Khi nào cần chụp MRI thai?

30/12/2024
|
0 lượt xem
Các Bệnh Mang Thai & Sinh Con Sản Phụ Khoa Sức Khỏe
Khi nào cần chụp MRI thai?

Trả lời:

Chụp cộng hưởng từ (MRI) giúp đánh giá các bất thường của thai nhi và nhau thai mà siêu âm chưa thể xác định rõ ràng. Nếu thai có bất thường trên siêu âm, bác sĩ có thể chỉ định mẹ bầu thực hiện phương pháp này, trước khi quyết định các phương pháp can thiệp phù hợp trong giai đoạn bào thai cũng như chuẩn bị thật kỹ để đón bé chào đời.

MRI sử dụng từ trường thay tia bức xạ (tia X) nhằm phát hiện toàn diện các bất thường ở não, xương sống, mặt, cổ, ngực, phổi, bụng, xương chậu (bao gồm ruột, thận và bàng quang), cấu trúc nhau thai... Kỹ thuật này còn được chỉ định cho những trường hợp gặp khó khăn trong chẩn đoán trên siêu âm như thai phụ béo phì, tư thế thai nhi không thuận lợi, thai thiểu ối, vô ối...

Thai phụ chụp MRI thai tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM. Ảnh minh họa: Tuệ Diễm

Trường hợp của bạn, mang thai 24 tuần, phát hiện bướu bạch huyết, khối bướu này có thể tăng kích thước trong thai kỳ, cần siêu âm theo dõi thường xuyên. Khối bướu quá to có thể chèn ép các cơ quan xung quanh, tuy nhiên quan trọng nhất vẫn là chèn ép đường thở, trẻ có thể tử vong ngay lập tức sau sinh. Do đó, chụp MRI ở giai đoạn gần cuối thai kỳ cung cấp hình ảnh cho bác sĩ đánh giá tình trạng chèn ép đường thở. Từ đó bác sĩ tư vấn cho thai phụ phương pháp sinh phù hợp, cần thực hiện thủ thuật EXIT (Ex utero intrapartum treatment) trong lúc sinh hay không.

EXIT là thủ thuật được sử dụng trong sinh mổ cho những thai nhi bị khối u bẩm sinh làm tắc nghẽn đường thở. Thủ thuật này giúp bác sĩ phẫu thuật có thời gian để thông đường thở cho trẻ, có hướng điều trị cho trẻ sau sinh.

Ngoài ra, khi khối u quá to, nguy cơ xuất huyết trong u cao, kỹ thuật MRI có thể đánh giá xuất huyết trong u, nhờ đó bác sĩ can thiệp kịp thời.

Thông thường bác sĩ lựa chọn thời điểm chụp MRI các bướu bạch huyết vùng mặt cổ vào các tuần cuối thai kỳ hoặc khi thai có biểu hiện bất thường như thai đa ối, thiếu máu thai nhi.

Chụp MRI thai nhi cho thấy bướu bạch huyết to chèn ép đường thở của thai. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

U bạch huyết thường hình thành từ giai đoạn bào thai hoặc trẻ sinh dưới 5 tuổi. Nguyên nhân gây bệnh đến nay chưa được xác định rõ. Một số nghiên cứu cho rằng u bạch huyết được hình thành trong thai nhi do quá trình phát triển thai không đúng cách, có liên quan đột biến gene. Nang bạch huyết ở thai nhi có mối liên quan đến bất thường nhiễm sắc thể như Trisomy 13,18, 21, hội chứng Turner, hội chứng Noonan...

Ngoài chụp MRI thai, bác sĩ có thể chỉ định thêm chọc ối xét nghiệm nhiễm sắc thể để loại trừ bất thường nhiễm sắc thể, từ đó tư vấn phù hợp cho thai phụ.

ThS.BS La Hồng ChâuTrưởng đơn vị Hình ảnh học Sản Phụ khoa Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh và Điện quang can thiệp Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM

Độc giả gửi câu hỏi về sản phụ khoa tại đây để bác sĩ giải đáp
Tin liên quan
Tin Nổi bật