Độc giả Thanh Nhàn
Luật sư tư vấn:
Căn cứ khoản 2 Điều 5 và Điều 8 Nghị định 123/2024/NĐ-CP (hiệu lực từ ngày 4/10/2024), đối với hành vi chuyển đất trồng lúa sang đất ở mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép (thực hiện trái phép) thuộc địa giới hành chính của xã thì hình thức và mức phạt như sau:
- Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30.000.000 triệu đồng đối với diện tích đất từ dưới 0,01 héc ta.
- Phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 50 triệu đồng đối với diện tích đất từ 0,01 héc ta đến dưới 0,03 héc ta.
- Phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với diện tích đất từ 0,03 héc ta đến dưới 0,05 héc ta.
- Phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 150 triệu đồng đối với diện tích đất từ 0,05 héc ta đến dưới 0,1 héc ta.
- Phạt tiền từ 150 triệu đồng đến 200 triệu đồng đối với diện tích đất từ 0,1 héc ta trở lên.
Đối với hành vi chuyển đất trồng lúa sang đất ở trái phép thuộc địa giới hành chính của phường, thị trấn thì hình thức và mức xử phạt bằng 2 lần mức phạt nêu trên.
Mức phạt tiền nêu trên là áp dụng đối với cá nhân vi phạm, trường hợp tổ chức vi phạm thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Ngoài việc bị phạt tiền nêu trên thì cá nhân, tổ chức vi phạm còn phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 139 Luật Đất đai 2024; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
Điều 35 Nghị định 123/2024/NĐ-CP quy định rõ về điều khoản chuyển tiếp như sau:
- Hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai xảy ra trước ngày 4/10/2024 thì áp dụng quy định về xử phạt vi phạm hành chính như sau:
+ Trường hợp đã lập biên bản và đã có quyết định xử phạt nhưng chưa thực hiện xong quyết định xử phạt thì tiếp tục thực hiện theo quyết định đã ban hành.
+ Trường hợp hành vi vi phạm hành chính đã lập biên bản vi phạm hành chính mà chưa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì xử lý như sau:
Trường hợp hết thời hiệu, thời hạn ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì không ban hành quyết định xử phạt nhưng phải ban hành quyết định áp dụng hình thức tịch thu các giấy tờ đã bị tẩy xóa, sửa chữa, làm sai lệch nội dung; giấy tờ giả đã sử dụng và biện pháp khắc phục hậu quả (nếu có). Việc áp dụng hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả thực hiện theo Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính. Trường hợp Nghị định 123/2024/NĐ-CP không quy định trách nhiệm pháp lý hoặc quy định trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn thì áp dụng theo Nghị định 123/2024/NĐ-CP.
Trường hợp còn thời hạn ban hành quyết định xử phạt thì mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả áp dụng theo Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính. Trường hợp Nghị định 123/2024/NĐ-CP không quy định trách nhiệm pháp lý hoặc quy định trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn thì áp dụng theo Nghị định 123/2024/NĐ-CP.
- Việc xác định nộp số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm đã xảy ra trước ngày 4/10/2024 thì thời gian xác định số lợi bất hợp pháp phải nộp được tính từ khi Nghị định có quy định hành vi vi phạm phải nộp số lợi bất hợp pháp có hiệu lực hoặc tính từ ngày xảy ra vi phạm nếu vi phạm xảy ra sau ngày Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về đất đai đầu tiên có quy định phải nộp số lợi bất hợp pháp đã có hiệu lực. Việc tính số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm được thực hiện theo Nghị định 123/2024/NĐ-CP.
- Đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đã được ban hành hoặc đã được thi hành xong trước ngày 4/10/2024 mà cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính còn khiếu nại thì áp dụng quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai tại thời điểm ban hành quyết định xử phạt để giải quyết.
Luật sư Phạm Thanh HữuĐoàn luật sư TP HCM