STI là các bệnh nhiễm trùng phát triển khi vi khuẩn, virus hoặc ký sinh trùng lây truyền qua quan hệ tình dục. Một số STI có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn ở phụ nữ so với nam giới, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, thậm chí vô sinh nếu không được điều trị. Các yếu tố như mang thai làm tăng nguy cơ biến chứng ở phụ nữ mắc STI.
Chlamydia
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật Mỹ (CDC), đây là STI rất phổ biến do vi khuẩn gây ra, với tỷ lệ mắc ở nữ giới cao hơn nam giới.
Nếu không điều trị và loại bỏ vi khuẩn, chlamydia có nguy cơ gây tổn thương nghiêm trọng đến hệ thống sinh sản của phụ nữ. Biến chứng phổ biến do chlamydia là bệnh viêm vùng chậu. Bệnh này xảy ra khi vi khuẩn gây nhiễm trùng tử cung, ống dẫn trứng, buồng trứng, dẫn đến vô sinh hoặc đau vùng chậu mạn tính.
Nhiễm trùng chlamydia không được điều trị cũng làm tăng nguy cơ mang thai ngoài tử cung, sinh non. Nếu người mẹ truyền bệnh cho con trong khi sinh, trẻ sơ sinh có thể bị nhiễm trùng mắt, mù hoặc viêm phổi.
HPV
Nhiễm trùng virus u nhú ở người (HPV) rất phổ biến và hầu hết người có hoạt động tình dục sẽ nhiễm một chủng HPV vào một thời điểm nào đó trong đời. Hệ miễn dịch khỏe mạnh thường tự loại bỏ virus khỏi cơ thể trong vòng 1-2 năm mà không cần điều trị. Tuy nhiên, trường hợp nhiễm HPV dai dẳng, không được điều trị có thể dẫn đến những thay đổi ở tế bào, trở thành yếu tố tiền ung thư và cuối cùng là ung thư.
Các chủng HPV nguy cơ cao có thể gây ra một số loại ung thư, trong đó HPV-16 và HPV-18 là nguyên nhân của hầu hết các loại ung thư liên quan đến HPV ở nữ giới, bao gồm ung thư cổ tử cung, âm đạo và âm hộ.
Theo Viện Ung thư Quốc gia Mỹ, hầu như các trường hợp ung thư cổ tử cung đều do HPV gây ra. Sàng lọc thường quy bằng xét nghiệm HPV hoặc xét nghiệm tế bào cổ tử cung Pap có thể giúp phát hiện sớm bệnh.
Phụ nữ mắc bệnh tình dục có nguy cơ lây truyền cho con khi mang thai hoặc khi sinh. Ảnh: Ngọc Phạm
Lậu
Theo CDC Mỹ, bệnh lậu phổ biến nhất ở người 15-24 tuổi. Hầu hết phụ nữ mắc bệnh lậu không có bất kỳ triệu chứng nào. Ngay cả khi có triệu chứng, chúng thường nhẹ và có thể bị nhầm lẫn với nhiễm trùng bàng quang hoặc âm đạo.
Phụ nữ mắc bệnh có thể gặp các vấn đề sinh sản hoặc vô sinh hoàn toàn. Người mẹ mang thai và bị bệnh lậu có khả năng lây nhiễm cho trẻ trong khi sinh, dẫn đến những tình trạng sức khỏe nghiêm trọng. Điều trị bằng thuốc có thể loại bỏ hoàn toàn vi khuẩn lậu.
Trichomonas
Đây là bệnh nhiễm trùng do ký sinh trùng phổ biến ở nữ giới hơn nam giới. Phụ nữ lớn tuổi cũng có nhiều khả năng mắc bệnh hơn người trẻ. Nếu không được điều trị bằng thuốc kháng sinh, nhiễm trùng có thể kéo dài nhiều tháng hoặc nhiều năm. Thai phụ mắc bệnh có nguy cơ sinh non hoặc sinh con nhẹ cân.
Giang mai
Giang mai là bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục do vi khuẩn gây ra. Bệnh có thể chữa khỏi bằng thuốc kháng sinh ở các giai đoạn đầu. Tuy nhiên, nếu không điều trị, giang mai có thể dẫn đến tàn tật, rối loạn thần kinh, thậm chí tử vong. Phụ nữ mắc giang mai có thể lây truyền sang thai nhi trong thời kỳ mang thai hoặc sang trẻ sơ sinh khi sinh, được gọi là giang mai bẩm sinh.
Mắc bệnh giang mai có thể dẫn đến sinh con nhẹ cân, sinh non hoặc thai chết lưu. Trẻ sơ sinh bị nhiễm giang mai có thể không có triệu chứng bệnh. Nếu trẻ không được điều trị ngay có thể gặp các vấn đề nghiêm trọng trong vòng vài tuần như đục thủy tinh thể, điếc hoặc co giật và có thể tử vong.
CDC Mỹ khuyến cáo tất cả thai phụ nên sàng lọc giang mai trong lần khám thai đầu tiên và một lần nữa trong tam cá nguyệt thứ hai và thứ ba. Chẩn đoán và điều trị giang mai sớm trong thai kỳ giúp giảm nguy cơ trẻ mắc giang mai bẩm sinh.
Theo Văn phòng Sức khỏe Phụ nữ Mỹ, nữ giới có nguy cơ mắc STI cao hơn nam giới khi quan hệ tình dục không sử dụng bao cao su hoặc biện pháp bảo vệ khác, vì mô âm đạo mỏng hơn, khiến mầm bệnh dễ xâm nhập. Tuy nhiên, hầu hết STI không gây triệu chứng nên phụ nữ khó nhận biết để đi khám, điều trị sớm. Các triệu chứng nếu có thường bao gồm cảm giác đau hoặc nóng rát khi đi tiểu, tăng tiết dịch âm đạo, chảy máu giữa kỳ kinh, ngứa rát ở bộ phận sinh dục, đi tiểu thường xuyên hơn, xuất hiện mụn nước, vết sưng, vết loét xung quanh bộ phận sinh dục, miệng hoặc hậu môn.
Để giảm nguy cơ lây truyền STI, các chuyên gia khuyến cáo phụ nữ hạn chế số lượng bạn tình, sử dụng biện pháp bảo vệ trong mọi lần quan hệ tình dục, tiêm vaccine phòng HPV và viêm gan B. Người mắc bệnh chlamydia, giang mai, trichomonas và lậu có thể điều trị bằng kháng sinh. Một số loại thuốc kháng sinh an toàn trong thời kỳ mang thai. Hầu hết phương pháp điều trị STI cũng an toàn trong thời gian cho con bú. Phụ nữ bị giang mai có thể cho con bú nếu trẻ sơ sinh hoặc máy hút sữa không tiếp xúc với vết loét.
Anh Ngọc (Theo Medical News Today)
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh da liễu tại đây để bác sĩ giải đáp