Hội chứng buồng trứng đa nang (Polycystic Ovary Syndrome - PCOS) là dạng rối loạn chuyển hóa và nội tiết toàn thân ở phụ nữ, làm tăng nồng độ hormone nam androgen trong cơ thể, rối loạn chu kỳ kinh nguyệt, hình thành nhiều nang nhỏ trong buồng trứng. Theo ThS.BS Huỳnh Kha, Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Quận 8 TP HCM (IVF Tâm Anh Quận 8), bệnh thường ảnh hưởng đến phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, song một số trường hợp khởi phát giai đoạn sớm ở tuổi dậy thì.
Hầu hết trường hợp chỉ phát hiện bệnh sau khi kết hôn và cố gắng thụ thai không thành công. Thời gian ảnh hưởng càng lâu dài càng khiến quá trình điều trị khó khăn hơn. Nhận biết và điều trị sớm giúp hạn chế mức độ ảnh hưởng của bệnh đến sức khỏe nói chung và sức khỏe sinh sản nói riêng.
Các dấu hiệu thường gặp của hội chứng này là rối loạn kinh nguyệt, tăng cân ở vùng bụng, rậm lông ở tay, ngực và bụng, mụn trứng cá, rụng tóc, thay đổi tâm lý... Trẻ gái trong giai đoạn dậy thì có nhiều thay đổi về tâm sinh lý. Theo bác sĩ Kha, phát hiện sớm các dấu hiệu buồng trứng đa nang thường khó khăn hơn so với phụ nữ trưởng thành. Chẩn đoán PCOS ở tuổi dậy thì thường áp dụng các tiêu chuẩn gồm trẻ bị rối loạn kinh nguyệt trong vòng hai năm sau chu kỳ kinh đầu tiên, mỗi năm có ít hơn 6 chu kỳ; có ít hơn 9 chu kỳ mỗi năm trong hoặc sau năm thứ 5 tính từ chu kỳ kinh đầu tiên; rong kinh.
Trường hợp rối loạn kinh nguyệt dưới hai năm được xem là nhóm có nguy cơ mắc PCOS. Các biểu hiện khác là mức độ rậm lông từ trung bình đến nặng, mụn trứng cá viêm trung bình hoặc nặng, kéo dài dai dẳng và đáp ứng kém với liệu pháp da liễu tại chỗ.
ThS.BS Huỳnh Kha siêu âm cho phụ nữ hiếm muộn. Ảnh minh họa: IVF Tâm Anh Quận 8
Đa nang buồng trứng dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe toàn thân, rối loạn các hoạt động cân bằng nội tiết tố, chuyển hóa. Về sức khỏe sinh sản, PCOS hình thành nhiều nang trứng nhỏ, ức chế sự trưởng thành và rụng trứng, rối loạn kinh nguyệt, thậm chí vô kinh, gây cản trở khả năng thụ thai tự nhiên. Sử dụng thuốc kích thích buồng trứng điều trị hỗ trợ sinh sản có thể khiến người bệnh bị quá kích buồng trứng. Đây là biến chứng nghiêm trọng cần được cấp cứu.
Bác sĩ Kha cho biết nguyên nhân gây PCOS ở độ tuổi dậy thì chưa được xác định cụ thể, tuy nhiên trẻ em gái dậy thì sớm có khả năng mắc hội chứng này cao hơn những trẻ khác. Ở bé gái dậy thì sớm, các kết quả chẩn đoán cho thấy tuyến thượng thận tăng cường sản xuất androgen khiến nồng độ hormone này trong cơ thể cao hơn, thúc đẩy quá trình tăng tiết bã nhờn gây mụn trứng cá và rối loạn phóng noãn.
Nếu bé gái trước 8 tuổi xuất hiện các triệu chứng dậy thì sớm như bắt đầu hành kinh, mọc lông nách, lông mu, ngực phát triển... phụ huynh cần đưa trẻ đến bệnh viện khám, kiểm tra sức khỏe và đánh giá toàn diện.
Khi được chẩn đoán tình trạng bệnh, trẻ được điều trị theo phương pháp phù hợp. Các phương pháp điều chỉnh lối sống khoa học giúp giảm nguy cơ mắc bệnh, kiểm soát hiệu quả các triệu chứng, gồm chế độ dinh dưỡng khoa học, hạn chế đồ ăn chiên rán nhiều dầu mỡ hoặc chế biến sẵn, thực phẩm đóng hộp... Tập thể dục đều đặn mỗi 30 phút mỗi ngày có tác dụng cải thiện sức khỏe, tăng cường hệ miễn dịch, góp phần phòng ngừa nhiều loại bệnh.
Trẻ vị thành niên cần ngủ đủ 8-10 giờ mỗi ngày. Thời gian học tập cần được sắp xếp hợp lý. Bác sĩ Kha khuyến cáo phụ huynh tránh thúc ép học quá sức hoặc gây căng thẳng, áp lực tâm lý cho trẻ. Phụ huynh nên quan tâm sự phát triển thể chất và tinh thần của con trong giai đoạn dậy thì do cơ thể có nhiều sự thay đổi lớn.
Kiểm tra sức khỏe định kỳ giúp phát hiện sớm các vấn đề bất thường sức khỏe, có hướng xử trí phù hợp. Nếu gia đình có người thân mắc PCOS, thăm khám định kỳ có thể sớm phát hiện bệnh ở trẻ vị thành niên ngay cả khi chưa có các triệu chứng điển hình.
Hoài Thương
Độc giả gửi câu hỏi về vô sinh hiếm muộn tại đây để bác sĩ giải đáp