Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khoảng 40% trường hợp vô sinh hiếm muộn có nguyên nhân từ người vợ, tương đương với người chồng. 10% trường hợp do cả hai phía và 10% không rõ nguyên nhân. Có rất nhiều tình trạng có thể gây vô sinh ở nam và nữ với các dấu hiệu khác nhau.
Ở nữ
Kinh nguyệt không đều
Chu kỳ kinh nguyệt trung bình của phụ nữ kéo dài 28 ngày, nhưng nếu kéo dài hơn hoặc ít hơn vài ngày vẫn được xem là bình thường. Ví dụ, một người phụ nữ có thể có chu kỳ dài 33 ngày, 31 ngày hay 35 ngày.
Các yếu tố như căng thẳng hoặc tập luyện quá nặng có thể khiến kinh nguyệt tạm thời biến mất một tháng. Tuy nhiên, nếu chu kỳ thay đổi quá nhiều đến mức không thể ước tính được thời điểm kinh nguyệt của mình được xem là kinh nguyệt không đều. Điều này đồng nghĩa với việc không rụng trứng đều đặn.
Nguyên nhân xuất phát từ nhiều vấn đề như hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS), béo phì, thiếu cân và các vấn đề về tuyến giáp. Phụ nữ không có kinh trong nhiều tháng cần đến bác sĩ để kiểm tra khả năng sinh sản.
Đau bụng nhiều trong kỳ kinh
Hầu hết phụ nữ đều bị đau nhức bụng dưới khi có kinh. Tuy nhiên, kinh nguyệt ra nhiều và đau bụng nghiêm trọng đến mức ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày có thể là triệu chứng của bệnh lạc nội mạc tử cung. Đây là tình trạng các mô thường thấy trong tử cung lại phát triển ở những nơi khác trong cơ thể. Các khối u lạc nội mạc tử cung có thể sưng lên và chảy máu dẫn đến hiện tượng chảy máu bên trong khung chậu và đau bụng khi hành kinh.
Nếu khối lạc nội mạc cổ tử cung tiếp tục tăng trưởng gây ra một loạt vấn đề như làm tắc ống dẫn trứng, u nang, hình thành mô sẹo và kết dính gây đau vùng chậu, khó thụ thai.
Máu kinh sẫm màu hoặc nhạt màu
Nếu máu kinh thường nhạt màu hơn bình thường có thể là lý do đáng lo ngại. Máu kinh thường có màu đỏ tươi khi bắt đầu kỳ kinh và có thể sẫm màu hơn vào những ngày tiếp theo. Ra máu đen, cũ khi bắt đầu kỳ kinh cũng có thể là dấu hiệu của bệnh lạc nội mạc tử cung. Nếu một người gặp phải các triệu chứng khác, họ có thể muốn trao đổi với bác sĩ.
Người có các dấu hiệu bất thường ở hệ sinh dục và cố gắng thụ thai không thành công nên đi khám toàn diện sức khỏe sinh sản. Ảnh: Ngọc Phạm
Đau khi quan hệ tình dục
Đau khi quan hệ tình dục có thể là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe tiềm ẩn ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của phụ nữ. Ví dụ các vấn đề sức khỏe như nhiễm trùng, lạc nội mạc tử cung và u xơ tử cung.
Các triệu chứng thay đổi hormone
Dấu hiệu thay đổi hormone có thể không cụ thể nên khó nhận thấy hoặc không biết nguyên nhân cơ bản. Sự dao động nồng độ hormone có thể gây tăng cân không rõ nguyên nhân, mụn trứng cá nặng, bàn chân và bàn tay lạnh, giảm hoặc mất ham muốn tình dục, tiết dịch nhũ hoa, mọc lông mặt, tóc thưa thớt.
Ở nam
Mất cân bằng hormone
Testosterone là loại hormone quan trọng đối với khả năng sinh sản của nam giới. Vì vậy, bất thường ờ tinh hoàn làm cản trở sản xuất ra hormone này có thể dẫn đến vô sinh. Hai loại hormone báo hiệu cho tinh hoàn sản xuất tinh trùng và testosterone là hormone hoàng thể (LH) và hormone kích thích nang trứng (FSH). Tuyến yên sản xuất ra các hormone này nên bất kỳ vấn đề nào với tuyến này cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.
Đau hoặc sưng tinh hoàn
Một số tình trạng có thể dẫn đến đau hoặc sưng ở tinh hoàn, dẫn đến vô sinh như viêm mào tinh hoàn, hoặc viêm tinh hoàn do bệnh lây truyền qua đường tình dục, thoát vị bẹn, giãn tĩnh mạch thừng tinh...
Rối loạn cương
Những thay đổi về hormone, các yếu tố tâm lý hoặc vấn đề về thể chất có thể khiến việc đạt được hoặc duy trì sự cương cứng trở nên khó khăn. Tình trạng này xảy ra thường xuyên có thể ảnh hưởng đến quan hệ tình dục hoặc là dấu hiệu của một vấn đề tiềm ẩn.
Các vấn đề về xuất tinh
Gặp khó khăn khi xuất tinh hoặc nhận thấy những thay đổi trong quá trình xuất tinh, chẳng hạn lượng tinh dịch giảm, cũng có thể là dấu hiệu tiềm ẩn liên quan đến khả năng sinh sản.
Tinh hoàn nhỏ, cứng
Tinh hoàn là nơi chứa tinh trùng nên rất quan trọng đối với khả năng sinh sản. Tinh hoàn nhỏ hoặc cứng, có cảm giác căng có thể là một dấu hiệu khác của vấn đề về hormone.
Người có các dấu hiệu vô sinh tiềm ẩn hoặc đã cố gắng có con trong hơn một năm (hoặc 6 tháng nếu trên 35 tuổi) nên đến bác sĩ khám để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân. Trường hợp nhẹ có thể điều chỉnh lối sống để cải thiện, trong khi nguyên nhân tiềm ẩn khác cần điều trị bằng thuốc, phẫu thuật và các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.
Anh Ngọc (Theo Medical News Today)
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh vô sinh hiếm muộn tại đây để bác sĩ giải đáp