Để bằng đại học 'có giá'

29/12/2024
|
0 lượt xem
Giáo Dục Góc Nhìn
Để bằng đại học 'có giá'

Khi các đại học trên toàn thế giới chuyển hướng từ đào tạo tinh hoa sang đào tạo đại chúng, bằng đại học trở nên phổ thông, mà nhiều người thường đùa là "phổ cập đại học". Một số quốc gia có tỉ lệ người trong độ tuổi lao động (25 tới 64) được đào tạo ít nhất một bằng cấp sau phổ thông đạt tới 50% hoặc cao hơn bao gồm Australia, Canada, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... Trong khi đó, số lượng công việc mới được sinh ra sẽ bị giới hạn nếu nền kinh tế quốc gia suy thoái. Rất nhiều nước, trong khi đẩy mạnh "xuất khẩu giáo dục" bằng cách thu hút sinh viên quốc tế, lại đồng thời siết chặt chính sách lao động với người nước ngoài để bảo vệ công ăn việc làm trong nước. Các doanh nghiệp cũng thường phản hồi rằng đào tạo ở đại học xa rời thực tiễn cuộc sống và nhu cầu doanh nghiệp, họ không nhận được những lao động sẵn sàng hoặc sớm sẵn sàng cho công việc, mà phải đào tạo lại. Tất cả những điều đó khiến tấm bằng đại học không còn là "bảo bối" việc làm cho thanh niên như vài thập kỷ về trước. Điều này đúng với cả Mỹ, Australia, châu Âu, không riêng Việt Nam.

Bản chất của bằng đại học là một chương trình đầu tư có chủ đích, không phải một lựa chọn ngẫu nhiên. Nếu như giáo dục phổ thông có tính bắt buộc để nâng cao dân trí, giáo dục đại học là một lựa chọn chủ động. Trong khi giáo dục phổ thông thường được các chính phủ bảo trợ như một quyền cơ bản của công dân, thì giáo dục đại học càng lúc càng được thương mại hóa. Rất nhiều nước châu Âu đã bỏ dần chính sách miễn phí đại học. Với các nhóm nước xuất khẩu giáo dục, tấm bằng đại học đắt đỏ hơn nhiều, như ở Anh, Mỹ, Australia, Canada... Sinh viên Mỹ không chỉ quan tâm đến học phí, mà thường phải tính toán rất kỹ món nợ phải trả cho chính phủ hoặc cho cha mẹ sau khi học xong, ngay cả khi họ chọn học tại bang nhà (home state) để được hưởng học phí dành cho các gia đình đóng thuế tại bang (in-state tuition).

Trong thời kỳ bao cấp và khi các đại học Việt Nam còn đào tạo theo hướng tinh hoa, một số nhỏ sinh viên được đảm bảo việc làm vì cầu nhiều hơn cung, do vậy việc duy nhất của sinh viên là học thật tốt và chờ phân công. Trong cơ chế thị trường, khi nhà tuyển dụng không chỉ có chính phủ, mà còn rất nhiều tổ chức, doanh nghiệp khác nhau, thì các sinh viên phải cạnh tranh để được bước chân vào những tổ chức tốt nhất (bản chất là lực lượng lao động tìm cơ hội tiếp cận tư liệu sản xuất), trong khi các đại học phải cạnh tranh để chứng minh với cả sinh viên và nhà tuyển dụng rằng mình đào tạo ra đúng những người mà tổ chức cần. Khi nền kinh tế không sản sinh đủ việc làm, sẽ có một tỉ lệ sinh viên gia nhập lực lượng thất nghiệp. Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo còn gia tăng mối đe dọa về việc "máy làm thay người" với hiệu suất cao hơn trong những năm tới.

Đứng trước bối cảnh kinh tế và việc làm toàn cầu không chắc chắn, người trẻ cần học như thế nào để bằng đại học vẫn có thể là "tấm hộ chiếu" mở cánh cửa nghề nghiệp tương lai?

Thứ nhất, chọn đại học gắn với mục tiêu. Trước hết phải trả lời câu hỏi: Học để làm gì? Chưa xác định được mục tiêu, vào đại học sẽ làm mất mát nguồn lực của cá nhân, gia đình và xã hội. Rất nhiều bạn trẻ ngày nay chấp nhận dành ra 1-2 năm gap year (năm tạm nghỉ) để thực sự suy ngẫm về việc mình là ai, mình muốn gì trước khi vào đại học. Quãng thời gian gap year đó không hề uổng phí, vì nó có ích hơn nhiều việc bạn lao vào học đại học đúng tuổi 18 mà không hề có mục tiêu.

Thứ hai, cần tính đầy đủ chi phí cơ hội. Quan niệm truyền thống "học càng nhiều càng tốt", "học không bổ dọc cũng bổ ngang" là không đúng trong kinh tế học, bởi lý thuyết chi phí cơ hội (cost of opportunity) cho chúng ta biết rằng, khi chọn học một thứ, ta có thể bỏ lỡ cơ hội học những thứ khác, do vậy cần có tính toán tối ưu. Tất nhiên, tối ưu ở đây chỉ có thể xác định được nếu đã có mục tiêu. Lấy mục tiêu để so sánh các lựa chọn sẽ giúp người học biết đâu là lựa chọn không liên quan, đâu là lựa chọn nhanh nhất để tới đích.

Thứ ba là không có đại học tốt nhất cho mọi người, mà chỉ có đại học phù hợp nhất. Một đại học Mỹ thường tuyển sinh dựa vào nhiều tiêu chí cùng lúc, như điểm trung bình môn ở phổ thông (GPA), điểm các bài thi chuẩn hóa (SAT, ACT, AP) kết hợp các yếu tố khác như bài luận, hồ sơ hoạt động ngoại khóa, phỏng vấn trực tiếp... nhằm đảm bảo sự tương thích cao nhất giữa người học với trường đại học.

Thứ tư là học tập chủ động. Thế giới không ngừng biến động, và thế giới việc làm cũng vậy. Có những nghề nghiệp mới ra đời, nhưng cũng có những nghề mất đi. Ngay trong cùng một công việc cũng có sự thay đổi. Do vậy, chỉ có thể thông qua học tập chủ động và liên tục, cập nhật chính mình và làm cho mình thích ứng với bối cảnh hiện tại và tương lai mới giúp người học trở thành người lao động có giá trị. Nếu như trước đây, cứ chọn học đúng một chuyên ngành sẽ giúp người học có một nghề trong tay, thì ngày nay tỷ lệ đó thấp dần. Nhiều người phải chấp nhận chuyển đổi, rẽ ngang, học lại (reskilling), học nâng cao (upskilling) bên ngoài tấm bằng đại học truyền thống.

Hệ thống đại học Mỹ cũng có sự cạnh tranh quyết liệt giữa các trường với triết lý khác nhau bao gồm đại học nghiên cứu (mạnh về nghiên cứu), đại học vùng (mạnh về đào tạo nghề và thực hành), đại học khai phóng (mạnh về kỹ năng, tư duy và kết nối liên ngành) và mỗi nhóm đều tự hào có thể tạo ra những sinh viên có ưu điểm riêng để sẵn sàng cho thị trường lao động. Do vậy, cũng không có cách học nào được coi là "tiêu chuẩn", mà mỗi người phải tự thiết kế một chiến lược học tập cho mình, chọn lấy những gì phù hợp.

Thứ năm, đừng tự giới hạn trong lựa chọn học đại học. Trong rất nhiều trường hợp, các khóa học cao đẳng, trung cấp, chứng chỉ... lại phù hợp hơn khi xét đến các yếu tố như yêu cầu cụ thể của nghề nghiệp, chi phí bỏ ra cùng thời gian hoàn vốn, bối cảnh việc làm tại địa phương, khoảng cách di chuyển... Ví dụ, nhiều học sinh không có khả năng nhập học đại học vì hoàn cảnh gia đình nhưng lại bỏ qua các lựa chọn gần nhà, với cơ hội việc làm tại chỗ. Trong khi một số nghề nghiệp chuyên môn bắt buộc phải có bằng đại học, một số nghề khác có tính linh hoạt hơn nhiều.

Cuối cùng, là xây dựng thương hiệu cá nhân. Trong khi các quốc gia, các trường đại học cũng phải cạnh tranh ở cấp độ toàn cầu để chứng tỏ giá trị của nền giáo dục mà mình cung cấp, thì sinh viên ngày nay cũng cần có chiến lược xây dựng thương hiệu cá nhân trước nhà tuyển dụng. Vì giá trị của bằng đại học, ở cấp độ cá nhân trong kết nối với xã hội, là giá trị mà nhà tuyển dụng đánh giá ứng viên.

Kỳ vọng với một tấm bằng đại học là người mang nó đã có khả năng tư duy độc lập, có năng lực tự học, nghiên cứu và thực hành một chuyên môn, nghề nghiệp suốt đời, sẵn sàng bước chân vào tổ chức để tạo ra giá trị. Rất nhiều nghiên cứu chỉ ra bằng đại học bị mất giá khi giáo dục đại học bị thương mại hóa: tuyển sinh tràn lan, dễ dãi, lạm phát điểm, chương trình học phớt lờ nhu cầu thực tiễn, chất lượng đào tạo không đáp ứng được tiêu chuẩn hành nghề của các hiệp hội, nghiệp đoàn chuyên môn... Những điều đó hầu như nằm ngoài tầm kiểm soát của chính người học. Người học chỉ có thể thông qua việc lựa chọn khôn ngoan, đặt ra mục tiêu cụ thể, nỗ lực để việc học của mình hướng tới giải quyết vấn đề của cuộc sống và xã hội.

Bản chất cao nhất của việc học là để giải quyết các vấn đề, cả lý luận lẫn thực tiễn. Bạn càng giải quyết được vấn đề to lớn, phức tạp và hữu ích, tấm bằng của chính bạn càng có giá.

Bùi Khánh Nguyên

Tin liên quan
Tin Nổi bật