Cuộc tập trận của Mỹ và Hàn Quốc có tên Lá chắn Tự do Ulchi diễn ra ngày 19-29/8 bao gồm hơn 40 khoa mục trên thực địa, trong đó có diễn tập bắn đạn thật và các buổi mô phỏng tác chiến trên máy tính.
Quân đội Mỹ và Hàn Quốc cho biết hoạt động tập trận năm nay tập trung vào tăng cường khả năng sẵn sàng đối phó với "các mối đe dọa khác nhau từ Triều Tiên" như tên lửa, gây nhiễu tín hiệu định vị GPS và tấn công mạng, đồng thời phản ánh kinh nghiệm thu được từ những cuộc xung đột vũ trang gần đây.
Khoảng 19.000 binh sĩ Hàn Quốc sẽ tham gia tập trận. Quân đội Mỹ chưa công bố số binh sĩ tham gia hoặc xác nhận liệu hoạt động này có liên quan đến các hệ thống vũ khí chiến lược của nước này hay không.
Mỹ những tháng gần đây tăng tần suất triển khai oanh tạc cơ tầm xa, tàu ngầm và nhóm tác chiến tàu sân bay tới khu vực để diễn tập với Hàn Quốc và Nhật Bản.
Hàn Quốc cũng tổ chức diễn tập phòng thủ sơ tán dân sự và sơ tán ngày 19-22/8, trong đó có chương trình được xây dựng trên kịch bản giả định Triều Tiên tấn công hạt nhân.
Xe tăng M1A2 Abrams Mỹ khai hỏa tại thao trường ở Pocheon, Hàn Quốc ngày 14/8. Ảnh: AP
Bộ Ngoại giao Triều Tiên ngày 19/8 nhận định Lá chắn Tự do Ulchi "là cuộc tập trận khiêu khích phục vụ mục đích xâm lược". Cơ quan này khẳng định chương trình hạt nhân của Triều Tiên là chính đáng, tuyên bố "liên tục duy trì cán cân sức mạnh để ngăn chặn chiến tranh bằng cách tích trữ năng lực răn đe mạnh nhất là điều quan trọng".
Giới chuyên gia dự báo Triều Tiên có thể phản ứng dữ dội trước các hoạt động diễn tập và tập trận tại Hàn Quốc. Khi Hàn Quốc và Mỹ tổ chức tập trận Lá chắn Tự do Ulchi vào tháng 8/2023, Triều Tiên nhiều lần phóng thử tên lửa và cho biết đây là hoạt động "mô phỏng đòn tấn công hạt nhân thiêu rụi các mục tiêu" tại Hàn Quốc.
Căng thẳng tại bán đảo Triều Tiên và khu vực lân cận gần đây leo thang do các bên tăng cường hoạt động quân sự. Triều Tiên đầu tháng 8 tổ chức lễ bàn giao 250 bệ phóng tên lửa đạn đạo chiến thuật có thể mang đầu đạn hạt nhân cho các đơn vị quân đội trên tuyến đầu. Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un khi đó yêu cầu quân đội không ngừng mở rộng chương trình hạt nhân.
Nhiều bên lo ngại Triều Tiên có thể tung đòn tấn công hạt nhân phủ đầu nếu thấy lãnh đạo của họ bị đe dọa. Các chuyên gia nhận định ông Kim Jong-un có thể tìm cách gia tăng áp lực trong năm Mỹ tổ chức bầu cử, khi ông thúc đẩy mục tiêu dài hạn và buộc Mỹ phải chấp nhận coi Triều Tiên là cường quốc hạt nhân, cũng như nhượng bộ về kinh tế và an ninh.
Bán đảo Triều Tiên và khu vực xung quanh. Đồ họa: CSIS
Nguyễn Tiến (Theo AP)