Thời tiết lạnh, độ ẩm không khí thấp vào mùa đông khiến da thô ráp, môi nứt nẻ, móng tay giòn và tóc khô. Để giữ ẩm và phục hồi tổn thương cho những vùng này vào mùa đông, mọi người nên lưu ý những điều dưới đây.
Chăm da
Không tắm lâu: Nước nóng tạo cảm giác dễ chịu nhưng tắm lâu dễ làm mất lớp dầu tự nhiên, gây khô da. Viện Da liễu Mỹ (AAD) khuyến cáo chỉ nên tắm trong 5-10 phút bằng nước ấm, không phải nước nóng. Nếu tắm lâu hơn, da có thể bị mất nước nhiều hơn so với trước khi tắm.
Dưỡng ẩm kỹ: Công dụng của kem dưỡng ẩm là tạo lớp màng bảo vệ da để ngăn nước thoát ra ngoài. Trong môi trường khô như mùa đông, da mất độ ẩm nhanh hơn nên phải dưỡng ẩm đúng cách và thường xuyên. Các loại kem dưỡng ẩm có kết cấu hơi đặc được cho là có khả năng dưỡng ẩm tốt hơn. Mọi người nên dưỡng ẩm ngay sau khi tắm xong, khi da còn ẩm. Đây là lúc phù hợp để khóa ẩm vào da.
Tránh xà phòng tẩy rửa mạnh: Theo AAD, sử dụng xà phòng hoặc chất tẩy rửa mạnh có thể làm mất dầu trên da và khiến da khô. Hãy cẩn trọng với sản phẩm chứa cồn hoặc hương liệu như thanh khử mùi, xà phòng kháng khuẩn, thay vào đó chọn sản phẩm chăm sóc da có chứa chất dưỡng ẩm hoặc dầu. Ngoài ra, hãy tìm các sản phẩm dịu nhẹ hoặc không có hương liệu. Sản phẩm càng dịu nhẹ và nhiều chất dưỡng ẩm càng tốt cho làn da.
Chăm móng
Bôi sáp dầu: Móng giòn hoặc sứt mẻ là vấn đề thường gặp vào mùa đông. Cách dễ dàng để cải thiện tình trạng này là sử dụng chất làm mềm có kết cấu đặc như sáp dầu và thoa lên tay, nhất là xung quanh móng tay nơi có lớp biểu bì, giúp dưỡng ẩm cho vùng da đó. Sáp dầu cũng có hiệu quả với môi nứt nẻ. AAD khuyên nên thoa sáp như một loại son dưỡng trước khi đi ngủ, vì độ đặc, nhờn có thể gây khó chịu khi thoa vào ban ngày.
Thoa dưỡng ẩm sau khi rửa tay: Rửa tay nhiều lần trong mùa đông có thể khiến móng tay bị khô quá mức. Vì vậy, sau khi rửa, hãy lưu ý thoa kem dưỡng ẩm cho tay sau đó.
Chăm tóc
Thời tiết mùa đông dễ khiến tóc, móng, da bị khô. Ảnh: Ngọc Phạm
Giảm gội đầu: Nước nóng và gội đầu quá nhiều là thủ phạm làm khô da đầu và cũng có thể ảnh hưởng đến tóc. Da đầu khô thường biểu hiện qua tình trạng bong tróc hoặc ngứa. Do đó, hãy giãn cách tần suất gội đầu thành cách ngày hoặc vài ngày một lần, tùy thuộc vào loại tóc của bạn. Người bị gàu có thể thử dùng dầu gội trị gàu không kê đơn. Nếu không có tác dụng, hãy đến gặp bác sĩ da liễu để được kê đơn dầu gội mạnh hơn.
Dưỡng tóc nhiều hơn: AAD cũng gợi ý sử dụng dầu xả sau mỗi lần gội. Dầu xả giúp cải thiện vẻ ngoài của mái tóc hư tổn hoặc khô xơ, tăng cường độ chắc khỏe cho tóc. Dầu xả cũng có tác dụng giảm tĩnh điện trên tóc vào mùa đông. Khi gội đầu, bạn tập trung vào da đầu, còn dầu xả tập trung thoa vào phần ngọn tóc.
Giảm tạo kiểu: Chải, sấy khô hằng ngày hoặc nhuộm tóc nhiều trong thời tiết mùa đông không tốt cho mái tóc. Giảm tần suất tiếp xúc của tóc với nhiệt, thuốc nhuộm, giúp tóc không bị khô, giòn hoặc gãy.
Nếu áp dụng các mẹo trên nhưng da, tóc và móng vẫn khô, gãy, rụng, hãy đến gặp bác sĩ da liễu. Người có các triệu chứng như ngứa dai dẳng, phát ban, da nứt nẻ, đỏ, bong tróc, vết loét hở hoặc nhiễm trùng do gãi, các nốt nhỏ màu đỏ có thể rỉ dịch khi gãi, các mảng màu đỏ đến xám nâu... nên đi khám. Đây có thể là dấu hiệu của bệnh chàm mùa đông, cần được bác sĩ điều trị.
Anh Ngọc (Theo Heathline)
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh da liễu - thẩm mỹ da tại đây để bác sĩ giải đáp