Đau cổ, tê tay cảnh báo thoát vị đĩa đệm cổ

08/01/2025
|
0 lượt xem
Các Bệnh Cơ Xương Khớp Sức Khỏe Thần Kinh Cột Sống
Đau cổ, tê tay cảnh báo thoát vị đĩa đệm cổ

Khu vực cột sống cổ thường xuyên phải vận động, chịu áp lực lớn, khiến đĩa đệm dễ bị tổn thương và gây thoát vị. Thoát vị đĩa đệm cổ là tình trạng một hay nhiều đĩa đệm ở giữa những đốt sống cổ bị hư hại, trượt ra khỏi vị trí ban đầu, chèn ép lên tủy sống và các dây thần kinh trong ống sống, gây đau nhức và rối loạn cảm giác tại chỗ.

BS.CKI Lê Anh Khánh, chuyên khoa Cột sống, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7, cho biết một khi đĩa đệm đã thoát vị sẽ không thể điều trị khỏi hoàn toàn, rất khó trở về trạng thái ban đầu, ngay cả khi can thiệp phẫu thuật. Tuy nhiên, nếu được điều trị kịp thời và đúng cách, khả năng phục hồi lên tới 80-90%. Người bệnh nên chú ý các dấu hiệu bất thường, cảnh báo thoát vị đĩa đệm cổ.

Đau nhức cổ lan rộng: Ban đầu, cơn đau khởi phát ở một hay hai đốt sống cổ, sau đó lan đến vùng bả vai, cánh tay hay lan lên sau đầu, hốc mắt. Cơn đau tăng lên khi làm việc nặng và ngày càng nghiêm trọng hơn.

Đau cổ, lan xuống bả vai có thể là dấu hiệu cảnh báo thoát vị đĩa đệm cổ. Ảnh: Phi Hồng

Tê ở tay và chân: Nếu khối thoát vị chèn ép lên tủy sống, người bệnh sẽ có cảm giác tê từ cổ ra toàn thân rồi lan tới chân tay. Trường hợp chèn ép xảy ra tại dây thần kinh, người bệnh chỉ tê ở vùng cánh tay, bàn tay và ngón tay. Khi tình trạng tiến triển nặng, người bệnh có thể đau, tê bì một bên hay cả hai cánh tay, mất cảm giác khéo léo ở bàn tay.

Hạn chế vận động cổ và cánh tay: Người bệnh không thể đưa tay ra sau lưng hay giơ tay lên cao, đau và khó cúi, ngửa hay xoay cổ, có thể bị vẹo cổ. Ngoài ra, người bệnh có thể gặp khó khăn khi đi bộ, cảm giác căng cứng bắp chân.

Yếu cơ: Tình trạng này xảy ra khi khối đĩa đệm chèn ép lên tủy sống. Người bệnh đi lại không vững, dáng đi xiêu vẹo; gặp khó khăn khi thực hiện các cử động tinh vi ở bàn tay như dùng đũa, cài khuy áo, chữ viết xấu dần... Khi tình trạng yếu cơ tiến triển nặng, người bệnh sẽ thấy các thớ cơ vùng đùi và bắp chân rung lên mỗi khi vận động quá sức.

Dấu hiệu khác: Khi bị thoát vị đĩa đệm cột sống cổ, một số người bệnh có thể bị đau một bên lồng ngực, táo bón, khó tiểu, khó thở...

Bác sĩ Khánh giải thích tình trạng sức khỏe cột sống cho người bệnh. Ảnh minh họa: Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7

Những trường hợp bệnh nhẹ có thể được điều trị bảo tồn bằng thuốc, tập vật lý trị liệu... Tuy nhiên, sau khoảng 6-8 tuần điều trị nội khoa không hiệu quả hoặc các triệu chứng bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt hàng ngày của người bệnh, bác sĩ sẽ cân nhắc phẫu thuật.

Bác sĩ Khánh cho biết điều trị thoát vị đĩa đệm cổ hiện có tỷ lệ thành công cao nhờ vào sự phát triển của y học và công nghệ như hệ thống kính vi phẫu Zeiss giúp phóng to vị trí cần phẫu thuật lên hàng chục lần, hoặc máy chụp X-quang liên tục C-Arm đảm bảo các thao tác được thực hiện một cách chính xác, máy khoan cắt siêu âm Mixonix cho phép cắt bỏ cấu trúc xương bằng sóng siêu âm cao tần, không gây chảy máu và không tổn thương mô mềm... Tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, thông thường, người bệnh phẫu thuật cột sống có thể xuất viện chỉ sau vài ngày điều trị.

Phi Hồng

Độc giả gửi câu hỏi về bệnh cơ xương khớp tại đây để bác sĩ giải đáp
Tin liên quan
Tin Nổi bật