Đái tháo đường tuổi thiếu niên tăng

12/01/2025
|
0 lượt xem
Sức Khỏe Tin Tức
Đái tháo đường tuổi thiếu niên tăng

"Tôi rất lo, con còn nhỏ tuổi, không nghĩ bệnh tiểu đường", mẹ Minh nói. Cậu bé còn bị tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu - những căn bệnh phổ biến ở người lớn tuổi, chủ yếu do ảnh hưởng của lối sống.

Trước khi vào viện vài tuần, Minh ăn nhiều, tiểu nhiều, sụt cân, có gai đen ở cổ. Đây là triệu chứng báo hiệu đái tháo đường, song gia đình không biết. Đến khi cậu bé có biểu hiện thở mệt, sốt ho, phải vào viện do biến chứng nhiễm toan ceton, cả nhà mới biết con bệnh đái tháo đường.

Nhiễm toan ceton là biến chứng nghiêm trọng của đái tháo đường, xảy ra khi cơ thể sản sinh quá nhiều acid trong máu, có thể tử vong nhanh nếu không phát hiện và điều trị kịp thời. Tình trạng này thường biểu hiện thở nhanh, đau bụng, nôn ói, lơ mơ, rối loạn tri giác..., dễ bị chẩn đoán nhầm bệnh khác.

Minh không phải là trường hợp hiếm hoi phát hiện bệnh tiểu đường type 2 từ tuổi thiếu niên. TS.BS Huỳnh Thị Vũ Quỳnh, Trưởng Khoa Thận Nội tiết, Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết khoảng 5 năm trước, đái tháo đường type 2 chiếm chưa đến 10% các trường hợp đái tháo đường ở trẻ, song gần đây đã tăng lên 30-40%.

Truớc đây, hầu hết trẻ mắc đái tháo đường type 1 - xảy ra do hệ thống miễn dịch bị rối loạn, khiến tuyến tụy bị phá hủy, không còn khả năng sản xuất đủ insulin (hormone giúp hạ đường huyết). Việc rối loạn miễn dịch xảy ra thường do cơ địa đặc biệt của trẻ, dưới sự tác động của các tác nhân bên ngoài môi trường như độc chất, nhiễm trùng, nhiễm siêu vi... làm khởi phát đái tháo đường, gây khó khăn trong phòng ngừa. Trẻ có thể phát bệnh ở mọi lứa tuổi, thậm chí ngay từ lúc sơ sinh.

Trong khi đó, đái tháo đường type 2 xảy ra khi cơ thể trở nên kháng với insulin. Nguy cơ chính của bệnh là trẻ thừa cân, béo phì, ít hoạt động thể lực và có tiền sử gia đình mắc đái tháo đường. Nhiều trẻ phát hiện đái tháo đường type 2 từ tuổi dậy thì.

Giai đoạn đầu Minh phải sử dụng insulin, sau đó chuyển dần sang thuốc uống hạ đường huyết, kết hợp điều chỉnh chế độ ăn uống và sinh hoạt phù hợp để ổn định đường huyết. Ngoài ra, cậu bé phải giảm cân, dùng thuốc điều trị tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu.

Bác sĩ Quỳnh thăm khám, tư vấn cho bệnh nhi đái tháo đường tại Bệnh viện Nhi đồng 2. Ảnh: Lê Phương

Theo bác sĩ Quỳnh, trẻ mắc đái tháo đường phải điều trị vất vả hơn người lớn, bởi cơ thể trẻ còn đang tăng trưởng. Bên cạnh kiểm soát tốt đường huyết nhằm tránh biến chứng về sau, còn phải đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ phát triển. Chưa kể, trẻ sẽ dễ bị ảnh hưởng tâm lý, mặc cảm khi sống chung với bệnh mạn tính, dùng thuốc uống hoặc thuốc tiêm hàng ngày, ăn uống kiêng khem. Không ít trẻ trầm cảm, suy nghĩ tiêu cực sau một thời gian chống chọi bệnh, đòi hỏi sự đồng hành rất lớn của gia đình, xã hội.

Trẻ mắc đái tháo đường không thể đảo ngược bệnh, nhưng có thể phòng tránh hoặc làm chậm tiến trình xuất hiện các biến chứng, bằng cách tuân thủ điều trị lâu dài theo chỉ định của bác sĩ, theo dõi đường huyết thường xuyên, không tự ý ngưng thuốc. Nhiều phụ huynh chuyển sang cho con dùng thảo dược, các phương pháp dân gian, sau một thời gian quay trẻ phải lại viện với biến chứng nặng.

Không quản lý tốt, đái tháo đường có thể dẫn đến nhiều biến chứng lâu dài ở các cơ quan khác của cơ thể, bao gồm tim, mạch máu, dây thần kinh, mắt và thận. Bệnh nhân có thể diễn tiến suy thận giai đoạn cuối không thể hồi phục, bong võng mạc gây mù, loét bàn chân, hoại tử chân phải đoạn chi, đột quỵ, nhồi máu cơ tim...

Bác sĩ khuyến cáo phòng bệnh ở trẻ bằng cách kiểm soát cân nặng, tránh để thừa cân, béo phì. Ăn uống điều độ, tránh tiêu thụ quá nhiều đường, hạn chế thực phẩm chế biến sẵn, ăn nhiều chất xơ, rau củ, trái cây, ngũ cốc. Vận động, tập thể dục thường xuyên. Đi khám ngay khi có các triệu chứng như tiểu nhiều, khát nhiều, sụt cân.

Lê Phương

*Tên bệnh nhân đã được thay đổi

Tin liên quan
Tin Nổi bật