Đầu tháng 8, TP-Link là hãng đầu tiên bán router hỗ trợ công nghệ Wi-Fi 7 tại Việt Nam là Archer BE230 với chuẩn wifi băng tần kép BE 3600, hỗ trợ Easy Mesh cùng nhiều tính năng. Gần đây, VNPT cũng giới thiệu mẫu router chuẩn wifi mới nhất được "made in Vietnam" đầu tiên là XGSPON. Tuy nhiên, nhiều người dùng phân vân việc mua ngay một thiết bị Wi-Fi 7 có thực sự cần thiết khi ngay cả các thiết bị Wi-Fi 6E cũng chưa quá phổ biến.
TP-Link Archer BE230 là router đầu tiên hỗ trợ Wi-Fi 7 bán tại Việt Nam. Ảnh: Tuấn Hưng
Wi-Fi 7 là gì
Wi-Fi 7 - thế hệ kế cận Wi-Fi 6E, vẫn hoạt động trên băng tần 2.4 GHz, 5 GHz, 6 GHz như thế hệ tiền nhiệm nhưng được cải thiện về mọi mặt bằng cách cung cấp nhiều băng thông tiềm năng hơn (cho tốc độ tải xuống nhanh hơn), kết nối theo nhóm giữa các băng tần (tăng độ ổn định) và sử dụng nhiều thủ thuật điều chỉnh tín hiệu nhằm xử lý tình huống nghẽn.
Công nghệ wifi mới nhất được phát triển dựa trên tiêu chuẩn IEEE 802.11be. Trong đó, "be" là để phân biệt với thế hệ Wi-Fi trước, như Wi-Fi 5 là 802.11ac, Wi-Fi 6 là 802.11ax. Tên gọi cũng cho thấy Wi-Fi 7 là bản nâng cấp của Wi-Fi 6, không hẳn là công nghệ hoàn toàn mới. Theo chuẩn này, tốc độ tối đa của Wi-Fi 7 đạt 30 Gb/giây, cao gấp ba lần mức 9,6 Gb/giây của Wi-Fi 6 và gần 10 lần mức 3,5 Gb/giây của Wi-Fi 5. Đây cũng là cơ sở để nhiều chuyên gia kỳ vọng Wi-Fi mới có thể thay mạng dây Ethernet.
Chuẩn mới cũng được giới thiệu mang đến khả năng trải nghiệm video chất lượng 8K nhưng đây không phải khác biệt quá lớn. Hiện tại, nội dung video phát chủ yếu ở Full HD, 2K, 4K và kể cả khi 8K đã trở nên phổ biến, các loại router hiện nay đang hỗ trợ tới Wi-Fi 6 hoặc 6E vẫn giải quyết tốt vấn đề này.
Wi-Fi 7 có thực sự nhanh hơn
Theo công bố từ Intel, một chiếc laptop hỗ trợ Wi-Fi 7 cơ bản có thể đạt tốc độ kết nối tiềm năng ở mức tối đa là 5,8 Gb/giây. Các chuyên gia cho rằng chỉ cần đạt một nửa, con số đó đã quá thừa thãi với người dùng đại chúng.
Bí quyết giúp chuẩn Wi-Fi mới có tốc độ nhanh như vậy nằm ở kích thước kênh băng rộng kết nối, hay hiểu đơn giản như "kích cỡ đường ống nơi dữ liệu chảy qua". Wi-Fi 7 được tăng gấp đôi kênh, đạt 320 MHz so với 160 MHz trên các bộ định tuyến hỗ trợ chuẩn Wi-Fi 5, 6 hay 6E. "Đường ống" rộng hơn giúp lượng dữ liệu đi qua đó nhiều hơn.
Công nghệ mới đồng thời hỗ trợ khả năng kết hợp nhiều băng tần vào một kết nối duy nhất (Multi-Link Operation hay MLO). Về lý thuyết, nếu người dùng tải một tập tin với tốc độ 1 Gb/giây trên băng 6 GHz và 700 Mb/giây trên băng 5 GHz thì MLO giúp cộng dồn kết quả trở thành 1,7 Gbps. Và nếu một trong số các kết nối bị đứt bởi bất kỳ lý do nào, thiết bị vẫn tiếp tục hoạt động ở băng tần còn lại.
Wi-Fi 7 hữu dụng trong xu hướng nhà thông minh
Nhà thông minh (smart home) là một xu hướng ngày càng phát triển thời gian gần đây, nhưng các thiết bị kết nối hiện tại vẫn thường xuyên "lag" và không phản hồi khi kết nối không dây trong nhà thiếu ổn định hay có nhiều máy cùng sử dụng. Điều này thực chất có thể được xử lý với các đặc tính của Wi-Fi 7.
Hiện nay, một trong những trở ngại lớn nhất của đường truyền không dây là thời gian phát sóng. Nếu bộ định tuyến đang "bận rộn" vì kết nối với một hoặc nhiều thiết bị khác (số lượng và chất lượng tùy thuộc tiêu chuẩn đang sử dụng), các máy khác muốn kết nối và được phản hồi buộc phải chờ tới lượt. Điều này có thể xảy ra chỉ trong một phần nhỏ của mỗi giây, nhưng khi nhiều thiết bị cùng muốn kết nối tới bộ định tuyến, thời gian "xếp hàng" thực tế sẽ phải tăng lên. Do đó, khi thiết bị thông minh trong nhà bỗng nhiên hoạt động chậm thì khả năng cao chúng đang phải chờ tới lượt được phản hồi.
Router hỗ trợ Wi-Fi 7 có điểm mạnh hỗ trợ nhà thông minh. Ảnh: Tuấn Hưng
Wi-Fi 7 sẽ xử lý vấn đề trên bằng cách thêm dữ liệu vào sóng mạng bằng kỹ thuật OFDMA. Trên Wi-Fi 6E có trang bị tương tự, nhưng sự can nhiễu có thể khiến bộ định tuyến và thiết bị không thể sử dụng các sóng mạng này. Còn trên chuẩn mới, Wi-Fi 7 sẽ bỏ qua hiện tượng can nhiễu tín hiệu và đặt phần còn lại của dữ liệu vào các bit (đơn vị thông tin) rõ ràng. Quá trình "bỏ qua" này có thể hình dung giống như hiện tượng nước chảy gặp hòn đá cản lại sẽ đi vòng qua và tiếp tục gặp nhau, nhập vào như ban đầu ở phía sau vật chắn đó.
Tuy nhiên, OFDMA lại không tương thích ngược với các thiết bị cũ nên khi bộ định tuyến Wi-Fi 7 gặp thiết bị thông minh sử dụng chuẩn thấp (ví dụ Wi-Fi 4) sẽ phải phản hồi theo điều kiện riêng. Và lúc này, thiết bị lại quay về hàng chờ tới lượt. Tóm lại, Wi-Fi 7 sẽ giải quyết được tính hiệu quả của trang bị nhà thông minh, nhưng với điều kiện đó phải là các thiết bị mới.
Có nên mua bộ định tuyến Wi-Fi 7 từ bây giờ
Hệ thống mesh hiện nay được xem là cách tối ưu để bao phủ kết nối Internet không dây trong không gian sinh hoạt, nhưng chỉ dựa vào kết nối duy nhất để truyền tải. Khi băng tần đó bị nghẽn, bộ định tuyến buộc phải chuyển sang băng tần khác, từ đó gây ảnh hưởng đến thông lượng dữ liệu trên hệ thống. Hệ thống mạng Wi-Fi 7 thông qua MLO có thể chuyển đổi tự do các băng tần, mang tới trải nghiệm liền mạch, không nhận ra sự cố mất kết nối ở một băng tần nào đó trên hệ thống.
Với MLO và OFDMA, người dùng cũng ít gặp tình trạng mạng lag khi dùng Wi-Fi 7. Với khả năng kết nối và dung hợp đa băng tần cùng lúc, đồng thời điều chỉnh tín hiệu bỏ qua can nhiễu, chất lượng kết nối sẽ thông suốt hơn so với những công nghệ cũ.
Nếu người dùng đang cần mua một bộ phát sóng wifi mới, nhiều khả năng đó nên là Wi-Fi 7 bởi đây là đầu tư cho tương lai. Trong khi đó, nếu đang có một bộ router dùng Wi-Fi 6 hoặc 6E, đây chưa phải thời điểm nên nâng cấp.
Với những người muốn xây dựng hệ thống nhà thông minh, router Wi-Fi 7 là thiết bị nên có bởi các đặc tính được tối ưu cho nền tảng này. Thiết bị IoT từ các hãng cũng đã bắt đầu hỗ trợ chuẩn mới từ năm nay. Những router như TP-Link Archer BE230 có khả năng chịu tải nhiều thiết bị thông minh, ít độ trễ và mức giá khoảng 2,6 triệu đồng không cao hơn đáng kể Wi-Fi 6E cùng phân khúc.