11 tác phẩm tham gia Liên hoan Sân khấu Hà Nội mở rộng

31/12/2024
|
0 lượt xem
Giải Trí Sân Khấu Sân Khấu - Mỹ Thuật
11 tác phẩm tham gia Liên hoan Sân khấu Hà Nội mở rộng

Ông Nguyễn Đăng Chương - phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam - cho biết năm nay diễn ra nhiều cuộc thi, liên hoan nên số lượng vở tham gia lần này khá ít. Tuy nhiên, việc lựa chọn những tác phẩm được dựng mới là yếu tố khác biệt của sự kiện.

11 tác phẩm gồm Khoảng trống (Nhà hát Kịch Hà Nội), Hồ Xuân Hương (Nhà hát Chèo Hải Phòng), Sóng ven đô (Nhà hát Chèo Bắc Giang), Cánh cửa khép hờ (Nhà hát Cải lương Việt Nam), Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Nhà hát Chèo Quân đội), Hoàng đế cờ lau (Nhà hát Múa rối Thăng Long), Ông không phải là bố tôi (Nhà hát Tuổi trẻ), Hoàng Thành Thăng Long (Nhà hát Múa rối Việt Nam), Lý Thường Kiệt (Nhà hát Cải lương Hà Nội), Người hát ả đào (Nhà hát Chèo Hà Nội), Lộ hàng (Sân khấu LucTeam).

Vở diễn ''Ông không phải là bố tôi'' ra mắt năm 2022, được Nhà hát Tuổi trẻ dàn dựng lại với êkíp diễn viên trẻ trung, nhằm tạo sự mới mẻ. Ảnh: Nhà hát cung cấp

Ngoài các nhà hát trên địa bàn, liên hoan quy tụ những đơn vị nghệ thuật ở tỉnh, thành phố lân cận. Tại họp báo chiều 28/10, Nghệ sĩ Nhân dân Thu Huyền - giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội - nói vui khi tham gia một liên hoan sân khấu có đề tài không bó buộc, được tiếp cận nhiều màu sắc mới từ những đơn vị nghệ thuật ngoài Hà Nội. Nghệ sĩ Trần Lực cho biết LucTeam sẽ phản ánh những vấn đề nóng hổi trong xã hội qua vở Lộ hàng do Lê Hoàng viết kịch bản.

Mỗi tác phẩm có thời lượng quy định từ 90 đến không quá 150 phút, riêng nghệ thuật xiếc và múa rối sẽ được xem xét cụ thể. Ban tổ chức dự kiến trao bằng chứng nhận và tiền thưởng cho những vở, nghệ sĩ đoạt huy chương vàng, bạc và giải xuất sắc (nếu có) cho các thành phần sáng tạo, gồm tác giả, đạo diễn, họa sĩ, nhạc sĩ, biên đạo múa.

Ông Đỗ Đình Hồng - giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội - cho biết cùng Hội Nghệ sĩ Sân khấu chuyển vé mời tới các đơn vị nghệ thuật, đồng thời dành một lượng nhất định cho học viên, sinh viên tại các cơ sở đào tạo sân khấu. Từ đó giúp họ có điều kiện học hỏi, tìm hiểu thực tế, nâng cao kỹ năng sáng tạo, biểu diễn.

Sự kiện thuộc chuỗi hoạt động mừng 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024), song ban tổ chức lùi lại gần một tháng để các nhà hát có thêm thời gian sáng tạo, trau chuốt tác phẩm.

Phương Linh

Tin liên quan
Tin Nổi bật