thu từ 65 đến 85 triệu đồng một ha mỗi vụ, trừ chi phí thì lãi khoảng 25-35 triệu đồng", bà Gái chia sẻ.
Thương hiệu rượu Hoàng Quân mà vợ chồng bà Gái xây dựng cũng được đưa vào HTX và trở thành sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của TP Hải Phòng, đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao từ năm 2022. Hoạt động của HTX An Hòa ngày càng ổn định, doanh thu 8 tháng đầu năm 2024 đạt 7,6 tỷ đồng, đến hết năm ước đạt 10 tỷ đồng.
Hội Nông dân TP Hải Phòng đánh giá mô hình sản xuất của HTX An Hòa đã thúc đẩy quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, khắc phục tình trạng ruộng bỏ hoang, mang lại lợi ích cho nông dân và tạo ra công ăn việc làm ổn định, thu nhập khoảng 7 triệu đồng cho 50 lao động.
Mỗi năm, bà Gái và các thành viên sẽ bỏ ra 20% doanh thu để mở rộng sản xuất, tái đầu tư trang thiết bị. Hiện HTX An Hòa đã có 9 máy cơ giới hiện đại, trị giá hơn 3 tỷ đồng. Thời gian tới, HTX sẽ nghiên cứu chuyển đổi hết diện tích sang trồng lúa hữu cơ, xây dựng thương hiệu gạo riêng và làm thêm các sản phẩm khác từ gạo, bà Gái chia sẻ.
Với những kết quả đạt được thời gian qua, HXT An Hòa đã được vinh danh là HTX tiêu biểu toàn quốc năm 2024. Bản thân bà Gái là nông dân xuất sắc toàn quốc năm 2021 và nhận được rất nhiều bằng khen của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cũng như TP Hải Phòng.
Lê Tân