Đối với Ngoại trưởng Iran Abbas Araqchi, cuộc tập kích tên lửa vào Israel hôm 1/10 đã "khép lại, trừ khi chính quyền Tel Aviv quyết định trả đũa thêm".
"Trong kịch bản đó, phản ứng của chúng tôi sẽ mạnh mẽ và quyết liệt hơn", Araqchi, người từng là thành viên cấp cao thuộc nhóm đàm phán hạt nhân của Iran, viết trên mạng xã hội X.
Iran đến nay vẫn giải thích rằng cuộc tấn công, với gần 200 tên lửa được phóng đi, là nhằm đáp trả Israel sau các vụ hạ sát lãnh đạo Hezbollah cũng như vì chiến dịch trên bộ mà nước này đang tiến hành ở Lebanon. Tehran tuyên bố đây là "quyền tự vệ" mà họ được phép tiến hành theo hiến chương Liên Hợp Quốc, sau các "hành động hung hăng" của Israel.
Hệ thống Vòm Sắt ngăn chặn tên lửa trên bầu trời nhìn từ thành phố Ashkelon, Israel, hôm 1/10. Ảnh: Reuters
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu trong khi đó tuyên bố sẽ đáp trả. "Iran đã phạm một sai lầm lớn và họ sẽ phải trả giá", ông nói. Mỹ cho biết sẽ hỗ trợ Israel để đảm bảo Iran phải lĩnh "hậu quả nghiêm trọng", dù phản đối Tel Aviv tấn công vào các cơ sở hạt nhân của Tehran.
Những tuyên bố từ cả Iran và Israel đều cho thấy ngòi nổ xung đột giữa hai nước sẵn sàng bùng phát bất cứ lúc nào.
Theo giới quan sát, cuộc tập kích tên lửa của Iran có thể chỉ gây ra thiệt hại quân sự tối thiểu cho Israel nhưng Tehran dường như coi đây là động thái quan trọng để củng cố động lực ủng hộ trong khu vực và là tín hiệu gửi tới các cường quốc phương Tây rằng nếu không nhanh chóng gây áp lực ngoại giao lên Tel Aviv, xung đột có thể leo thang hơn nữa.
Trong nỗ lực cải thiện quan hệ với phương Tây để giảm bớt sức ép kinh tế vì các lệnh trừng phạt, Iran đã giữ thái độ kiềm chế sau vụ ám sát lãnh đạo chính trị Hamas Ismail Haniyeh tại Tehran hồi tháng 7 và khi Israel tăng cường áp lực lên Hezbollah những tuần gần đây, mà đỉnh điểm là vụ hạ sát thủ lĩnh Hassan Nasrallah.
Nhưng khi không có bất kỳ giải pháp ngoại giao cụ thể nào khả thi, Iran buộc phải thay đổi chiến lược khu vực của mình. Thay vì dựa vào các lực lượng đối tác trong "Trục Kháng chiến" mà họ xây dựng ở Trung Đông nhằm chống lại Tel Aviv, Tehran quyết định "lấy công làm thủ", tung đòn tập kích trực diện vào lãnh thổ Israel.
Ngay cả khi phải đối mặt với nguy cơ bị Israel đáp trả dữ dội dẫn tới quyền lực trong nước bị suy yếu, giới lãnh đạo Iran dường như vẫn lo ngại rằng cái giá phải trả cho việc không hành động còn cao hơn, khi nỗi bất an sẽ lan rộng khắp các lực lượng đồng minh trong "trục kháng chiến" của họ.
"Lợi thế chiến lược của Iran là duy trì được niềm tin và lòng trung thành của các thành viên trục kháng chiến trên khắp khu vực, từ đó phát huy ảnh hưởng của họ", Maha Yahya, giám đốc Trung tâm Carnegie Trung Đông, trụ sở tại thủ đô Beirut, Lebanon, bình luận.
Giờ đây, sau khi tung đòn tấn công tên lửa đạn đạo quy mô lớn vào Israel, Iran cũng có thể dựa vào những đồng minh khu vực để tạo thêm thách thức cho đối phương, qua đó làm giảm khả năng trả đũa của Tel Aviv, giới phân tích đánh giá.
"Các tay súng từ Syria, Yemen và Afghanistan từng cam kết đoàn kết với Hezbollah và sẵn sàng chiến đấu nếu được yêu cầu", Burcu Ozcelik, chuyên gia cấp cao về an ninh Trung Đông tại Viện An ninh và Quốc phòng Hoàng gia Anh (RUSI), trụ sở tại London, cho hay.
Theo bà, việc tăng cường tác động tiềm tàng từ các lực lượng đồng minh là một phần không thể thiếu trong chính sách an ninh hai trụ cột của Iran, gồm năng lực hạt nhân và mạng lưới "Vành đai Lửa", gồm Hezbollah ở Lebanon, Hamas và Jihad Hồi giáo ở Gaza, các nhóm vũ trang ở Syria và Iraq và Houthi ở Yemen.
Lực lượng Houthi ở Yemen và dân quân Hồi giáo dòng Shiite ở Iraq đến nay chưa thể gây sức ép đủ lớn lên Israel bằng các cuộc tấn công tên lửa, rocket của mình, song họ vẫn còn những đòn bẩy khác chưa được sử dụng. Dân quân Iraq vẫn có thể gây thiệt hại cho các căn cứ quân sự Mỹ, đồng minh thân cận nhất với Israel, ngay bên trong Iraq.
Mặt khác, Iran cũng có thể giành được ủng hộ từ các đối thủ của Mỹ như Trung Quốc hay Nga khi khiến tình trạng hỗn loạn trong khu vực trở nên trầm trọng hơn, từ đó gia tăng áp lực lên Washington.
Mặc dù diễn biến khu vực thời gian qua có vẻ tồi tệ đối với các đồng minh của Iran, đặc biệt là Hezbollah, nhiều nhà phân tích dự đoán tình hình có thể thay đổi nếu Israel tiếp tục thúc đẩy "chiến dịch trên bộ hạn chế" và sa lầy ở Lebanon.
Các tay súng Hezbollah trong cuộc diễn tập ở Aaramta, miền nam Lebanon, tháng 5/2023. Ảnh: Reuters
Yahya gọi khả năng đó là "món quà cho Hezbollah", lực lượng rất thông thạo chiến tranh du kích có thể khiến quân đội Israel gặp khó khăn và trả cái giá đắt hơn so với việc chỉ thực hiện các cuộc không kích.
"Israel sẽ không thể nhanh chóng nghiền nát Hezbollah", Kassem Kassir, chuyên gia về Hezbollah đến từ Lebanon, cho hay. "Cuộc chiến có thể sẽ kéo dài".
Ngoài lực lượng Hezbollah ở Lebanon, Iran còn dựa vào một chiến lược phòng bị khác để răn đe Israel là kho tên lửa phong phú và uy lực của mình. Theo báo cáo năm 2021 của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Tehran sở hữu hàng nghìn tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình với nhiều tầm bắn khác nhau.
Không rõ số lượng chính xác cho từng loại tên lửa, nhưng tướng không quân Mỹ Kenneth McKenzie hồi năm ngoái nói trước quốc hội rằng Iran "có hơn 3.000" tên lửa đạn đạo.
Các chuyên gia vũ khí đã phân tích những video trên mạng xã hội về hiện trường cuộc tấn công và suy đoán Iran sử dụng các biến thể của tên lửa đạn đạo Shahab-3 khi tập kích Israel. Đây đều là những tên lửa đạn đạo tầm trung uy lực của Iran, có tầm bắn gần 2.000 km.
Truyền thông Iran đưa tin rằng Tehran còn sử dụng một tên lửa mới, Fattah-1, trong cuộc tấn công. Tehran mô tả Fattah-1 là loại tên lửa "siêu vượt âm", nhanh gấp 14 lần âm thanh, và có khả năng "xuyên thủng mọi lá chắn phòng thủ". Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng Fattah chỉ là tên lửa đạn đạo thông thường, không thuộc nhóm vũ khí siêu vượt âm, vì thiếu khả năng cơ động liên tục ở tốc độ cao trong bầu khí quyển để vượt qua lưới phòng không đối phương.
4 mẫu tên lửa Iran khai hỏa để tập kích Israel
Trong trường hợp một cuộc đối đầu quy mô lớn nổ ra, kho tên lửa tấn công khổng lồ cũng chính là quân bài phòng thủ quan trọng của Iran, có thể khiến Israel kiềm chế phần nào đòn đáp trả nếu họ lo ngại về những hệ lụy sau đó.
Về phần Israel, Simon Wolfgang Fuchs, chuyên gia về Trung Đông tại Đại học Hebrew ở Jerusalem, cho biết nhiều người ở nước này coi tình hình hiện tại là cơ hội nghìn năm để thay đổi cán cân quyền lực ở Trung Đông và làm suy yếu Iran một cách triệt để.
"Israel không quan tâm đến giảm leo thang vào lúc này", ông nói.
Trang Axios của Mỹ đưa tin một "cuộc trả đũa lớn" sẽ được Israel triển khai trong vài ngày tới. Theo thông tin từ họ, các quan chức Israel đã nói rằng quân đội sẽ tập trung nhắm vào các cơ sở sản xuất dầu mỏ cùng những địa điểm chiến lược khác tại Iran, trong đó có cơ sở hạt nhân.
Fuchs cảnh báo nếu Israel nhắm vào các mục tiêu chiến lược này của Iran, vốn được Tehran coi là "lằn ranh đỏ", tình hình ở toàn bộ Trung Đông sẽ trở nên thực sự khó lường.
Trong trường hợp phải phòng thủ, chiến lược của Israel hiện vẫn dựa vào hệ thống phòng không nhiều lớp và hỗ trợ từ đồng minh phương Tây.
Tel Aviv hiện vận hành loạt hệ thống giúp ngăn chặn nhiều mối đe dọa đường không, từ tên lửa đạn đạo cho đến tên lửa hành trình bay thấp.
Theo Tổ chức Phòng thủ Tên lửa (IMDO) của Israel, hệ thống Vòm Sắt chỉ là lớp phòng thủ cơ bản nhất của nước này và không phải hệ thống được sử dụng để chống lại tên lửa đạn đạo Iran hôm 1/10.
Lớp tiếp theo trong hệ thống phòng thủ tên lửa là "lá chắn" David's Sling, có khả năng chống lại các mối đe dọa tầm ngắn và tầm trung, tiêu diệt mục tiêu ở khoảng cách tới 300 km.
Phía trên David's Sling là hệ thống Arrow 2 và Arrow 3 do Israel phát triển chung với Mỹ.
Theo CSIS, Arrow 2 sử dụng đầu đạn phân mảnh để phá hủy tên lửa đạn đạo đang bay tới ở giai đoạn cuối, ở tầng khí quyển trên, khi chúng lao về phía mục tiêu. Trong khi đó, Arrow 3 dùng để đánh chặn tên lửa đạn đạo từ không gian, trước khi chúng quay trở lại bầu khí quyển trên đường tới mục tiêu.
Vị trí Iran - Israel. Đồ họa: BBC
Thông tin tình báo từ Mỹ và phương Tây cũng đóng vai trò đặc biệt trong mạng lưới phòng thủ của Israel, Dan Sabbagh, nhà phân tích từ báo Guardian, nhận định.
Mặc dù Iran cho biết đã chuyển lời cảnh báo về cuộc tấn công thông qua đại sứ quán Thụy Sĩ tại Tehran, Ngoại trưởng Iran Araghchi nói rằng họ chỉ làm như vậy sau khi các tên lửa đã được phóng đi 12 phút.
Thực tế, Mỹ đã cảnh báo về một cuộc tấn công sắp xảy ra trước đó khoảng hai tiếng rưỡi, mang đến quãng thời gian quý báu để Israel chuẩn bị sẵn sàng ứng phó. Điều này cho thấy Mỹ sở hữu hệ thống tình báo, giám sát vượt trội trong khu vực, có thể giúp tăng cường chiến lược phòng thủ và đánh chặn cho đồng minh Israel.
Vũ Hoàng (Theo CNN, DW, Guardian, AFP, Reuters)