'Học' hay 'làm tiến sĩ'?

31/12/2024
|
0 lượt xem
Giáo Dục Góc Nhìn
'Học' hay 'làm tiến sĩ'?

Tuy nhiên, cậu vẫn đắn đo chưa quyết định có nên dấn thân vào con đường ấy không. Theo cậu, số tiền học phí và những phí không tên phục vụ cho toàn khóa học cũng phải hơn vài trăm triệu đồng. Ngoài ra, cậu cũng nghi ngờ hiệu quả nghiên cứu khoa học khi không thể tham gia chương trình một cách toàn thời gian. Những ngờ vực của Trí cũng là nỗi lo chung của nhiều người, dẫn đến tình trạng nhiều trường đại học chỉ tuyển được rất ít nghiên cứu sinh.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học vừa qua, cả nước tuyển được 3.400 nghiên cứu sinh cho các chương trình đào tạo bậc Tiến sĩ, đạt 47% tổng chỉ tiêu. Những năm trước đó, các trường đại học cũng chỉ tuyển được không quá 42% tổng chỉ tiêu được phân bổ. Tính theo tỷ lệ dân số, quy mô đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam chỉ bằng một phần ba so với Malaysia hay Thái Lan, bằng một nửa của Singapore và một phần chín so với trung bình 38 nước trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD).

Tuy nhiên, với tôi, điều đáng lo ngại nằm ở chỗ khác.

Ở bậc đào tạo tiến sĩ, người ta vẫn thường mô tả công việc của các nghiên cứu sinh bằng cụm từ "học tiến sĩ". Câu chuyện bắt đầu từ đó - "học tiến sĩ" hay "làm tiến sĩ"?

Quy chế tuyển sinh và đào tạo bậc tiến sĩ ở Việt Nam hiện được điều chỉnh theo Thông tư số 18/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Theo Chương II của Thông tư, nghiên cứu sinh được tuyển theo quy trình tương tự các kỳ tuyển sinh khác. Ngoài ra, theo Chương I Điều 3 mục 3, khi nghiên cứu sinh đăng ký đủ 30 tín chỉ cho một năm học thì hình thức đào tạo được xác định là tập trung toàn thời gian. Bên cạnh đó, chương trình đào tạo tiến sĩ tại các trường đại học hiện nay nhìn chung bao gồm hai phần lớn. Trong phần đầu tiên, nghiên cứu sinh phải tham gia các môn học bổ sung và nâng cao. Phần thứ hai bắt đầu sau đó với các chuyên đề nghiên cứu cũng như luận án với sự tham gia của người hướng dẫn. Quy trình này cho thấy vai trò của nghiên cứu sinh cũng như mối quan hệ giữa nghiên cứu sinh với nhà trường không khác nhiều so với quan hệ sinh viên với nhà trường.

Tại Mỹ, Canada hay các nước châu Âu, tuyển nghiên cứu sinh là bước sau cùng của quá trình tuyển sinh đào tạo tiến sĩ. Trước tiên, êkíp của phòng nghiên cứu phải xây dựng được một đề án bao gồm các thông tin đầy đủ về nội dung của đề tài, nền tảng năng lực của thành viên chủ chốt cũng như kế hoạch nhân sự và tài chính. Đề án này, sau khi trải qua những vòng xét tuyển của những nguồn tài trợ khác nhau và được phê duyệt, sẽ bắt đầu được triển khai. Nếu trong đề án có phần việc với yêu cầu nhân sự tương ứng là một nghiên cứu sinh, thành viên chủ chốt của đề án sẽ tuyển chọn nhân sự phù hợp để bắt đầu quá trình đào tạo tiến sĩ.

Ứng viên ít nhất phải thỏa mãn những điều kiện tiên quyết về trình độ chuyên môn cũng như ngôn ngữ làm việc của nhà trường và của quốc gia. Nghiên cứu sinh cũng phải trải qua những môn học bắt buộc để đảm bảo kiến thức nền cho việc nghiên cứu nhưng luôn dưới sự giám sát từ đầu của người hướng dẫn. Ở đây, nghiên cứu sinh đóng vai trò là một cộng sự trong đề án - có thể hoàn toàn trong phạm vi phòng lab riêng lẻ, hoặc dưới hình thức liên kết với doanh nghiệp. Là nhân sự trong đề án nên nghiên cứu sinh cũng là người lao động toàn thời gian và được chi trả lương theo định mức. Nói cách khác, nghiên cứu sinh là một nhân sự có thời hạn của nhà trường.

Lúc còn là nghiên cứu sinh tại Pháp, tôi mang trong mình hai vai cùng lúc: học viên bậc đào tạo tiến sĩ và nhân sự trong dự án mà nghiên cứu của tôi là một phần trong đó. Thầy hướng dẫn cũng là người trực tiếp chọn tôi làm nghiên cứu sinh. Thầy hướng dẫn tôi chọn những môn học bổ sung nhằm đáp ứng chương trình đào tạo về mặt quy định cũng như bổ sung khả năng nghiên cứu của tôi. Tôi có góc làm việc riêng toàn thời gian của mình cũng như quyền sử dụng các tài nguyên của phòng lab phục vụ cho công việc. Vì vậy, với tôi, nghiên cứu sinh đang trong quá trình "làm tiến sĩ" chứ không đơn thuần chỉ là "học tiến sĩ".

Yêu cầu đầu ra của quá trình làm nghiên cứu sinh, nhất là những lĩnh vực như công nghệ, y học, khoa học tự nhiên, vì vậy cũng phải là những công bố được thừa nhận trong cộng đồng khoa học. Tiến sĩ vốn là bậc đào tạo dành cho những người quan tâm đến việc tìm tòi và phát hiện những cải tiến dựa trên kiến thức đã có, tạo ra thành quả nhất định thông qua nghiên cứu khoa học (thiết lập các thí nghiệm hoặc thu thập dữ liệu, thực hiện các kỹ thuật thống kê, phân tích), đóng góp vào phát triển khoa học hoặc vào sự tiến bộ của cuộc sống. Thế nên, chương trình đào tạo cần tập trung vào quá trình làm việc tìm tòi, nghiên cứu thay vì các lớp học như với sinh viên hay học sinh bậc dưới.

Quyết định làm nghiên cứu sinh vì thế thường là lựa chọn của những người muốn theo đuổi nghiên cứu khoa học, nhằm tạo ra những kết quả mới, hoặc những người làm việc trong môi trường hàn lâm; chứ không phải một lựa chọn nhằm mục đích "đủ bằng cấp", để thỏa mãn các điều kiện bổ nhiệm, hoặc đảm nhiệm công việc nào đó.

Trở lại với hoàn cảnh ở Việt Nam, nhiều trường đại học hiện không đủ điều kiện vật chất tối thiểu để mỗi giảng viên có góc làm việc riêng của mình. Thông tư 01/2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định cơ sở giáo dục đại học phải bố trí chỗ làm việc riêng biệt cho ít nhất 70% giảng viên. Con số 70% chứ không phải 100% vào thời điểm năm 2024 cũng đã là điều kiện khó khăn với khá nhiều trường. Vì vậy, thật khó để nhà trường có thể chia sẻ tài nguyên làm việc của mình cho các nghiên cứu sinh như một nhân sự có thời hạn.

Mặt khác, tài chính cung cấp cho các đề án nghiên cứu không đủ để có thể xem nghiên cứu sinh như người lao động với mức chi trả cho công việc toàn thời gian. Gánh nặng chi phí đè lên vai, khiến người nhiều nghiên cứu sinh tiến sĩ ở Việt Nam không kham nổi.

Trong điều kiện đào tạo bậc cao nhất còn nhiều hạn chế, việc tăng số lượng việc tăng số lượng chưa hẳn là một ý hay, quan trọng hơn là chất lượng, nhằm đào tạo một đội ngũ nhân lực có khả năng tự nghiên cứu.

Thay đổi tư duy "làm" tiến sĩ thay vì chỉ "học" tiến sĩ sẽ giúp nâng cao chất lượng đầu ra, xác định lại cách thức triển khai, từ đó giải quyết vấn đề đào tạo đúng và đủ thay vì lo lắng về chuyện ít hay nhiều tiến sĩ.

Võ Nhật Vinh

Tin liên quan
Tin Nổi bật