Giảm lãng phí bằng luật

30/12/2024
|
0 lượt xem
Chính Trị Góc Nhìn
Giảm lãng phí bằng luật

Đây là nỗ lực của chính quyền thành phố nhằm hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới - sáng tạo. Thông tin về ưu đãi miễn giảm thuế, hỗ trợ không hoàn lại dự án khởi nghiệp, thử nghiệm chính sách (sandbox) và thu hút chuyên gia mang tới sự hào hứng cho nhiều người.

Tuy nhiên, mối quan tâm của đa số doanh nghiệp không dừng lại ở cơ sở vật chất. "Trung tâm sẽ tập trung vào các lĩnh vực nào", một doanh nghiệp đặt câu hỏi. Doanh nghiệp khác thắc mắc: "Trung tâm liệu có hỗ trợ tháo gỡ các vướng mắc chính sách". Trong khuôn khổ của buổi trao đổi, câu trả lời xác đáng cho các vấn đề mang tính chiến lược này tạm bỏ ngỏ.

Người đứng đầu Đảng, Nhà nước gần đây chỉ ra một trong các dạng thức lãng phí đang nổi lên gay gắt: chất lượng làm luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn làm lãng phí thời gian, công sức doanh nghiệp và nguồn lực của xã hội.

Chẳng hạn, trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, hai năm sau khi tôi tham gia tư vấn cho các nhà sản xuất nước ngoài về trách nhiệm tái chế và xử lý rác thải, doanh nghiệp vẫn tiếp tục kiến nghị các bất cập của quy định do hệ sinh thái ngành tái chế của Việt Nam chưa phát triển. Tới nay, dự thảo sửa đổi Nghị định 08/2022 hướng dẫn thực thi Luật Bảo vệ môi trường vẫn trong quá trình hoàn thiện. Một mặt, các doanh nghiệp ủng hộ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nước, mặc khác, chỉ ra nhiều quy định chưa phù hợp với thực tiễn hoạt động sản xuất kinh doanh và năng lực của doanh nghiệp.

Trong lĩnh vực thương mại điện tử, đã hơn ba năm từ khi ngành hải quan đề nghị thu thuế nhập khẩu và giá trị gia tăng đối với đơn hàng giá trị thấp, tới nay, dự thảo quy định vẫn đang vướng tranh cãi. Nhiều đơn vị tham gia chuỗi giá trị thương mại điện tử đã nêu lo ngại về chi phí tuân thủ khổng lồ cho cả cơ quan hải quan lẫn doanh nghiệp chuyển phát, cùng với nguy cơ tắc nghẽn ở các cửa khẩu khi thực thi.

Tôi bắt đầu công việc làm báo vào thời điểm câu chuyện phân quyền cho địa phương, xóa bỏ giấy phép con, áp dụng hậu kiểm được khơi gợi. Sau gần 30 năm, đến nay, chừng ấy vấn đề vẫn trở đi trở lại. Chưa kể các vấn đề mới như bảo vệ dữ liệu cá nhân, quản lý và thu thuế các hoạt động kinh doanh trên mạng hoặc cấp phép hoạt động cho các mô hình kinh doanh mới. Khảo sát các doanh nghiệp châu Âu gần đây, ba phần tư công ty cho biết không tự tin vào khả năng tuân thủ các quy định mới về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Khối doanh nghiệp trong nước, đặc biệt ngành ngân hàng, cũng chỉ ra nhiều bất cập trong việc thực hiện các quy định này.

Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội đương nhiệm sẽ kéo dài 28 ngày và thảo luận 30 nội dung liên quan tới xây dựng luật. Trung bình một ngày, các đại biểu sẽ xem xét một dự luật. Làm việc trong lĩnh vực phân tích chính sách, tôi chứng kiến sự vất vả của các đơn vị và cá nhân được giao trọng trách soạn thảo luật ở các bộ ngành. Bên cạnh công việc thường nhật, các thành viên ban soạn thảo phải tổng kết việc thi hành pháp luật, đánh giá tác động, tiếp thu ý kiến thẩm định và hoàn thiện các tờ trình. Những nhiệm vụ này đòi hỏi chuyên môn sâu và chịu áp lực lớn về thời gian.

Trên lý thuyết, tình trạng vất vả này hoàn toàn có thể giảm bớt nếu công tác ban hành chính sách bám sát các nguyên tắc xây dựng luật. Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 đã nêu rõ các nguyên tắc này. Theo quan sát của riêng tôi, các nguyên tắc cơ bản như bảo đảm tính hợp hiến, tính công khai, tuân thủ thẩm quyền, và không xung đột với các điều ước quốc tế được thực hiện tương đối hiệu quả. Tuy nhiên, việc đảm bảo chính sách có tính khả thi luôn là vấn đề nóng trong hoạt động lập pháp và trong các buổi đối thoại với doanh nghiệp.

Trong các cuộc trao đổi với cơ quan quản lý, nhiều doanh nghiệp mong mỏi mời ban soạn thảo luật "đi thực tế" hoặc "vi hành" để nắm được các thách thức trong quá trình vận hành của doanh nghiệp. Nếu các chính sách bám sát thực tế, tình trạng làm luật "sửa đổi của sửa đổi", "bổ sung của bổ sung" sẽ được hạn chế, góp phần tiết kiệm nguồn lực và nâng cao hiệu quả quản lý.

Việc xây dựng luật cần gắn liền với nhu cầu của người dân và doanh nghiệp, đồng thời khuyến khích sự tham gia của người dân trong quá trình lập pháp. Không phải ai cũng biết, tất cả dự thảo luật đều được đưa lên trang web của cơ quan chủ trì soạn thảo, Bộ Tư pháp và Cổng thông tin điện tử Chính phủ để người dân góp ý trước khi ban hành. Tuy nhiên, rất nhiều trường hợp, chỉ khi đề xuất sắp tới vòng chung kết, nhờ sự phát hiện của báo chí, người dân và doanh nghiệp mới biết và tham gia phản biện.

Nhà nước và Quốc hội đặt mục tiêu đổi mới tư duy trong xây dựng luật để định hướng hoạt động của Quốc hội thời gian tới. Khối lượng lớn các văn bản luật cần gấp rút ban hành hoặc sửa đổi phản ánh nhu cầu cấp thiết hoàn thiện khuôn khổ chính sách, tạo động lực phát triển trong bối cảnh nền kinh tế dễ bị tổn thương bởi biến động địa chính trị và thiên tai. Trách nhiệm của Quốc hội là nặng nề nhưng nhiệm vụ của cử tri cũng quan trọng không kém. Các ý kiến đóng góp sẽ giúp các đại biểu hiểu rõ hơn nguyện vọng cộng đồng, từ đó nâng cao chất lượng của quá trình lập pháp.

Nâng cao chất lượng làm luật là cơ sở để xây dựng một hệ thống pháp luật hài hòa lợi ích của nhiều đối tượng khác nhau, đảm bảo công bằng trong cộng đồng và tránh lãng phí nguồn lực xã hội.

Cẩm Hà

Tin liên quan
Tin Nổi bật