Chăm sóc trẻ viêm da cơ địa mùa lạnh

05/01/2025
|
0 lượt xem
Bệnh Trẻ Em Các Bệnh Nhi - Sơ Sinh Sức Khỏe
Chăm sóc trẻ viêm da cơ địa mùa lạnh

Viêm da cơ địa còn gọi là bệnh chàm sữa, lác sữa phổ biến ở trẻ. Bệnh có xu hướng di truyền ở các gia đình bị dị ứng thực phẩm, hen suyễn, sốt cỏ khô (một dạng viêm mũi dị ứng).

BS.CKI Lương Thị Giang Lam, khoa Da liễu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết đây là bệnh mạn tính, dễ tái phát khi thời tiết thay đổi như chuyển lạnh. Lúc này da trẻ đỏ, khô, ngứa, bong vảy da, một số trường hợp trẻ cào gãi nhiều dẫn đến trầy xước, nhiễm khuẩn. Bệnh khiến trẻ khó chịu, ăn kém, khó ngủ, tăng cân chậm. Tình trạng kéo dài khiến vùng da dày, cứng, sẫm màu.

Làn da bình thường có một lớp màng hỗ trợ giữ ẩm, bảo vệ khỏi những tác nhân gây hại bên ngoài. Tuy nhiên với trẻ mắc bệnh, cơ thể thiếu một số lipid nhất định trong da, khiến da khô và nhạy cảm hơn, dễ bị kích ứng. Bác sĩ Lam hướng dẫn một số cách chăm sóc da cho bé mùa lạnh.

Giữ ấm cơ thể: Trẻ mặc ấm nhiều lớp, dễ cởi hoặc mở áo khoác khi cần thiết để tránh đổ mồ hôi, không bị bí bách vì khiến da thêm ngứa, khó chịu. Khi ra ngoài trời lạnh, trẻ cần đeo găng tay, khăn quàng, mũ giúp giảm nguy cơ khô và nứt nẻ da. Cần chọn quần áo, găng tay, mũ có chất liệu mềm mại, thấm hút tốt như cotton, lụa, tránh đồ len hay sợi vải tổng hợp.

Giặt quần áo trước khi cho trẻ mặc để loại bỏ các hóa chất như formaldehyde, thuốc nhuộm... có thể gây dị ứng da. Tránh sử dụng chất tẩy rửa mùi thơm, nước xả vải thành phần hóa học không phù hợp với da trẻ.

Vệ sinh thân thể trẻ sạch sẽ: Phụ huynh nên tắm nhanh cho trẻ, không quá 10 phút. Nhiệt độ nước tắm trong khoảng 36-38 độ C. Hạn chế tắm nước quá nóng vì dễ làm da mất nước nhiều, khô.

Bác sĩ Lam lưu ý phụ huynh không nên dùng nước lá hoặc muối tắm cho trẻ bị viêm da cơ địa. Các loại lá có thể chứa thành phần gây dị ứng cho trẻ, làm da khô hơn, thay đổi độ pH hoặc chứa nhiều chất bẩn, vi khuẩn, tăng nguy cơ nhiễm trùng. Bé nên dùng sữa tắm lành tính không chứa xà phòng hoặc có tính tẩy rửa mạnh, hương liệu hay thành phần gây kích ứng, dùng loại sữa tắm hỗ trợ điều trị viêm da cơ địa.

Dưỡng ẩm da cho bé bằng các loại kem dưỡng ẩm vô trùng dành riêng cho da nhạy cảm, chiết xuất từ thiên nhiên, có kiểm nghiệm lâm sàng, không chứa hương liệu, chất tạo màu nhân tạo, paraben hay phthalates. Độ pH của kem dưỡng ẩm tương ứng làn da của trẻ 5.5 để tránh gây kích ứng.

Thoa kem ngay cho bé sau khi tắm, rửa tay chân khoảng 3-5 phút. Nên bôi kem dưỡng ẩm nhiều lần trong ngày, nhất là sau khi ra ngoài trời lạnh. Bôi duy trì ngay cả khi bệnh không tái phát. Trong giai đoạn cấp, phụ huynh nên bôi kem dưỡng cho trẻ kết hợp thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.

Khuyến khích trẻ uống đủ nước để bổ sung nước cho cơ thể. Mùa lạnh, cơ thể ít ra mồ hôi nên trẻ thường ít khi khát nước, có xu hướng uống ít nước khiến da mất dần độ ẩm, khô hơn, dễ tái phát bệnh. Nên cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong ít nhất 6 tháng đầu đời để đảm bảo sức khỏe, tăng cường miễn dịch. Trẻ lớn nên uống bổ sung thêm sữa, nước lọc, nước trái cây ủ ấm.

Bổ sung thực phẩm giúp tái tạo da như rau xanh, trái cây, thực phẩm giàu vitamin nhóm B như thịt gà, cá, ngũ cốc, các loại đậu... Thực phẩm giàu omega-3 (cá hồi, hạt chia, dầu hạt lanh), vitamin D và kẽm cũng hỗ trợ giảm viêm, da khỏe mạnh.

Kiểm soát cơn ngứa, tránh để bé gãi nhiều có thể khiến da thêm tổn thương, tăng nguy cơ bội nhiễm. Phụ huynh nên cắt móng tay cho trẻ, đắp ẩm hoặc sử dụng băng ướt cho vùng da tổn thương nếu trẻ ngứa nhiều. Làm ướt khăn hoặc băng với nước ấm có pha dung dịch làm ẩm cho da, sau đó áp vào vùng da khô trong 5-10 phút.

Không tự ý dùng thuốc, lạm dụng thuốc hoặc dùng lại đơn thuốc cũ bởi nhiều loại thuốc bôi trị viêm da hầu hết chứa corticosteroid. Nếu dùng thuốc kéo dài có thể gây kích ứng da, dẫn đến khô, sạm da, biến đổi sắc tố, thậm chí teo da. Các đơn thuốc cũ đôi khi không phù hợp với tình trạng bệnh hiện tại. Trẻ dùng thuốc sau khám, theo chỉ định của bác sĩ.

Giảm căng thẳng cho trẻ bằng cách khuyến khích trẻ vui chơi nhẹ nhàng, nghe nhạc, tham gia hoạt động thể thao giải trí giúp thư giãn, trẻ quên cảm giác ngứa.

Kiểm soát độ ẩm không khí trong phòng giúp giảm tình trạng không khí khô. Bác sĩ Lam khuyên nên duy trì độ ẩm lý tưởng trong phòng ngủ và không gian sinh hoạt của trẻ ở khoảng 40-60%. Hạn chế sử dụng các thiết bị sưởi ấm như quạt sưởi, lò sưởi để da trẻ không bị khô rát, nứt nẻ.

Đảm bảo vệ sinh môi trường sống xung quanh. Không gian thoáng mát, trong lành, tránh các yếu tố nguy cơ như bụi, lông động vật, phấn hoa... giảm nguy cơ tái phát bệnh.

Nếu các tình trạng viêm da cơ địa không cải thiện hoặc vùng da tổn thương da nứt, chảy nước, mưng mủ... phụ huynh cần đưa bé đi khám ngay.

Trịnh Mai

Độc giả gửi câu hỏi về bệnh trẻ em tại đây để bác sĩ giải đáp
Tin liên quan
Tin Nổi bật