Trả lời:
Vaccine phế cầu giúp phòng ngừa các bệnh nhiễm trùng do phế cầu khuẩn gây ra như viêm phổi, viêm màng não, viêm tai giữa, nhiễm trùng huyết... Còn vaccine cúm giúp cơ thể chống lại các chủng virus cúm lưu hành phổ biến gây viêm phổi, viêm tai giữa, viêm não...
Việc tiêm cúm và phế cầu cùng lúc sẽ giúp tăng cường khả năng đối phó với các mầm bệnh truyền nhiễm, giảm nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng hô hấp, nhập viện, tử vong và duy trì sức khỏe tốt hơn.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng phản ứng miễn dịch của cơ thể khi tiếp nhận cả hai loại vaccine này cùng lúc không bị giảm sút. Trẻ không gặp tình trạng gây quá tải hệ miễn dịch hoặc tăng phản ứng sau tiêm.
Vì vậy, bạn hoàn toàn có thể tiêm cúm và phế cầu cho con trong một buổi tiêm. Trước tiêm, bé sẽ được khám sàng lọc kỹ. Bác sĩ sẽ đánh giá tình hình sức khỏe trẻ, tiền sử bệnh lý và dị ứng để quyết định mũi tiêm phù hợp. Bạn cũng nên chuẩn bị kỹ các thông tin, chia sẻ kỹ với bác sĩ về các bệnh nếu trẻ đang mắc, cũng như các phản ứng sau khi tiêm các vaccine trước đó. Hai loại vaccine sẽ được tiêm ở các vị trí chi khác nhau.
Trẻ nhỏ tiêm vaccine tại VNVC. Ảnh: Diệu Thuần
Hiện Việt Nam có vaccine cúm tứ giá ngừa 4 chủng virus cúm gồm A/H1N1, A/H3N2, B/Victoria và B/Yamagata chỉ định cho trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên và người lớn. Trẻ từ 6 tháng đến dưới 9 tuổi cần tiêm hai mũi cách nhau tối thiểu một tháng nếu chưa từng tiêm phòng cúm trước đó. Trẻ từ chín tuổi và người lớn tiêm một mũi và tiêm nhắc lại hàng năm.
Với phế cầu, hiện có vaccine Synflorix (Bỉ) phòng 10 chủng phế cầu tiêm từ 6 tuần tuổi đến 5 tuổi. Còn Prevenar 13 (Mỹ) phòng 13 chủng phế cầu, tiêm từ 6 tuần tuổi đến người lớn.
Tùy độ tuổi, mỗi loại có số mũi tiêm khác nhau. Trẻ từ hai tuổi đã hoàn thành phác đồ tiêm hai vaccine phế cầu trên được khuyến cáo tiêm tiếp vaccine phế cầu 23, giúp ngừa đầy đủ các chủng phế cầu.
Bác sĩ Bùi Công SựQuản lý Y khoa Vùng 3 - Hệ thống tiêm chủng VNVC
Độc giả đặt câu hỏi tư vấn vaccine để bác sĩ trả lời tại đây.