Ấn Độ tìm cách tái chế hàng triệu tấn rác thải ngành điện tái tạo

29/12/2024
|
0 lượt xem
Kinh Doanh Netzero Sáng Kiến
Ấn Độ tìm cách tái chế hàng triệu tấn rác thải ngành điện tái tạo

Ở rìa khu rừng miền Nam Ấn Độ, 6 người phụ nữ trong một xưởng nhỏ bận rộn may túi vải, quần áo bằng máy tự động. Bốn năm trước, công việc của họ thường xuyên gián đoạn vì mất điện. Nhưng giờ đây, một chiếc hộp đen to nằm trong góc nhà giúp hoạt động xuyên suốt.

Đó là bộ pin xe điện qua sử dụng. Thợ may H. Gauri nói nó như vị cứu tinh. "Trước khi có pin, chúng tôi may thủ công lúc mất điện, rất mệt mỏi. Giờ không còn lo lắng và có thể hoàn thành tất cả đơn hàng đúng hạn", cô nói.

Bộ pin của xưởng may có thể cung cấp nguồn điện dự phòng trong sáu giờ. Chúng được công ty tái chế pin và lưu trữ năng lượng Nunam lắp đặt. Bốn năm qua, đơn đặt hàng của Nunam tăng đáng kể. Đội ngũ 20 nhân viên của họ tại Bengaluru luôn bận rộn thiết kế và đóng gói các bộ pin từ ôtô và xe ba bánh điện qua sử dụng.

Kỹ sư Prithvi Raj Narendra của Nunam cho biết phục vụ những nhu cầu tiêu thụ điện nhỏ là cách lý tưởng để tái sử dụng pin xe điện. "Pin xe điện được thiết kế để hoạt động hết công suất cho động cơ. Khi dùng chúng để cấp điện cho các thiết bị nhỏ hoặc đèn thì rất nhẹ nhàng", ông nói.

Các bộ trữ điện tái chế từ pin xe điện cũ của Nunam. Ảnh: AP

Nunam đặt mục tiêu tái chế được tổng công suất một GWh điện - đủ cung cấp cho một triệu ngôi nhà một năm – cuối thập kỷ này. Họ nhắm đến các hộ gia đình và doanh nghiệp nhỏ khắp Ấn Độ, đặc biệt là nơi không có nguồn điện ổn định.

Ấn Độ là quốc gia đông dân nhất thế giới và nằm trong số các nước phát thải khí nhà kính hàng đầu. Nước này đặt mục tiêu sản xuất 500 gigawatt năng lượng sạch vào cuối thập kỷ và trở thành trung tâm sản xuất thiết bị năng lượng sạch.

Họ cũng đồng thời tăng sử dụng xe điện, năng lượng tái tạo nhằm giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng cần tìm cách tái chế các thiết bị sau khi hết hạn sử dụng, nếu không sẽ tạo ra hàng triệu tấn rác thải.

Các tấm pin mặt trời thường có tuổi thọ từ 20 đến 30 năm. Một số ước tính cho thấy Ấn Độ hiện sản sinh 100.000 tấn rác thải liên quan đến năng lượng mặt trời mỗi năm, con số này có thể tăng lên 340.000 tấn vào năm 2030.

"Vấn đề hiện tại chưa lớn, nhưng sẽ trở nên nghiêm trọng hơn khi số lượng tấm pin mặt trời lắp đặt tăng lên", Adarsh Das, chuyên gia 30 năm làm việc trong lĩnh vực năng lượng mặt trời ở Ấn Độ, cho biết.

Ấn Độ đang nhập khẩu hơn 95% pin lithium-ion cùng với lượng lớn nickel, cobalt và khoáng sản khác cần thiết cho năng lượng sạch và pin xe điện. Các chuyên gia ước tính gần 90% các vật liệu này có thể được thu hồi để sản xuất các tấm pin mặt trời, pin và tuabin gió mới.

Akansha Tyagi, chuyên gia tại Hội đồng Năng lượng, Môi trường và Nước ở New Delhi nói tái chế các khoáng sản quan trọng là cơ hội lớn. "Nên có nhiều chiến lược để thiết kế, sử dụng sản phẩm tốt hơn trong suốt vòng đời, sửa chữa chúng trước khi tái chế và cuối cùng là tái chế một cách có trách nhiệm", bà nói.

Hiện các rào cản cho nỗ lực tái chế thiết bị qua sử dụng ngành điện tái tạo là chưa có nhiều doanh nghiệp tham gia, thiếu nhân lực và quy định chi tiết. Nhiều tấm pin mặt trời, pin xe điện và các bộ phận năng lượng sạch khác đang bị đổ vào bãi rác.

Một số được xử lý bởi các nhà tái chế chất thải không được cấp phép. Vài startup khác đang tìm cách tái chế các thành phần có giá trị như Nunam nhưng vẫn còn hiếm. Deepali Sinha Khetriwal, Điều hành không gian làm việc chung cho các nhà tái chế chất thải điện tử gần New Delhi nói ngành cần nhân lực có tay nghề.

"Dù quy mô còn nhỏ, những gì chúng tôi đang làm có thể nhân rộng. Chúng tôi rất lạc quan về tương lai nếu đất nước lên kế hoạch trước", cô nói. Theo Deepali Sinha Khetriwal, ngành này đang mở ra nhiều cơ hội việc làm.

Chính phủ Ấn Độ đã đưa các thành phần năng lượng mặt trời, gió và xe điện vào quy định về chất thải điện tử và yêu cầu các nhà sản xuất tái chế các linh kiện này, nhưng vẫn còn thiếu rõ ràng về cách thực hiện.

Công ty năng lượng tái tạo First Solar (Mỹ) sở hữu một nhà máy sản xuất thiết bị điện mặt trời ở Chennai và đã có quy trình tái chế. Trong tương lai, các tấm pin mới sẽ được làm từ các linh kiện tái chế từ tấm pin cũ.

Sujoy Ghosh, Giám đốc First Solar Ấn Độ, cho biết các quy định về chất thải của chính phủ đang đúng hướng, nhưng "điều quan trọng nằm ở chi tiết." Ông nhấn mạnh rằng cần có quy định cụ thể về cách tái chế pin mặt trời và cách doanh nghiệp có thể tạo lợi nhuận từ việc thiết lập cơ sở tái chế.

Anjali Taneja, chuyên gia chính sách cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Khoa học, Công nghệ và Chính sách Ấn Độ tin rằng việc tái chế có thể mang lại lợi nhuận cho các nhà sản xuất thiết bị điện mặt trời. Tuy nhiên, Taneja lo ngại rằng nếu không có kế hoạch tái chế rõ ràng, đất nước có thể "trở thành một trong những nơi tạo ra lượng rác thải lớn nhất".

Phiên An (theo AP)

Tin liên quan
Tin Nổi bật