Dù sinh ra và lớn lên ở quê lúa Thái Bình, anh Nguyễn Văn Thắng, 40 tuổi không hề biết làm ruộng. "Tôi được bố mẹ chiều từ bé, chỉ cần tập trung học hành. Lớn lên học ngành dệt may rồi đi làm trên Hà Nội suốt 10 năm, chưa từng nghĩ sẽ là nông dân giỏi'', anh kể.
Năm 2019, khi đại dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát, anh Thắng được một đối tác nước ngoài tặng vài lọ tinh dầu hương thảo để tăng cường sức đề kháng, cải thiện đường hô hấp. Khi mang ra dùng, anh chợt nhớ về những cánh đồng bao la đang bị bỏ hoang ở quê nhà và nảy sinh ý định trồng hương thảo làm tinh dầu.
Chia sẻ ý tưởng với vợ, chàng kỹ sư nhận được sự ủng hộ tuyệt đối. "Thời điểm đó, xã hội thay đổi nhiều vì dịch bệnh. Vợ chồng tôi cũng muốn đổi công việc để có môi trường an toàn hơn cho cả nhà khi giãn cách xã hội", anh Thắng nhớ lại.
Lúc đó, thu nhập của vợ chồng anh Thắng khoảng 30 triệu đồng một tháng nên khi về quê bàn chuyện làm nông, cả họ phản đối. Phần lớn thanh niên trong xã Quỳnh Hồng, huyện Quỳnh Phụ khi đó đều đi làm ở các công ty, khu công nghiệp. Đồng ruộng chủ yếu là người lớn tuổi canh tác và dần bị bỏ hoang.
Kỹ sư dệt may Nguyễn Văn Thắng về quê trồng hương thảo làm tinh dầu. Ảnh: Lê Tân
Bất chấp sự can ngăn, vợ chồng anh Thắng dồn hết vốn liếng tích góp, vay mượn thêm họ hàng được mấy trăm triệu rồi lên UBND xã Quỳnh Hồng xin thuê 10 ha đất nông nghiệp đang bỏ hoang. Trong thời gian cải tạo lại ruộng, anh Thắng lên Đà Lạt đặt mua giống và học cách trồng hương thảo.
"Đúng là vạn sự khởi đầu nan, vụ đầu, chúng tôi bị thiên tai quật mất trắng", anh Thắng nói. Cây hương thảo vốn ưa sáng, sợ ngập úng, nhưng đã bị mưa bão làm chết hết gần hết 10 ha đang sắp đến ngày thu hoạch. Mất cả tiền tích góp và vay mượn, vợ anh Thắng xuống tinh thần, ốm lăn lóc cả tuần.
Trong thế không còn gì để mất, anh Thắng lại động viên vợ vét hết tài sản cầm cố lấy tiền để gây dựng lại vườn hương thảo. Nhờ kinh nghiệm vụ đầu tiên, vợ chồng anh lựa được những vùng đất cao hơn để xuống giống. Cây cũng trồng thưa hơn, 800 gốc/sào và đánh cao gốc.
Theo anh Thắng, ngoài sợ úng, hương thảo khá dễ trồng vì có sức sống mãnh liệt, ít sâu bệnh. Sau bốn tháng, cây bắt đầu cho thu hoạch, mỗi năm được 8 lứa. Năng suất đạt 1,3-1,5 tạ lá/sào/lứa, bán 15.000 đồng/kg, mỗi năm cho thu nhập 400-480 triệu đồng/ha.
Lá cây hương thảo sẽ được chưng cất làm tinh dầu dùng trong y học, hương liệu, thực phẩm và mỹ phẩm. Trung bình, một tấn lá hương thảo tươi chưng cất được 6-7 lít tinh dầu nguyên chất. Từ năm 2021, anh Thắng thành lập HTX Hoàng Minh để chưng cất và đưa các sản phẩm tinh dầu hương thảo ra thị trường.
"Đơn hàng đầu tiên của tôi là từ đối tác Hàn Quốc. Họ nhập đều đặn được một thời gian thì qua đây tham quan. Khi về nước thì họ tự trồng luôn, tôi mất mối", anh Thắng nhớ lại.
Tinh dầu hương thảo đạt chất lượng OCOP 3 sao. Ảnh: Lê Tân
Để đa dạng hóa khách hàng, anh Thắng đưa tinh dầu lên sàn thương mại điện tử và tham gia các triển lãm xúc tiến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Đến nay, trung bình mỗi năm HTX Minh Hoàng sản xuất từ 50 đến 100 tấn hương thảo và hàng nghìn lít tinh dầu đưa ra thị trường trong và ngoài nước.
Sản phẩm tinh dầu hương thảo của HTX Hoàng Minh cũng đã được UBND tỉnh Thái Bình chứng nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. HTX tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động ở địa phương và mang về lợi nhuận khoảng một tỷ đồng mỗi năm. Nhờ đó, anh Thắng được vinh danh là một trong 63 nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2024.
Hiện anh Thắng lên kế hoạch đưa tinh dầu hương thảo vào thị trường châu Âu, Nhật Bản và Mỹ. "Tiêu chuẩn của họ cao, đất trồng không được có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Điều này đất quê tôi không đáp ứng được. Tôi sẽ làm việc với một số HTX ở Mộc Châu và Hòa Bình để cùng nhau triển khai dự án này", anh Thắng nói.
Lê Tân