Cứu thai phụ tiền sản giật nặng khi sinh con lần 7

30/12/2024
|
0 lượt xem
Sức Khỏe Tin Tức
Cứu thai phụ tiền sản giật nặng khi sinh con lần 7

Người phụ nữ sống tại Đài Loan, dự định sinh con thứ 7 tại Việt Nam. Ở tuần thai 35, chị đau đầu, mất ngủ, uống thuốc giảm đau không hiệu quả. Sau đó, hai chân thai phụ phù to, huyết áp cao 159/95 mmHg, đau đầu dữ dội, co giật nhẹ, mắt nhìn mờ.

Khám tại Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội, thai phụ được chẩn đoán bị tiền sản giật, chỉ định nhập viện ở tuần thai 36. Song, tình trạng đau đầu của bệnh nhân không thuyên giảm, huyết áp không ổn định, các bác sĩ hội chẩn, chuyển mổ cấp cứu.

Ca mổ đã thành công, mẹ tròn con vuông, hiện sức khỏe ổn định.

Ngày 7/10, bác sĩ Cao Thị Thúy Hà, đánh giá đây là một ca tiền sản giật nặng với nhiều yếu tố rủi ro bao gồm: bệnh nhân lớn tuổi, đã trải qua nhiều lần sinh nở trước, tiền sử tiểu đường thai kỳ, béo phì. Sản phụ sinh thường 5 lần, song vào lần sinh bé thứ 6 xảy ra tình trạng băng huyết sau sinh, phải truyền máu 3 ngày sau đó.

"Cân nhắc đầy đủ tiền sử và tình trạng thực tế trong quá trình bệnh nhân nhập viện, chúng tôi đã thực hiện song song việc thắt động mạch tử cung trong khi mổ sinh và kết hợp các thuốc tăng co để ngăn ngừa băng huyết", bác sĩ Hà nói.

Thai phụ tiền sản giật nặng trong lần sinh thứ 7, được cấp cứu thành công. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Tiền sản giật là một biến chứng thai kỳ, đặc trưng bởi huyết áp cao và dễ gây tổn thương đến các cơ quan khác, thường là gan và thận. Hiện tượng này có thể xảy ra sớm sau tuần thai thứ 20, nhưng rất hiếm. Đa phần các triệu chứng chỉ xuất hiện sau tuần thai thứ 32 (khoảng 3 tháng cuối thai kỳ).

Tiền sản giật gây nguy cơ tăng trưởng chậm ở thai nhi, khiến con sinh ra nhẹ cân và suy dinh dưỡng, gây nên các biến chứng về tim mạch, thận cho mẹ bầu. Trong trường hợp nặng có thể ảnh hưởng tính mạng của cả mẹ bầu và em bé.

Dấu hiệu đầu tiên của tiền sản giật thường là tăng huyết áp thai kỳ. Vì vậy, thai phụ cần được theo dõi huyết áp từ những ngày đầu mang thai, đều đặn kiểm tra trong suốt thai kỳ. Huyết áp vượt quá 140/90 mmHg, được ghi nhận trong hai lần, cách nhau ít nhất 4 giờ, được đánh giá là bất thường.

Ngoài ra, các biểu hiện khác bao gồm: Protein dư thừa trong nước tiểu; nhức đầu dữ dội; thay đổi về thị lực, bao gồm mất thị lực tạm thời, mờ mắt hoặc nhạy cảm với ánh sáng; đau bụng trên, thường là phía bên phải dưới xương sườn; buồn nôn và nôn; lượng nước tiểu giảm; khó thở; tăng cân đột ngột (hơn 2kg/tuần); sưng (phù) đặc biệt là ở mặt và tay, chân.

Ở một số mẹ bầu, đôi khi các dấu hiệu diễn tiến âm thầm, khó nhận biết. Thai phụ nên đi thăm khám định kỳ với bác sĩ sản khoa để có thể tầm soát và đưa ra lộ trình điều trị hiệu quả nhất.

Lê Nga

Tin liên quan
Tin Nổi bật