'Ai dạy nó lái xe?'

29/12/2024
|
0 lượt xem
Góc Nhìn Văn Hóa & Lối Sống
'Ai dạy nó lái xe?'

Trường không có xe đưa đón, nhà không tiện xe buýt, phụ huynh bận đi làm và cũng không dư dả tiền bạc thuê xe ôm mỗi ngày, còn xe đạp thì "vừa xa, vừa mệt". Xe dưới 50 phân khối trở thành giải pháp ưu việt - không bằng lái, chi phí vừa phải lại rất tiện lợi, chỉ cần đủ 16 tuổi.

Ông bố định dành ra một tuần để dạy con lái xe. Mười mấy năm qua, Tuấn Anh hầu như chỉ ngồi sau xe máy, và cũng chỉ có vài năm kinh nghiệm đi xe đạp. Tôi hỏi anh, một tuần liệu có đủ để cháu thành thạo không, anh cười nói: "Chưa kịp dạy đã thấy chạy vèo vèo rồi, chả biết ai dạy nó lái xe". Tuấn Anh nhanh nhảu trả lời rằng bạn bè con toàn tự dạy nhau, có đứa nào cần bố mẹ đào tạo đâu.

Hai người lớn chúng tôi bỗng nhận ra, có lẽ điều này cũng phổ biến trong rất nhiều gia đình tại Việt Nam. Lần đầu tiên con tập đi xe đạp, cả nhà bám đuôi dìu dắt. Nhưng lần đầu tiên con lái xe có động cơ là khi nào thì rất nhiều phụ huynh không biết.

Tuấn Anh chỉ cần bạn bè hướng dẫn sơ qua rồi nhảy lên xe vi vu dạo phố với bạn vài lần là quen. Thực hành đơn giản thế thôi, còn về lý thuyết và quy định pháp luật khi tham gia giao thông, Tuấn Anh chỉ nhớ loáng thoáng sau vài tiết học môn Giáo dục công dân ở trường.

Năm nay con tôi tròn 18 tuổi. Vài năm trước, tôi nói với cháu, ngoài thi tốt nghiệp lớp 12, một nhiệm vụ quan trọng không kém là học và thi bằng lái xe máy. Cháu sẽ phải học cẩn thận để rành rẽ các nguyên tắc đi đường, hiểu luật khi tham gia giao thông, và biết lái xe có văn hóa.

Chúng tôi tìm hiểu việc học và thi bằng lái thì mới biết, quá trình này hóa ra không "nghiêm trọng" như chúng tôi tưởng. Theo Thông tư của Bộ GTVT, quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ, thời gian đào tạo lái xe hạng A1 là 12 giờ (10 giờ lý thuyết, 2 giờ thực hành).

Nhưng ngay cả khi mọi thứ đơn giản và dễ dàng như thế, nhiều người vẫn không muốn học hành bài bản. Nếu lên mạng, bạn sẽ thấy cả một thị trường dịch vụ thi bằng lái rất sôi động. Bạn thậm chí không phải đi gặp bất kỳ ai, chỉ cần ngồi nhà liên lạc với người môi giới, họ sẽ gửi cho bạn tất cả link video dạy lái xe, dạy cách thi đỗ bằng lái, và hướng dẫn chi tiết từng thủ tục giấy tờ. Toàn bộ chỉ mất vài trăm nghìn đồng.

Tuấn Anh và con gái tôi đại diện cho hai nhóm người trẻ đang hàng ngày lưu thông trên đường, với các điều kiện ràng buộc khác nhau, tùy thuộc vào độ tuổi và phương tiện sử dụng, nhưng đều gây ra nhiều lo ngại về tính an toàn.

Người đủ 18 tuổi trở lên được cấp giấy phép lái xe hạng A1, A, B1, B, C1, được điều khiển xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ. Nhóm này ngay cả khi có bằng, vẫn tiềm ẩn rủi ro, nếu bằng cấp có được là nhờ... thông qua dịch vụ. Sự coi nhẹ quá trình đào tạo, cộng thêm việc thiếu kiến thức và trải nghiệm thực tế sẽ khiến các thanh niên trẻ phản ứng non nớt trước những tình huống giao thông phức tạp.

Từng có nhiều đề xuất về việc tổ chức sát hạch, cấp bằng lái hạng AM (bằng lái xe dưới 50cc) cho người điều khiển xe gắn máy, nhưng tại dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ mới nhất (ngày 18/5/2024), điều 59 quy định người đủ 16 tuổi trở lên được điều khiển xe gắn máy, không yêu cầu có bằng lái.

Trong khi đó, theo thống kê của Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia, năm 2023, gần 1.000 trẻ dưới 18 tuổi thiệt mạng và 1.300 em bị thương do tai nạn giao thông. 80% nạn nhân thuộc độ tuổi 15-18 và tự điều khiển phương tiện tham gia giao thông gây tai nạn. Dữ liệu của Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội cho biết, tai nạn của trẻ em do đi sai phần đường quy định chiếm 34%; vi phạm tốc độ 30% và thiếu quan sát 26%. Các nguyên nhân này cho thấy nhiều thiếu niên thiếu kỹ năng và kiến thức giao thông.

Việc học lái xe không dừng lại ở thời điểm thi đỗ bằng lái. Học lái xe là chuyện cả đời, chủ yếu là học thái độ và phản ứng trước mỗi tình huống, học cả cách kiềm chế bản thân, bởi với mỗi địa phương, địa hình, điều kiện thời tiết, điều kiện chuyên chở, người lái xe lại phải có những kỹ năng riêng. Có bằng lái không đồng nghĩa với việc khả năng lái xe tốt. Trong những năm đầu đời của "nghề lái", chỉ cha mẹ, người thân mới có đủ thời gian, sức lực để theo sát và hướng dẫn các bạn trẻ những bài học đó.

Chuẩn bị cho kỳ thi lấy bằng, gia đình tôi đã có hơn mười năm dạy con. Khi chở con trên đường, tôi thường xuyên nhắc nhở con quan sát tình huống, giải thích những sự cố mà con nhìn thấy, cách hành xử khi có tai nạn, cách giao tiếp với mọi người bao gồm cả cảnh sát giao thông, cách đọc biển báo, cách ghi nhớ và thực hành luật giao thông đường bộ... Tôi luôn nhấn mạnh việc quan sát và kiểm soát tốc độ - hai kỹ năng quan trọng nhất với mọi tài xế.

Nhiều năm như thế, tôi nghĩ cháu cũng có hiểu biết khá vững vàng rồi. Thế nhưng, trong thời gian học cấp ba, mỗi khi tôi để cháu cầm lái xe phân khối nhỏ để thực hành, chúng tôi thường xuyên tranh luận. Sao mẹ không để con leo lên vỉa hè, đường thì tắc cứng thế này! Sao mẹ cứ bắt con dừng đèn đỏ đúng vạch giữa nắng, đi quá lên kia chẳng phải có bóng râm hay sao! Sao mẹ không cho con đi vào làn đường ôtô, trong khi ôtô toàn đi sát sạt vào vỉa hè... Khó trách cháu đưa ra những "lý sự cùn" như thế, vì cháu nhìn thấy rất nhiều hành vi sai trên đường.

Chỉ một người phạm luật cũng có thể là tiền lệ xấu để các cháu làm theo. Người lớn chạy xe chưa đúng, không tránh khỏi thế hệ trẻ cũng lái xe ẩu. Học cái tốt mất nhiều thời gian, học cái xấu lại chỉ cần tích tắc.

Vậy, người làm cha làm mẹ, trước khi thả con ra đường, hãy trang bị đầy đủ nhất có thể, kiến thức, kinh nghiệm và văn hóa giao thông. Ngay cả khi con đã có bằng hoặc mới chỉ được ai đó dạy lái xe, cha mẹ cũng cần tự mình sát hạch lại cẩn trọng, và liên tục ôn tập cho con các bài học hành xử khi tự mình điều khiển một chiếc xe.

Trịnh Hằng

Tin liên quan
Tin Nổi bật