PGS.TS.BS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết nhà vệ sinh liên quan chặt chẽ với đường tiêu hóa và các bệnh nhiễm trùng. Lý do, nhà vệ sinh không đạt chuẩn khiến vi khuẩn sinh sôi, khi sử dụng chung và không được vệ sinh thường xuyên sẽ tăng nguy cơ bệnh tật cho người sử dụng.
Các nhà vệ sinh không đạt chuẩn là những khu vực quây tôn tạm bợ, thiếu ánh sáng, nước sạch, chứa rác, không có hệ thống tự hoại. Theo đại diện dự án "Vệ sinh học đường", tình trạng này xuất hiện ở nhiều trường học ở Yên Bái và Lai Châu. Một số nơi đã xuống cấp nhiều năm, song chưa được cải tạo, mỗi ngày phục vụ thường xuyên cho 500-1.000 học sinh. Giáo viên và học sinh nhà trường hàng ngày phải thông tắc hơn một chục lần, muốn sử dụng cần xếp hàng chờ rất lâu.
Nhà vệ sinh xuống cấp tại trường PTDT bán trú Trung học cơ sở Lý Tự Trọng (Mù Cang Chải, Yên Bái). Ảnh: Vệ sinh học đường
Theo bác sĩ Dũng, nhiều nơi coi vấn đề nhà vệ sinh là nhỏ, chưa quan tâm đúng mức. Thực tế, vấn đề này tạo ra ảnh hưởng xấu về tâm lý và sức khỏe của học sinh. Bác sĩ phân tích, nhiều tác nhân như E.coli, salmonella và norovirus có trên tường, bề mặt, tay nắm cửa nhà vệ sinh. Chúng gây ra bệnh nhiễm trùng tiêu hóa (tiêu chảy) cho trẻ, thông qua bàn tay bị ô nhiễm. Nếu không được xử trí đúng, bệnh này có thể gây nhiều biến chứng, thường gặp gồm: rối loạn tiêu hóa kéo dài; suy dinh dưỡng do tiêu chảy kéo dài; nhiễm trùng huyết.
Bên cạnh đó, trẻ có thể mắc bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu. Các loại vi khuẩn phổ biến như E. Coli có thể dẫn đến nhiễm trùng tiết niệu dưới và nếu không được điều trị kịp thời có thể nhiễm trùng lan tới đường tiết niệu trên, gây viêm thận bể thận và biến chứng nhiễm trùng huyết rồi suy thận.
Ngoài ra, nguy cơ nhiễm viêm gan A cũng tăng cao khi trẻ tiếp xúc với bề mặt bị ô nhiễm hoặc phân có trong nhà vệ sinh công cộng. Dù bệnh nhẹ, một số ít trường hợp có thể gây biến chứng suy gan nặng với tỷ lệ khoảng 10%. Bệnh hiện chưa có biện pháp điều trị đặc hiệu, chỉ giảm triệu chứng bằng cách bù dịch khi người bệnh nôn ói, tiêu lỏng. Quá trình hồi phục chậm, kéo dài vài tuần hoặc vài tháng.
Trẻ rửa tay sau khi vệ sinh. Ảnh: Vecteezy
Khu vực toilet kém, không có nước rửa tay cũng tiềm ẩn những nguy cơ sức khỏe khác. Ví dụ, trẻ không rửa tay sau khi vệ sinh và ăn bán trú ngay tại trường, mầm bệnh có thể thông qua bàn tay và lây lan cho nhiều trẻ cùng một lúc.
Để phòng các bệnh đường tiêu hóa, tiết niệu cho trẻ nhỏ, bác sĩ Dũng cho rằng cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Điều kiện đầu tiên là trẻ có khu vệ sinh đạt chuẩn với nước sạch, khu vực rửa tay với xà phòng sau khi sử dụng.
Khi vệ sinh tay, trẻ cần rửa kỹ bằng xà phòng và nước tối thiểu 20 giây. Nếu không có xà phòng, nhà trường có thể hướng dẫn trẻ sử dụng dung dịch diệt khuẩn đạt chuẩn khác.
Nhà vệ sinh cần được lau chùi, khử khuẩn và bảo trì thường xuyên, đặc biệt những bề mặt thường xuyên chạm vào như bồn cầu, tay cầm xả nước, vòi nước và tay nắm cửa. Không gian nhà vệ sinh cần thông gió đầy đủ để giảm thiểu mùi khó chịu và giảm nồng độ mầm bệnh trong không khí.
Bên ngoài khu vực vệ sinh, nhà trường nên trang bị các bảng hướng dẫn nhấn mạnh tầm quan trọng của các biện pháp vệ sinh, rửa tay đúng cách. Đây cũng là cách giáo dục trẻ nhỏ giảm nguy cơ lây truyền bệnh trong nhà vệ sinh cũng như cộng đồng.
Văn Hà
Với mong muốn trẻ em vùng cao có điều kiện đảm bảo sức khỏe để học tập, quỹ Hy vọng với sự đồng hành của nhãn hàng men ống vi sinh Enterogermina tiếp tục thực hiện dự án Vệ sinh học đường tại Tam Đường (Lai Châu) và Mù Căng Chải (Yên Bái) năm 2024. Dự án đặt mục tiêu khánh thành 20 nhà vệ sinh đạt chuẩn vào trong tháng 9, phục vụ 10.000 học sinh, giáo viên. Để chung tay cùng dự án, độc giả tìm hiểu tại đây.