Hà Nội, vì sao xa là nhớ?

30/12/2024
|
0 lượt xem
Góc Nhìn Văn Hóa & Lối Sống
Hà Nội, vì sao xa là nhớ?

Bố tôi hy sinh khi mới 21 tuổi, vào ngày đầu tiên của Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946), trong trận đánh đầu tiên vào Câu lạc bộ sĩ quan Pháp tại thị xã Phủ Lạng Thương, nay là thành phố Bắc Giang, khi đó tôi chưa đầy một tháng tuổi.

Tôi nghe kể lại rằng trong ngày đầu kháng chiến chống Pháp, bộ đội ta ở Hà Nội đã phải nín lặng rút qua gầm cầu Long Biên để lên chiến khu Việt Bắc. Trong những năm khói lửa của cuộc chiến vệ quốc, năm 1949, nhạc sĩ Văn Cao sáng tác ca khúc "Tiến về Hà Nội". Quả là lãng mạn của hiện thực, 5 năm sau, bộ đội ta từ năm cửa ô tiến vào tiếp quản Hà Nội y như ca từ "Tiến về Hà Nội" đã mô tả.

Tôi tận mắt chứng kiến chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" 12 ngày đêm, điểm chốt để chấm dứt cuộc kháng chiến chống Mỹ thống nhất đất nước.

Từ hoang tàn do các cuộc chiến xâm lược gây ra, Hà Nội bắt tay vào Đổi Mới để gồng mình phát triển. Bước ra từ chiến tranh tàn khốc, năm 1999 Hà Nội được tổ chức UNESCO phong danh hiệu "Thành phố vì hòa bình" và năm 2019 được phong danh hiệu "Thành phố sáng tạo" nhằm tôn vinh nỗ lực của Hà Nội trong việc tái tạo chính mình.

Có một điều kỳ lạ, các sự kiện lịch sử lớn của Hà Nội và Việt Nam đều diễn ra vào mùa thu hay thu chớm sang đông. Mùa thu Hà Nội không chỉ giấu trong mình những tình yêu đẹp của đôi lứa, mà còn giấu trong mình những sự kiện lịch sử lớn của thành phố, của đất nước.

Mùa thu của Hà Nội có gì đó rất đặc biệt.

Có lần cố nhạc sĩ Phú Quang chuyện trò chầm chậm với tôi về mùa thu Hà Nội trong tâm trí ông, rồi ông bước tới piano và hát với tâm sự rất sâu lắng ca khúc của ông "Có phải mùa thu giấu em lâu đến thế? Phía cuối con đường anh kịp nhận ra em...".

Một lần khác, tôi vào TP HCM và ngồi ở một quán cà phê trên đường Đồng Khởi với cố nhạc sĩ Phú Quang và nhà thơ Thái Thăng Long. Câu chuyện lại quanh quẩn với nỗi nhớ về "một Hà Nội ngây ngất nắng, một Hà Nội run run heo may" - lời thơ trong bài "Mơ về nơi xa lắm" của anh Thái Thăng Long, được Phú Quang thổi hồn âm nhạc vào đó mà lan tỏa, len lỏi vào tâm hồn người nghe.

Mùa thu Hà Nội quả là khác thường, thậm chí là vô thường và đấy là môi trường nuôi dưỡng khối văn hóa đậm đặc chất Đông Đô - Thăng Long - Hà Nội.

Quê tôi ở ngoại thành, các thế hệ trước đã định cư tại huyện Gia Lâm từ thời Hậu Lê. Tôi có điều kiện được nghe kể lại về Hà Nội xưa có tên là Kẻ Chợ với các con phố mang tên nhiều loại hàng hóa, được nghe kể về trận vua Quang Trung đánh quân Thanh khiến địch phải chạy đến mức sập cầu qua sông Hồng mà chết như ngả rạ.

Tôi có người bạn định cư với con cái ở Sydney - thành phố thương mại lớn nhất của Australia. Gần đây về Hà Nội thăm nhà, bạn tôi nói là "Đường sá, nhà cửa ở Hà Nội chẳng khác gì ở Sydney, Hà Nội phát triển quá nhanh". Để người ở Hà Nội từ xưa nói về Hà Nội hôm nay mới thấy rõ sức vươn của người Hà Nội.

Một anh bạn khác người Uruguay, đã làm Kinh tế trưởng cho Ngân hàng Thế giới ở Hà Nội. Kể từ khi đến Hà Nội sống, anh đã đắm say thành phố này dưới góc nhìn về nghệ thuật kiến trúc. Theo anh, Hà Nội là một bảo tàng nghệ thuật của rất nhiều nền văn hóa khác nhau, từ kiến trúc Kẻ Chợ, kiến trúc hoàng thành của các triều đại phong kiến, kiến trúc Trung Hoa xưa tại các con phố của Hoa kiều, kiến trúc Pháp ở các con phố của Hà Nội cũ, tới kiến trúc Xô viết tại các khu tập thể, và đến giờ Hà Nội vẫn tiếp thu rất nhiều nghệ thuật kiến trúc từ các dân tộc khác nữa... Anh đã chụp ảnh và xuất bản cuốn sách về nghệ thuật kiến trúc lưu giữ tại Hà Nội. Sách của anh được UBND Hà Nội tặng Giải thưởng Bùi Xuân Phái. Chỉ riêng văn hóa kiến trúc của Hà Nội đã làm say lòng một trí thức Nam Mỹ.

Sinh sống hàng ngày ở Hà Nội, ta sẽ khó nhận ra hồn văn hóa đậm đặc, hay những bước phát triển nhanh chóng của Thủ đô.

Tôi từng xa Hà Nội tám năm, tôi hiểu nỗi nhớ Hà Nội, nỗi nhớ mà lúc nào cũng "mơ về nơi xa lắm", nơi có mùa thu se lạnh càng làm cho nỗi nhớ chất chồng cao hơn, vì mùa thu ấy chứa trong mình biết bao nhiêu hoài niệm và mong ngóng.

Đặng Hùng Võ

Tin liên quan
Tin Nổi bật