Chóng mặt rất phổ biến, thường xảy ra ở người cao tuổi, suy nhược, thiếu máu não. Triệu chứng gồm mất thăng bằng, cảm thấy bản thân hoặc mọi vật xung quanh xoay vòng, lảo đảo.
Chóng mặt không phải là bệnh mà là triệu chứng của một hoặc nhiều vấn đề sức khỏe kết hợp nhau như thiếu ngủ, say nắng, mất nước, dị ứng thực phẩm hoặc thuốc. Người bệnh tăng hoặc tụt huyết áp, viêm dây thần kinh tiền đình, chấn thương vùng đầu, thiếu máu não thoáng qua, đột quỵ, u não, có thể bị chóng mặt.
ThS.BS Quãng Thành Ngân, chuyên khoa Thần kinh, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh quận 7, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết cơn chóng mặt thường xảy ra đột ngột, chỉ trong vài giây hoặc vài phút nhưng cũng có thể kéo dài trong nhiều giờ. Tình trạng này làm tăng nguy cơ ngã, chấn thương, tai nạn giao thông.
Người bị chóng mặt nên đi khám và điều trị kịp thời tại cơ sở y tế có chuyên khoa thần kinh, tránh để lâu nguy hiểm. Tùy nguyên nhân, bác sĩ có thể điều trị phù hợp như dùng thuốc, vật lý trị liệu, kích thích từ trường xuyên sọ, phẫu thuật...
Kích thích từ trường xuyên sọ giúp người bị chóng mặt cải thiện triệu chứng. Ảnh minh họa: Phòng khám Đa khoa Tâm Anh quận 7
Bên cạnh khám điều trị theo chỉ định, người bệnh có thể tham khảo bổ sung một số thức uống dưới đây để hỗ trợ phòng ngừa, cải thiện cơn chóng mặt.
Nước lọc giúp bù nước, tăng thể tích tuần hoàn, cân bằng lượng dịch trong cơ thể. Người bị chóng mặt uống 1,5-2 lít nước lọc mỗi ngày góp phần giảm cảm giác mệt mỏi, chóng mặt do thiếu nước hoặc tụt huyết áp. Uống đủ nước còn thúc đẩy quá trình trao đổi chất, đào thải độc tố ra khỏi cơ thể, bớt căng thẳng và chóng mặt, tăng tập trung.
Nước dừa chứa hàm lượng khoáng chất kali, magie, mangan, vitamin C và axit amin L-arginine có khả năng làm tăng độ nhạy cảm của tế bào với insulin, góp phần ổn định đường huyết.
Thành phần chính trong nước dừa là nước và các chất điện giải, chiếm đến 95%, bù nước, ổn định huyết áp. Uống một trái dừa mỗi ngày (không thêm đường) hỗ trợ cải thiện triệu chứng chóng mặt, hoa mắt, ù tai, choáng váng.
Nước chanh có nhiều dưỡng chất cần thiết cho cơ thể như vitamin B6, C, axit citric, pectin, kali, chất xơ (từ tép, múi chanh). Nước chanh giúp giải khát, cải thiện bệnh tim mạch, huyết áp, tăng cường hệ miễn dịch và tiêu hóa. Vị chua của nước chanh kích thích các giác quan và hệ thần kinh, tạo cảm giác sảng khoái, giảm căng thẳng, tăng cường sự tỉnh táo, quá trình trao đổi chất. Từ đó, người bệnh có thể ngăn ngừa chóng mặt, mệt mỏi, buồn nôn.
Trà gừng chứa hoạt chất gingerol và shogaol, có vai trò làm ấm cơ thể, tiêu hóa, giảm đau, kháng viêm, mở rộng mạch máu, góp phần tăng lưu lượng máu đến não, ngăn ngừa chóng mặt do cơn thoáng thiếu máu não.
Gừng có các vitamin C, B6, khoáng chất như sắt, kali, magie, canxi. Chúng hỗ trợ tăng cường miễn dịch, bảo vệ tế bào não, cải thiện sức khỏe thần kinh và tim mạch. Thức uống này còn giúp giảm căng thẳng, nâng cao chất lượng giấc ngủ. Bởi căng thẳng và mất ngủ là hai tác nhân phổ biến gây chóng mặt.
Gừng chứa chất chống oxy hóa giúp tăng lưu lượng máu lên não. Ảnh: Bùi Thủy
Mật ong cung cấp vitamin B, vitamin C, canxi, sắt, canxi, phốt pho, magie, các chất chống oxy hóa. Uống nước mật ong pha với nước ấm hỗ trợ tiêu hóa khỏe, tăng lưu lượng máu lên não, bổ sung nước cùng năng lượng, giảm chóng mặt và choáng váng.
Bác sĩ Thành Ngân khuyến cáo người bị chóng mặt nên thiết lập chế độ làm việc, nghỉ ngơi, ăn uống, rèn luyện sức khỏe khoa học và dùng thuốc, điều trị theo chỉ định của bác sĩ. Tránh căng thẳng, lo âu, ngủ đủ giấc. Không hút thuốc lá, hạn chế uống rượu bia và chất kích thích thần kinh. Hạn chế thay đổi tư thế đứng, nằm, ngồi đột ngột dễ dẫn đến chóng mặt dễ tái phát.
Bổ sung các hoạt chất từ thiên nhiên như blueberry (việt quất), ginkgo biloba (bạch quả) giúp tăng cường lưu thông máu và oxy lên não, góp phần ngăn ngừa triệu chứng chóng mặt, cải thiện đau đầu, mất ngủ.
Trường Giang
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh thần kinh tại đây để được bác sĩ giải đáp