Ban kỹ thuật chúng tôi, bên cạnh việc đảm bảo sự an toàn và hoạt động ổn định của 56 nhà máy điện hạt nhân rải rác trên toàn nước Pháp, còn tham gia nhiều khía cạnh của những đại công trường xây mới các nhà máy hạt nhân thế hệ III cải tiến đã, đang và sẽ thành hình.
Đã hơn 20 năm, người ta mới lại thấy nước Pháp xôn xao với những dự án xây mới hạt nhân: thêm một tổ máy nối lưới cuối năm 2024 cùng ít nhất sáu tổ máy sẽ được xây dựng và đi vào hoạt động trước 2035. Với giá trị lên tới nhiều tỷ euro cho mỗi tổ máy, áp lực khủng khiếp từ nhiều phía (tiến độ, việc siết chặt các chỉ số an toàn, sự chống đối của các tổ chức bài hạt nhân, quan điểm chia rẽ về hạt nhân của các đồng minh châu Âu), Tập đoàn Điện lực Pháp đối diện với những bài toán không dễ tìm ra lời giải...
Từ góc nhìn của một người trong ngành năng lượng, tôi vẫn theo sát những biến chuyển trong nước về Quy hoạch điện, đặc biệt liên quan đến điện hạt nhân. Tại phiên chất vấn chiều 12/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Chính phủ đã đề xuất cấp có thẩm quyền và được đồng ý về chủ trương tái khởi động điện hạt nhân. Từ kinh nghiệm trong ngành hạt nhân trên 10 năm ở Pháp, tôi ủng hộ điện hạt nhân như một giải pháp tối ưu giúp Việt Nam đạt an ninh năng lượng và hoàn thành mục tiêu Net Zero. Mặt khác, tôi đủ lý tính để biết rằng lựa chọn ấy không hề dễ dàng, chỉ nói một chữ có hay không, không thể mang nguyên câu chuyện của Pháp, Trung Quốc hay Mỹ áp vào hoàn cảnh Việt Nam. Rất nhiều điều kiện cần và đủ phải được đem ra để cân nhắc.
Định hướng quy hoạch ngành điện là vấn đề cần thảo luận và thống nhất đầu tiên.
Khi tôi hoàn thành luận án Tiến sĩ, vào năm 2016, với chủ đề nghiên cứu liên quan đến tuổi thọ nhà máy hạt nhân, cũng là lúc Việt Nam quyết định gác lại dự án Điện hạt nhân tại Ninh Thuận. Thời điểm ấy, tôi đã tiếc nuối nghĩ rằng đó là sự lãng phí lớn. Nhưng khi đã đi xa thêm và hiểu sâu hơn về điện hạt nhân, tôi hiểu quyết định năm 2016 của Chính phủ là khó khăn nhưng cần thiết. Đặt trong bối cảnh ngành hạt nhân toàn cầu lao đao vì cú sốc thảm họa sóng thần - hạt nhân năm 2011 tại Fukushima (Nhật Bản) mà chưa có lời giải thấu đáo, thực sự rất mạo hiểm nếu khởi công xây dựng nhà máy hạt nhân khi Việt Nam chỉ có một đội ngũ kỹ thuật non trẻ mới được đào tạo và còn thiếu khung pháp lý và kinh nghiệm xử lý khủng hoảng hạt nhân.
Nhưng khi mà tốc độ tăng trưởng tiếp tục duy trì ở mức 6-7% hàng năm, cùng với việc tham gia Công ước Paris và tiến tới mục tiêu Net Zero, dự án điện hạt nhân lại được đặt lên bàn thảo luận như một điều tất yếu, dù Quy hoạch điện VIII đã được thông qua thiếu vắng dạng năng lượng đặc thù này. Câu hỏi đặt ra là: Làm sao tránh được quyết định đáng tiếc của dự án Ninh Thuận 2016?
Với tác động lên nhiều mặt của cuộc sống, điện hạt nhân là một cam kết dài hơi của Chính phủ, của các Bộ ban ngành và của toàn dân. Về mặt kỹ thuật, bên cạnh các yếu tố liên quan trực tiếp đến việc xây lắp, vận hành, an toàn hạt nhân, việc điều chỉnh lại cơ cấu điện cũng cần được xem xét chi tiết trong Quy hoạch điện sửa đổi. Với khả năng linh hoạt và công suất lớn trên diện tích đất hạn chế, điện hạt nhân có thể trở thành nguồn cấp điện nền vững chắc, xả thải CO2 cực thấp, hỗ trợ cho các dạng năng lượng tái tạo có tính biến động cao.
Hạt nhân, dù phục vụ hoàn toàn cho mục đích dân sự và hòa bình, vẫn nằm trong mối ràng buộc phức tạp của địa chính trị thế giới. Câu chuyện về Zaporizhzhia, nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu và số 9 thế giới, trong khói lửa xung đột Ukraina và Nga; hay về nhà máy điện hạt nhân Bataan-I của Philippines khởi công năm 1976, với tổng kinh phí lên đến 10% GDP cả nước, nhưng không thể sản xuất được một kWh điện nào vì những rắc rối về pháp lý... là những bài học lịch sử không thể quên. Một mặt, tính ổn định chính trị cao của Việt Nam là một lợi thế lớn trong việc phát triển điện hạt nhân. Mặt khác, vị thế và quan hệ đối ngoại của Việt Nam với các nước sẽ ít nhiều thay đổi với việc hiện diện của điện hạt nhân trước các vấn đề như: đấu thầu và chọn thầu xây dựng nhà máy hạt nhân, sự hiện diện của đội ngũ chuyên gia hạt nhân, nguồn cung Uranium với một số ít nước sở hữu, liên hệ với Ủy ban Năng lượng Hạt nhân quốc tế (IAEA) liên quan đến việc đảm bảo an toàn hạt nhân...
Vật lực là yếu tố quan trọng khác, bởi chi phí là một trong những trở ngại lớn nhất ngăn điện hạt nhân trở thành "hoàn hảo". Đặc biệt, chi phí đầu tư ban đầu cực lớn với thời gian thi công tương đối dài là những bài toán mà Việt Nam phải đối mặt khi đưa điện hạt nhân vào cơ cấu điện. Nếu chọn tổ máy cỡ lớn công suất 1600 MW của Pháp với tiêu chuẩn an toàn tối ưu nhất, chi phí xây dựng có thể lên đến 10 tỷ USD (tương đương gần 3% GDP năm 2023 của Việt Nam), với tổng thời gian thi công trên dưới 90 tháng. Với chi phí đầu tư ban đầu khổng lồ ấy, việc cân đối ngân sách công cùng với điều chỉnh giá điện trong quá trình xây dựng nhà máy điện hạt nhân và sau khi đưa điện hạt nhân hòa lưới điện là một bài toán kinh tế nhiều biến số. Cần nhấn mạnh rằng, việc thay thế nhiệt điện than giá rẻ bằng các dạng năng lượng tiên tiến và phát thải thấp như điện hạt nhân hay điện tái tạo sẽ kéo giá điện lên đáng kể. Giá thành các mặt hàng cũng sẽ tăng theo, tạo những xáo động nhất định trong cơ cấu kinh tế. Việc lựa chọn các tổ máy hạt nhân cỡ nhỏ thế hệ III (SMR - small modular reactor) cũng là một giải pháp tốt có thể xem xét đến với nhiều lợi thế: chi phí đầu tư ban đầu nhỏ, tận dụng được hiệu ứng dây chuyền để giảm thời gian và giá thành...
Một trong những lợi thế của điện hạt nhân là công suất lớn trên một diện tích đất tập trung. Thế nhưng, địa điểm được chọn để xây dựng nhà máy điện hạt nhân cũng phải đạt những tiêu chuẩn ngặt nghèo: tính ổn định nền đất, nước làm mát, thiên tai, dân cư... Ninh Thuận được lựa chọn không hề ngẫu nhiên. Có điều, khi dự án dừng lại năm 2016, vùng đất đắc địa được chọn đã chuyển đổi sang những mục đích khác nhau. Việc trở lại vùng đất ấy hay tiến hành quan trắc để tìm ra một điểm trú chân mới cho nhà máy điện hạt nhân vẫn là câu hỏi cần có lời đáp trong thời gian sớm nhất.
Thứ ba là vấn đề nhân lực. Với nhà máy điện hạt nhân tại Đà Lạt cùng bề dày của ngành nghiên cứu hạt nhân, Việt Nam có những nền tảng nhất định về khoa học cơ bản để phát triển điện hạt nhân. Thêm nữa, những cán bộ kỹ thuật được đào tạo tiền dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 2016 là một bước đệm đáng giá của nước ta. Những kiến thức họ đã được đào tạo và phần nào sử dụng trong những cơ quan khác nhau liên quan đến hạt nhân từ 2016 đến nay sẽ rất có ích cho việc phát triển đội ngũ kế cận.
Mặt khác, việc khởi động lại các hợp tác quốc tế là chìa khóa giúp Việt Nam tự chủ nguồn nhân lực trên con đường dài phát triển điện hạt nhân. Không chỉ gói gọn trong chuyên ngành vật lý hạt nhân, rất nhiều ngành học khác liên quan đều cần được đẩy mạnh hợp tác quốc tế và điều chỉnh theo hướng liên quan đến hạt nhân: cơ học chất rắn và chất lỏng, hóa học, hệ thống điện, xây dựng... Với bề dày lịch sử trong ngành điện hạt nhân cùng những kinh nghiệm quý báu được cập nhật theo những tiêu chuẩn an toàn mới nhất, Pháp, Mỹ, Hàn Quốc, Nga, Trung Quốc đều có thể trở thành đối tác chiến lược cho những hợp tác này. Cần lưu ý rằng, việc lựa chọn quốc gia để gửi người đi đào tạo phụ thuộc vào đối tác được chọn để xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở nước ta. Bởi bên cạnh những kiến thức nền tảng chung, mỗi dạng nhà máy hạt nhân lại có những đặc điểm riêng biệt và những tiêu chuẩn an toàn đặc thù, dẫn tới những yêu cầu khác nhau cho đội ngũ kỹ sư.
Còn một chặng đường dài nữa, với những vấn đề hóc búa phải giải quyết, để điện hạt nhân trở thành một phần của Quy hoạch điện sửa đổi, nhưng tôi tin lựa chọn ấy của Chính phủ là đúng đắn và cần thiết để tiến tới phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.
Phạm Tuấn Hiệp